Bắt gắt ngủ khóc thét đôi khi khiến mẹ giật mình hoảng hốt. Nhưng khi kiểm tra thì con lại không gặp vấn đề gì về sức khỏe. Nhiều lần diễn ra như vậy khiến mẹ không khỏi lo lắng và thắc mắc sao con lại như vậy. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ giải mã hiện tượng con gắt ngủ và khóc thét này nhé.
Nguyên nhân khiến bé gắt ngủ khóc thét
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Ngọc Nga của Viện Nhi trung ương, tâm lý của trẻ sơ sinh rất khó để nắm bắt, và với những người phụ nữ lần đầu làm mẹ thì lại càng khó khăn hơn nữa trong việc hiểu con đang thực sự muốn gì. Một trong số những vấn đề mà khiến nhiều bà mẹ cảm thấy lo lắng là tại sao con lại hay quấy khóc, khó ngủ và gắt ngủ thường xuyên đến như vậy.
Theo Tiến sĩ Nga, có rất nhiều nguyên nhân khiến bé gắt ngủ khóc thét. Dưới đây là một số nguyên nhân mẹ có thể tham khảo.
Do sinh lý bình thường của trẻ
Lý giải về hiện tượng trẻ hay gắt ngủ, các chuyên gia Nhi khoa cho rằng, trẻ sơ sinh thường có những giấc ngủ ngắn và không được sâu. Đặc biệt với các bé đang trong giai đoạn bú mẹ thì giấc ngủ của con lại càng ngắn hơn, do đó bé sẽ hay tỉnh dậy và quấy khóc.
Sở dĩ có hiện tượng như vậy là vì sữa mẹ rất dễ tiêu hóa, khiến cho bé nhanh đói và bé sẽ dậy khi muốn được bú mẹ. Ngoại trừ một số trường hợp khi bé bị bệnh, bé sẽ quấy mẹ nhiều hơn và trở nên khó ngủ hơn nếu không được mẹ ôm ấp vỗ về.
Trên thực tế, có tới hơn 50% trẻ sẽ bị gắt ngủ, khó ngủ hơn trước khi đến giờ ngủ. Đây là một hiện tượng hết sức bình thường của con và các mẹ không cần phải quá lo lắng.
Do hệ thần kinh của bé chưa ổn định
Điều này cũng rất dễ hiểu, do khi mới chào đời, hệ thần kinh của trẻ còn chưa được ổn định, khiến con dễ bị gắt ngủ, khi ngủ hay giật mình và quấy khóc. Vì vậy, nếu mẹ để ý khi con ngủ, bé rất dễ bị giật mình và tỉnh dậy quấy khóc. Đó là lí do khiến nhiều mẹ thường phải quấn con trong một chiếc chăn hoặc chèn thêm mền xung quanh người của trẻ để bé không bị giật mình khi đi ngủ. Ngoài ra, tiếng khóc cũng là cách duy nhất mà con yêu muốn thể hiện nhu cầu đói, khát… Chính vì vậy, mặc dù nhiều mẹ lo lắng thái quá vì con hay gắt ngủ, quấy khóc nhưng thực ra tình huống này thực tế không gây hại gì cho con cả.
Mẹ không lên lịch ngủ một cách khoa học cho con
Những bé thường xuyên đi ngủ đúng và đủ giờ sẽ có sự phát triển nhanh và toàn diện hơn các bạn cùng trang lứa mà ngủ thiếu, ngủ không ngon giấc. Việc làm này cũng khiến cho trẻ luôn trong tình trạng quấy khóc, gắt ngủ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Nhi khoa Boston (Anh) đã cho thấy, những bé thời nay thường ngủ ít hơn cha mẹ của chúng khoảng 40 phút mỗi ngày. Điều này thực sự có ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ và thể chất của con.
Mẹ không nhận ra con đang buồn ngủ
Một số dấu hiệu của con có thể kể đến như dụi mắt, mắt lờ đờ chậm chạp, bé không quan tâm đến những thú vui hay đồ chơi yêu thích hàng ngày. Lúc này mẹ nên hiểu rằng con đang thực sự cảm thấy buồn ngủ rồi. Nhiều mẹ không chú ý, bỏ lỡ thời điểm quan trọng để cho con đi ngủ. Và một khi con đã không thể được đi ngủ, bé sẽ cảm thấy khó chịu, quấy khóc, ngủ không được sâu và cực kỳ căng thẳng.
Bế rong để ru con ngủ
Nhiều mẹ khi thấy con buồn ngủ thì thường có thói quen bế con lên và đung đưa để con dễ ngủ. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến cho con bị phụ thuộc vào mẹ. Nếu hôm sau khi bé buồn ngủ mà không được mẹ vỗ về con sẽ khó chịu và gắt ngủ. Mẹ hãy bỏ ngay thói quen này đi nhé.
Thay đổi vị trí giường ngủ của con
Việc thay đổi vị trí ngủ của con khi chưa đúng lúc sẽ khiến cho con không thoải mái và gắt ngủ. Con vừa tròn 2 tuổi, nhiều mẹ đã vội bé từ cũi ra giường. Nhưng ngay trong đêm chuyển đổi đó, bé sẽ trằn trọc cả đêm không ngủ, thức dậy khi đèn phòng tắt hoặc tỉnh giấc khi có tiếng động nhẹ.
Thay đổi vị trí giường khiến con gắt ngủ
Tại sao lại như vậy? Bởi vì trước 3 tuổi, nhiều trẻ em chưa sẵn sàng để ngủ một mình trên chiếc giường to lớn. Bé không nhận thức và điều khiển được ranh giới khác nhau giữa giường và cũi.
Mẹ cho con ngủ ở bất kỳ chỗ nào
Nhiều nhà khoa học khẳng định rằng việc ngủ của trẻ khi phải ở trong tình trạng chuyển động như ngủ trong xe đẩy hoặc xe hơi sẽ khiến trẻ sơ sinh gắt ngủ quấy khóc hơn do giấc ngủ của bé không sâu, bé sẽ khó phục hồi giấc ngủ hơn do sự kích thích chuyển động.
Cho bé ăn vào ban đêm
Khi con đang say giấc ban đêm mà mẹ tỉnh dậy và cho con bú sẽ làm bé tỉnh giấc khi đang say ngủ. Thói quen này khi đã được hình thành sẽ khiến bé quen giấc, sau này khi cai sữa, bé vẫn giữ thói quen tỉnh dậy giữa đêm mặc dù không có nhu cầu ăn uống.
Mẹ chỉ nên cho bé bú đêm khi bé khóc đòi và sau khi bú xong, để bé tự ngủ lại chứ không nên bế ẵm ru ngủ, bé sẽ bị lệ thuộc vào hành động đó của cha mẹ.
Mẹ để đèn phỏng ngủ con quá sáng
Với nhiều trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, việc để đèn quá sáng sẽ khiến cho giấc ngủ của con bị ảnh hưởng. Hơn thế nữa, bé sẽ càng khó đi vào giấc ngủ mặc dù đã rất buồn ngủ rồi.
Mẹ nên làm gì khi con gắt ngủ?
Ngay dưới đây là một vài lưu ý cho mẹ khi con gắt ngủ:
- Hãy cho con đi ngủ ngay khi con có dấu hiệu buồn ngủ như dụi mắt, ngáp, mắt lờ đờ, bé không phản ứng với mọi thứ diễn ra xung quanh.
- Mẹ cần đảm bảo con có một bữa ăn đã đầy đủ trước khi đi ngủ. Việc vừa đói mà phải đi vào giấc ngủ sẽ khiến con cáu kỉnh và gắt ngủ, ngủ không ngon giấc.
- Mẹ kiểm tra xem con có cảm thấy thoải mái với tã, bỉm của mình hay không, có cần phải thay bỉm, quần áo hay không.
- Để nhiệt độ phòng của con ở mức lý tưởng từ 24 độ C đến 26 độ C. Nếu nhiệt độ phòng của bé quá nóng hoặc quá lạnh sẽ khiến con khó ngủ và ngủ không ngon giấc.
- Nếu con vẫn quấy khóc, không đi vào giấc ngủ mặc dù đã ăn no, phòng ngủ sạch sẽ thoáng đãng và ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè thì mẹ cần đưa bé tới bác sĩ kiểm tra xem con có vấn đề về giấc ngủ không nhé.
Không quá khó để giúp con thoát khỏi tình trạng gắt ngủ phải không nào. Mẹ hãy áp dụng những biện pháp được gợi ý ở trên và để lại lời nhắn cho webmebe nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình chăm sóc con nhé.
>>> Xem thêm: Mẹo chữa gắt ngủ ở trẻ sơ sinh