Bé ngủ hay giật mình là hiện tượng phổ biến. Các mẹ thường lo lắng liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe, hay đó có phải là biểu hiện bệnh lý nguy hiểm nào không?
Phần lớn những trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi đều có biểu hiện giật mình khi ngủ. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ, tuy nhiên cũng có trường hợp là dấu hiệu của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan mà cần chú ý theo dõi và tìm hiểu những căn nguyên để có hành động hỗ trợ hợp lý.
Bé ngủ hay giật mình và những biểu hiện thường thường gặp
Giật mình khi ngủ được coi là một trong những phản xạ đầu đời của bé. Quy trình của quá trình phản xạ này như sau: Bé căng người, hai tay có xu hướng đưa lên cao xòe ra ngoài, cùng lúc đầu gối co lên, sau đó đưa bàn tay nắm chặt thành nắm đấu đưa sát về cơ thể. Tư thế cũng giống như một người đứng trước mối đe dọa phản ứng mang tính tự vệ. Nhiều trẻ có cách “tạo hình” rất đáng yêu, như là đang thủ thế trong võ thuật.
Nhiều bé khi giật mình tỉnh giấc và quấy khóc
Thông thường, việc này chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi. Một số bé sẽ chìm vào giấc ngủ ngay sau đó, nhưng nhiều vé lại không, bắt đầu tỉnh giấc và bắt đầu “ăn vạ” khiến bố mẹ phải thức giấc theo.
Hé lộ với mẹ lý do khiến bé ngủ hay giật mình
Để trẻ có một giấc ngủ ngon, phát triển toàn diện, những dấu hiệu nhỏ nhất cũng cần bố mẹ quan tâm. Trẻ nhỏ rất nhạy cảm, đang trong quá trình tiếp nhận và học hỏi mọi thứ, nên tất cả những yếu tố nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến trẻ, đặc biệt là giấc ngủ. Những nguyên nhân khiến bé hay giật mình cũng như thế.
Ác mộng làm phiền bé
Cũng giống như người lớn, khi gặp phải giấc mơ không đẹp như bị đuổi bắt hay va chạm, bé cũng có thể giật mình. Thường giấc mơ sẽ xuất hiện vào giai đoạn giấc ngủ REM (chuyển động mắt nhanh – eye rapid movement), mí mắt hơi giật và hơi thở không đều.
Thời tiết nóng bức, bé mệt mỏi căng thẳng là những nguyên nhân chính dẫn đến sự bất an, khiến bé gặp ác mộng khi ngủ. Mẹ hãy nhẹ nhàng vỗ về, hôn lên má con hoặc ôm con vào lòng để nói cho bé biết “Đừng lo gì cả, có mẹ ở đây. Con yêu hãy ngủ ngon nhé”
Giật mình bởi tiếng ồn bất ngờ
Trong nhiều trường hợp, tiếng ồn là nguyên nhân chủ đạo gây ra tình trạng này. Nhất là với những trẻ dưới 3 tháng tuổi, khi đang phải học cách tiếp nhận thế giới bên ngoài. Sự khác biệt không gian yên tĩnh, an toàn trong bụng mẹ với vũ trụ rộng lớn nhiều tiếng ồn vây quanh chính là tác nhân khiến bé bất an, hay có phản xạ giật mình để bảo vệ bản thân. Nào tiếng chuông điện thoại, tiếng cót két khi cửa đóng mở, đôi khi còn là những tiếng động bất ngờ như rơi vỡ, chó sủa,…
Tiếng ồn bất ngờ có thể bé giật mình tỉnh giấc
Hãy thử tưởng tượng, con đang ngủ say, tiếng chuông điện thoại từ người nào đó khiến bé giật mình là bắt đầu khóc.Mẹ chắc chắn không thích con bị ảnh hưởng, hãy giữ cho không gian ngủ của bé luôn yên tĩnh, “dọn dẹp” những tiếng ồn không đáng có trong phòng ngủ nhé.
Trẻ không được bổ sung đầy đủ các vi chất cần thiết
Đây là yếu tố có thể khiến tình trạng thể chất tinh thần của bé yếu đi, dẫn đến bé ngủ hay giật mình. Vitamin D và canxi là những chất nhiều bé hay bị thiếu hụt. Mẹ để ý xem bé nhà mình có bị rụng tóc, hay ra mồ hôi trộm, răng mọc chậm hơn. Đó chính là những dấu hiệu của thiếu canxi và vitamin D.
Mẹ lo sợ con còn nhỏ quá không được tắm nắng? Không phải lo đâu nhé. Vì tắm nắng rất tốt cho trẻ sơ sinh. Mỗi ngày từ 10 – 15 phút, cho con tắm nắng trong khoảng thời gian từ 8 giờ – 9 giờ sáng để bé hấp thụ vitamin D và hỗ trợ tăng cường chuyển hóa canxi trong máu.
Bé có thể đang bị ốm
Khi gặp các vấn đề về bệnh lý như cảm cúm, viêm đường hô hấp, ngứa dị ứng, sốt mọc răng,…bé mệt mỏi, có tâm lý bất an và cũng là nguyên nhân khiến con hay giật mình. Bác sỹ sẽ có những lời khuyên tốt nhất, vì thế hãy đưa con đi khám nếu cảm thấy bé đang bị ốm nhé.
Một số nguyên nhân khác
Nhiều mẹ thấy con giật mình quấy khóc lại đâm cuống, mà không nghĩ ra rằng bé đang đói. Trẻ nhỏ cần bú rất nhiều lần trong ngày do dạ dày còn nhỏ, nên bé cần thường xuyên “nạp năng lượng”. Chẳng may mẹ quên khiến bé đói thì làm sao con có thể ngủ ngon được nhỉ.
Tã của con bị ướt, con buồn đi vệ sinh cũng là nguyên nhân có thể khiến bé ngủ hay giật mình. Mẹ nên kiểm tra thường xuyên để bé luôn thơm tho, thoải mái đi vào giấc ngủ ngon.
Nuôi con nhỏ mới biết khó khăn vất vả, trẻ hay giật mình lại khiến cha mẹ lo lắng. Những chia sẻ bên trên có thể giúp cha mẹ có kiến thức về chăm sóc giấc ngủ cho bé. Hãy theo dõi và gửi những chia sẻ của bạn về webmebe để nhận được những lời khuyên tốt nhất.