Bé khóc đêm không chỉ là một bài hát quen thuộc lặp đi lặp lại, đó cũng là một bản nhạc với nhiều giai điệu khác nhau. Một khi hiểu hết những giai điệu này, mẹ có thể tập cho con thói quen ngủ ngoan trong thời gian ngắn.
Khi bắt đầu công cuộc rèn luyện thói quen ngủ cho bé khóc đêm thì lắng nghe tiếng khóc của bé là điều đầu tiên mẹ cần làm. Chẳng một ai thích nghe những âm thanh này, nhưng nếu mẹ chú ý lắng nghe và phát hiện ra tiếng khóc ấy ẩn chứa ý nghĩa gì, mẹ sẽ biết được việc mình cần làm trong lúc đó. Việc “khổ trước, sướng sau” chỉ là thời gian nếu mẹ kiên trì và tiếng khóc của bé sẽ không còn là vấn đề khiến mẹ nản chí.
Bé khóc đêm thút thít
Tiếng khóc thút thít là tiếng khóc dễ khiến mẹ động lòng và thấy yêu thương bé nhiều hơn. Thông thường thì bé khóc đêm thút thít, rên rỉ khi bé có cảm giác buồn ngủ nhưng chưa thể ngủ ngay được, hoặc khi bé mới thức dậy.
Bé khóc thút thít khi rất buồn ngủ nhưng chưa thể ngủ
Kiểu khóc này có phần tự làm dịu và thường chỉ kéo dài cho đến khi bé ở tư thế đủ thoải mái để ngủ. Để bước vào giai đoạn đầu của giấc ngủ sâu Non-REM, trẻ có thể nằm yên khóc thút thít khoảng mười phút. Sau đó, bé có thể bắt đầu ngủ say mà chẳng cần tác động gì từ mẹ. Còn bé tỉnh giấc giữa đêm và khóc thì có hơi phức tạp hơn một chút. Bé nhạy cảm dễ khóc khi gặp ác mộng hay bất chợt tỉnh giấc giữa đêm sẽ thấy trống trải và không an toàn nếu cha mẹ không ở cạnh bé. Mẹ có thể nhẹ nhàng dỗ bé trở lại giấc ngủ, nhưng tuyệt đối không nên ngay lập tức bật đèn và tỏ ra đó là một tình huống nghiêm trọng để tránh khiến bé mất bình tĩnh và khóc nhiều hơn.
Những bé này dần dần sẽ hình thành thói quen ngủ độc lập vì khả năng tự an ủi của mình. Do đó, mẹ đừng lo lắng khi thấy con khóc lóc một chút trước khi vào giấc ngủ hay khi mới tỉnh giấc nhé.
Bé khóc đêm liên tục
Đây là cấp độ tiếp theo từ tiếng thút thít nhẹ và có thể xảy ra vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì bé mệt mỏi và không thể ngủ. Có thể bé đang ở trong giai đoạn “khủng hoảng tuổi lọt lòng”, bé bị đau do mọc răng, đau bụng, hay bị khó thở vì ngạt mũi, bé thiếu canxi,…
Bé khóc đêm dai dẳng nhiều ngày do không khỏe
Đây là tiếng khóc dai dẳng khiến mẹ gặp khó khăn khi phải dỗ bé nín. Trong vài đêm đầu tiên, bé bị khó chịu sẽ khóc theo cách này nhưng nếu các vấn đề làm bé không khỏe được giải quyết hay thời kỳ khủng hoảng trôi qua thì bé sẽ bớt khóc đêm.
Bé khóc cuồng loạn
Có một điều mẹ cần biết về thói quen ngủ đã được hình thành trước khi bé học được cách ngủ ngoan, đó là không nên để bé phụ thuộc vào bất cứ một điều gì giúp bé ngủ ngon hơn như nhất định phải ngậm núm vú giả, bắt buộc có mẹ xoa lưng,… Bởi một khi mẹ muốn bỏ thói quen này, bé sẽ phản ứng bằng việc khóc không biết trời đất.
Đây là kiểu bé khóc đêm khiến hầu hết các bậc phụ huynh hoảng sợ và không biết xoay sở ra sao. Điều rất quan trọng là khi mẹ nghe thấy tiếng khóc này, hãy nhanh chóng kiểm tra để chắc chắn rằng chân tay của bé không bị kẹt trong cũi và vẫn an toàn. Lúc này, mẹ hãy cho phép bé có thời gian tự bình tĩnh lại. Điều cực kỳ quan trọng đối với bé con là học cách tự làm dịu tại thời điểm này, nhưng có thể mất một lúc để bé làm được.
Mẹ cần tập cho bé thói quen tự xoa dịu bản thân
Đối với cha mẹ, việc phải nghe con khóc có thể là khoảng thời gian rất lâu, nhưng khi học được kỹ năng hoàn toàn mới này thì giấc ngủ của bé sẽ đến rất nhanh. Mẹ chẳng phải chờ lâu đâu, phản ứng của bé sẽ cải thiện trông thấy sau vài đêm.
Bé khóc lúc cao lúc thấp
Mẹ sẽ nhận thấy bé xuất hiện với cơn khóc ở những mức độ khác nhau. Tiếng bé khóc đêm chuyển từ cuồng loạn, khóc liên tục đến thút thít. Sự thay đổi này là dấu hiệu bé tiến bộ hơn trong việc hình thành nên thói quen tự xoa dịu mình để ngủ và ngủ ngoan hơn. Đôi khi, bé đã bước đầu làm quen với cách ngủ khoa học hơn nhưng vẫn có thể bị rơi vào trạng thái khóc cuồng loạn. Do đó, mẹ hãy cân nhắc có nên kéo dài thời gian chờ đợi để cho bé có cơ hội bình tĩnh và ngủ thiếp đi hay dành cho bé sự an ủi, vỗ về khi cần thiết.
Trẻ em có khả năng tự xoa dịu vào ban đêm. Tự làm dịu là kỹ năng quan trọng nhất mà các bé học hỏi và tiếp tục học hỏi trong quá trình phát triển xuyên suốt thời thơ ấu. Vì thế, cha mẹ cần biết được thời điểm tốt nhất để tham gia vào quá trình giúp đỡ bé trở nên bình tĩnh khi bé khóc đêm mà không làm mất khả năng này của bé.
Khóc là một phần không thể thiếu của việc luyện ngủ cho những bé khóc đêm thường xuyên. Bởi vì thói quen này dù mang lại cho bé con và cả nhà trải nghiệm khó chịu nhưng sau đó, kết quả thu về sẽ vô cùng tốt đẹp. Còn gì quý hơn giấc ngủ ngon giúp con phát triển khỏe mạnh và buổi bình minh đầy sức sống của cả nhà, mẹ nhỉ!