Mẹ Khánh Dương (Yên Bái) hỏi: Bé nhà em được 1 tháng tuổi, khi ngủ rất hay vặn mình, gồng mình khó chịu, ngủ không ngon giấc. Dạo gần đây, đêm ngủ bé quấy khóc nhiều hơn, đêm nào cũng trằn trọc, thỉnh thoảng đang ngủ lại bị giật mình tỉnh dậy, khóc thét lên, rất khó dỗ. Em không biết làm thế nào để khắc phục được cho bé, xin hỏi chuyên gia có biện pháp gì giúp cải thiện tình trạng bé 1 tháng tuổi hay vặn mình không? Em cảm ơn.
Trả lời:
Mẹ Khánh Dương thân mến,
Cảm ơn mẹ đã gửi câu hỏi về hòm thư tư vấn của webmebe, để giải đáp thắc mắc của mẹ có biện pháp gì giúp cải thiện tình trạng bé 1 tháng tuổi hay vặn mình không? Chuyên gia đưa ra một số lời khuyên dành cho mẹ như sau:
Đối với trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, tình trạng trẻ vặn mình, giật mình, quấy khóc khi ngủ là hiện tượng sinh lý bình thường nên mẹ không cần quá lo lắng. Bởi trong giai đoạn này, trẻ chưa quen với điều kiện, môi trường sống bên ngoài nên dễ bị kích thích, căng thẳng dẫn đến quấy khóc, khó chịu.
Bên cạnh đó, hệ thần kinh của trẻ lúc này chưa được hoàn thiện, bé sẽ hay có một số biểu hiện như múa vờn, vận động chân tay, rướn người. Ngoài ra, vặn mình cũng là một cách giúp bé thư giãn, thoải mái hơn khi phải nằm một chỗ quá lâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nhi khoa, nếu trẻ vặn mìn, rướn người, quấy khóc ban đêm và kèm theo một số dấu hiệu bất thường khác như ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, nôn trớ, biếng bú, người mệt mỏi, chậm lên cân,…thì cần theo dõi cụ thể tình trạng và đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.
Đối với tình trạng bé 1 tháng tuổi hay vặn mình như mô tả của mẹ Khánh Dương, hiện tại con chưa có dấu hiệu bất thường đi kèm thì mẹ không cần quá lo lắng. Trong trường hợp này, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau để giúp con cải thiện chứng vặn mình, giật mình khi ngủ:
Bé 1 tháng tuổi hay vặn mình khiến nhiều mẹ lo lắng
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho trẻ: Mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để biết được cụ thể tình trạng sức khỏe của con đồng thời nắm bắt được bé đang thiếu những dưỡng chất quan trọng nào cần bổ sung. Không nên tự ý cho con uống các loại vi dưỡng chất khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh gây hại cho sức khỏe của con.
Chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mẹ: Nếu bé đang bú sữa mẹ hoàn toàn, mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mình, tránh kiêng khem quá mức để ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm gây mùi nặng hoặc sử dụng đồ uống chứa cồn, gas, chất kích thích,…bởi sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Tắm nắng vào buổi sớm: Thường xuyên cho bé tắm nắng vào buổi sớm, thời điểm tốt nhất là từ 7 giờ sáng, lúc này ánh sáng dịu, cơ thể con dễ dàng hấp thu được lượng vitamin D cần thiết, đồng thời tăng cường sức đề kháng, giúp con thích nghi với điều kiện môi trường bên ngoài tốt hơn. Khi tắm nắng, mẹ có thể cởi bỏ bớt lớp áo bên ngoài để con thoải mái, dễ chịu hơn, sau khi tắm nắng xong, mẹ nên dùng một chiếc khăn mềm để lau sạch mồ hôi cho bé, đặt bé vào phòng ngủ thoáng mát, yên tĩnh để nghỉ ngơi.
Kiểm tra vấn đề vệ sinh của trẻ: Mẹ nên kiểm tra tã/bỉm cho bé thường xuyên, tránh để bị bẩn hoặc ướt khiến con khó chịu, quấy khóc. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ trước khi ngủ, bởi da trẻ rất nhạy cảm, nếu không được làm sạch sẽ khiến con ngứa ngáy, khó chịu, vặn mình, rướn mình khi ngủ.
Tuyệt đối không nên áp dụng mẹo lạ để chữa vặn mình: Thông thường, có rất nhiều mẹ khi thấy con vặn mình, khó ngủ hay quấy khóc ban đêm thường áp dụng các mẹo dân gian được truyền tai nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nhi khoa những mẹo này không có căn cứ khoa học và chưa được kiểm định an toàn nên mẹ tuyệt đối không nên thực hiện cho con khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin để tránh gây hại đến sức khỏe của bé.
Mẹ Khánh Dương thân mến, trên đây là một số lời khuyên của chuyên gia đối với tình trạng bé 1 tháng tuổi hay vặn mình mà mẹ có thể tham khảo. Nếu còn bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào, mẹ có thể gửi về hòm thư tư vấn của webmebe để được giải đáp và hỗ trợ thông tin tốt nhất.