Bé hay vặn mình đỏ mặt trong 2 tháng tuổi đầu tiên là hiện tượng sinh lý bình thường. Nhưng nhiều mẹ lo lắng không phải là dư thừa. Bé vặn mình quá nhiều, ngủ không sâu giấc cũng là một tình trạng không nên diễn ra lâu dài. Mẹ nên biết nguyên nhân để có cách khắc phục, đảm bảo cho bé sự phát triển tốt nhất.
Bé hay vặn mình có thể nói lên điều gì?
Thông thường, những em bé mới sinh sẽ có những biểu hiện lạ hơn so với khi lớn lên, hiện tượng vặn mình cũng như vậy. Tuy nhiên, đây đều là hiện tượng sinh lý, bé lớn dần sẽ giảm và không còn vặn mình, gồng người đỏ mặt hay bị giật mình nhiều nữa. Cũng có thể vì chỗ ngủ không được thoải mái, cảm giác khó chịu khiến trẻ hay vặn mình. Giống như người lớn, đôi khi bé vặn mình chỉ để làm mệt mỏi khi nằm trong một tư thế, ở một chỗ quá lâu.
Thế nhưng, dù là hiện tượng sinh lý, nhiều mẹ vẫn hay lo lắng bé hay vặn mình khi ngủ là một cảnh báo nguy hại với sức khỏe. Thực tế thì sự lo lắng của mẹ là hợp lý khi bé vặn mình quấy khóc khiến giấc ngủ không liên tục, ngắt quãng, ít ngủ kèm theo với việc bé không tăng cân, chậm lớn hoặc bé hay nôn trớ. Trong trường hợp này, bé hay vặn mình có thể là biểu hiện của một cơ thể thiếu canxi, trào ngược dạ dày – thực quản, rối loạn giấc ngủ,…
Bé hay vặn mình có thể là biểu hiện bệnh lý
Do đó, mẹ vẫn cần phải chú ý đến các biểu hiện của bé để biết hướng điều chỉnh, khắc phục sao cho thật phù hợp.
>>> Xem thêm: Bé hay vặn mình khi ngủ thì cần bổ sung ngay 9 loại dinh dưỡng này
Mẹ phải làm gì khi bé hay vặn mình đỏ mặt?
Nếu không vì nguyên nhân bệnh lý, hiện tượng bé hay vặn mình đỏ mặt sẽ chỉ xuất hiện trong vài phút, sau đó tự biến mất. Nhưng để bé có giấc ngủ ngon và phát triển khỏe mạnh, mẹ hãy tìm hiểu một số biện pháp cải thiện tình trạng vặn mình thông thường của bé sơ sinh.
Đảm bảo sự thoải mái cho bé
Trong số các nguyên nhân khiến bé vặn mình khi ngủ thì sự thiếu thoải mái đối với không gian ngủ là nguyên nhân phổ biến nhất. Bé rất dễ bị kích thích bởi những yếu tố từ môi trường xung quanh. Vì thế, mẹ hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra lại các tác động có khả năng cao gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé như:
- Chỗ ngủ yên tĩnh, ánh sáng nhẹ, không có côn trùng
- Nhiệt độ phòng thích hợp từ 26-28 độ C, không để bé bị lạnh hay nóng quá
- Tã, bỉm thông thoáng, thấm hút tốt
- Lựa chọn cho bé loại quần áo rộng rãi, dễ thấm mồ hôi.
- Chỗ ngủ được vệ sinh sạch sẽ, tạo cho bé sự thoải mái nhất có thể
Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể âu yếm, vỗ về để bé cảm thấy dễ chịu khi có mẹ ở bên cạnh. Mẹ hãy nhớ đừng cho bé thấy sự lo lắng của mình, bởi bé vô cùng nhạy cảm. Bé có thể cảm thấy bồn chồn, không an toàn vì sự căng thẳng của mẹ. Khi được mẹ che chở, bé sẽ không còn vặn mình nhiều nữa.
Cho bé tắm nắng thường xuyên
Với các bé sinh non, khả năng cơ thể bị thiếu canxi là rất cao. Bé thiếu canxi sẽ vặn mình, quấy khóc và rất hay giật mình tỉnh giấc giữa đêm. Đồng thời, bé còn chậm lớn, kém thông minh hơn so với những bé đồng trang lứa. Chính vì thế, để tránh tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ nên tắm nắng thường xuyên cho bé.
Bé thường xuyên được tắm nắng buổi sớm sẽ giúp cơ thể hấp thụ đầy đủ vitamin D – một chất đóng vai trò quan trọng đối với việc làm tăng sự hấp thu canxi của cơ thể. Thời điểm tắm nắng thích hợp cho bé là khoảng 7 giờ sáng. Lúc đó, ánh nắng còn dịu nhẹ và không quá gay gắt. Mẹ hãy cho bé mặc quần áo thoải mái, tắm nắng trong 10-15 phút. Nếu sau khi tắm nắng, bé bị đổ mồ hôi thì mẹ lấy khăn lau khô rồi mới cho bé đi tắm.
Chế độ ăn của mẹ đầy đủ dinh dưỡng
Nguồn cung cấp canxi chủ yếu cho bé là nguồn sữa mẹ. Vì thế, mẹ cần ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm giàu canxi như cá hồi, cá thu, cá ngừ,… Các thực phẩm bổ sung canxi cũng là một sự lựa chọn dành cho mẹ. Mẹ không nên quá kiêng khem. Thay vào đó, hãy đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ để có nguồn sữa tốt nhất cho bé.
Chú ý đến cảm xúc của bé
Khi bé phải nằm lâu một chỗ, bé thường vặn mình để thư giãn gân cơ. Điều này là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu. Nhưng nhiều khi bé vặn mình để thông báo cho mẹ biết cảm xúc khó chịu của mình. Bé bị đau, đói, hay bị dính ướt,… Do đó, mẹ hãy cố gắng tìm hiểu vấn đề của bé để khắc phục, đem lại cảm giác thoải mái cho bé thôi không vặn mình nữa.
Không dùng những mẹo chưa có cơ sở khoa học
Bé sơ sinh còn rất non nớt và rất dễ bị tổn thương bởi bất kỳ sự tác động bất thường nào. Thế nhưng, rất nhiều người truyền tai nhau những mẹo dân gian như: tẩy lông đẹn, chườm nóng, đắp lá,… Sự tiếp xúc trực tiếp đến da của bé là vô cùng nguy hiểm với những biện pháp thiếu cơ sở khoa học này. Vì thế, nếu mẹ thực sự lo lắng khi thấy trẻ hay vặn mình thì hãy đưa bé đến gặp bác sĩ. Cách thức xử trí thích hợp sẽ được bác sĩ đưa ra, mẹ chỉ cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện tình trạng của bé một cách an toàn và hiệu quả.
Bài viết này là những thông tin liên quan tới vấn đề bé hay vặn mình cùng với một số biện pháp khắc phục để cha mẹ tham khảo áp dụng. Cha mẹ nên nhớ rằng, dù là biểu hiện sinh lý bình thường, nhưng không nên chủ quan, cần hết sức lưu ý để có hướng xử trí kịp thời nếu bé gặp phải vấn đề về sức khỏe.
>>> Xem thêm: Trẻ quấy khóc đêm báo hiệu những vấn đề về hành vi trong tương lai