Bé hay khóc đêm phải làm sao? Có lẽ đây là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bỉm sữa khi chăm con nhỏ. Vậy làm thế nào để con có giấc ngủ ngon, trọn vẹn? và bé hay khóc đêm là hiện tượng bình thường hay nguy hiểm? Mẹ hãy cùng theo dõi thông tin được webmebe chia sẻ trong bài viết dưới đây nhé.
Bé hay khóc đêm phải làm sao?
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khóc đêm là do bé thiếu một số chất quan trọng như canxi, sắt, kẽm,…khiến cơ thể mệt mỏi, khó ngủ. Vì vậy, để con có một giấc ngủ trọn vẹn ban đêm, mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để bổ sung các dưỡng chất cần thiết. Bên cạnh đó, đối với những bé đã ăn dặm, mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng như cá, trứng, sữa, rau củ quả tươi,…
Ngoài ra, nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn thì mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của bản thân, tuyệt đối không nên kiêng khem quá mức để ảnh hưởng đến chất lượng sữa, đảm bảo cung cấp các chất cần thiết thông qua sữa mẹ cho bé.
Thiết lập giờ ngủ nhất quán
Đối với những trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể thiết lập một thời gian biểu sinh hoạt cho bé để con thực hiện. Theo đó, trẻ sẽ đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định để tạo lập thói quen, việc lặp đi lặp lại có tính chu kỳ và cố định mỗi giờ ngủ sẽ giúp con có được giấc ngủ dài vào ban đêm hiệu quả hơn, giảm quấy khóc.
Thiết lập giờ ngủ nhất quán sẽ giúp trẻ giảm quấy khóc đêm
Chú ý đến các giấc ngủ ngắn ban ngày
Thông thường trẻ sẽ có các giấc ngủ ngắn vào ban ngày, mẹ nên ghi chép lại các giờ ngủ của con để phân chia hợp lý. Theo các chuyên gia chăm sóc giấc ngủ, mẹ nên đánh thức giấc ngủ ngắn cuối cùng trong ngày của bé trước 4 giờ chiều để đêm con ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ
Sau khi đã áp dụng các biện pháp mà mẹ vẫn băn khoăn bé hay khóc đêm phải làm sao và chưa tìm ra được câu trả lời thì lúc này mẹ cần xem xét lại yếu tố vệ sinh cơ thể cho bé. Da của trẻ rất nhạy cảm, vì vậy khi vệ sinh mẹ cần làm sạch từng nếp gấp trên cơ thể, các kẽ ngón chân, ngón tay để con không cảm thấy khó chịu, bứt rứt.
Tạo môi trường ngủ phù hợp
Phòng ngủ của bé phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, điều kiện nhiệt độ phù hợp, để ánh sáng dịu và tránh xa tiếng ồn để con dễ dàng đi vào giấc ngủ. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi, thoải mái nhất để mặc cho bé đi ngủ.
Bé hay khóc đêm có thực sự nguy hiểm?
Nhiều mẹ cho rằng bé hay khóc đêm cứ để kệ qua giai đoạn con sẽ tự hết, tuy nhiên trong trường hợp nếu trẻ quấy khóc đêm thường xuyên và kèm theo những biểu hiện bất thường thì mẹ cần lưu ý bởi đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý mà trẻ có thể mắc phải.
Bé khóc đêm do sinh lý
Nếu bé hay khóc đêm mà vẫn ăn ngủ sinh hoạt bình thường thì mẹ không cần quá lo lắng, lúc này mẹ cần theo dõi tiếng khóc của con để “đọc vị” được bé đang mong muốn điều gì. Đầu tiên, mẹ nên kiểm tra tã/bỉm của trẻ xem có bị bẩn hoặc ướt hay không, quần áo mặc cho bé có thoải mái không? Bé có ăn quá no hoặc bị đói trước khi ngủ, kiểm tra nhiệt độ phòng hoặc da của con xem có bị côn trùng cắn hay không,…Tất cả những yếu tố này đều tác động trực tiếp khiến bé quấy khóc, khó chịu sinh ra khó ngủ, trằn trọc về đêm.
Bé khóc đêm do bệnh lý
Trong trường hợp bé khóc đêm kèm theo các biểu hiện như ra mồ hôi trộm, chướng bụng, bụng đau quặn, cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt, khi ngủ hay giật mình, khóc thét,…thì mẹ cần đưa bé ngay đến cơ sở y tế để gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Đối với tình trạng bé hay khóc đêm mẹ không nên chủ quan mà cần theo dõi các biểu hiện của con để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả và an toàn nhất, tránh để lâu ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Trên đây là một số thông tin về vấn đề bé hay khóc đêm phải làm sao, hi vọng mẹ sẽ có thêm kiến thức trong việc chăm sóc giấc ngủ để đảm bảo sức khỏe của con được tốt hơn.