Bé sơ sinh ngủ ít có thể là vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp mẹ chưa nắm được lượng sữa cần thiết cho một cữ bú của bé, mẹ bận việc, hoặc vì một bệnh lý gì đó mà không thể trực tiếp cho con bú,… sẽ khiến bé sơ sinh ít ngủ, ngủ không yên giấc vì nhanh bị đói. Vậy có bao giờ mẹ nghĩ đến ý tưởng vắt sữa ra để bảo quản, đảm bảo cho bé đủ no và duy trì những giấc ngủ ngon?
Những điều mẹ cần biết về bé sơ sinh ngủ ít vì chưa bú đủ no
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất là 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ nên là nguồn dinh dưỡng được cung cấp cho đến khi bé được 2 tuổi. Điều này cho thấy bé sẽ chỉ đạt được sự phát triển và có sức khỏe tốt nhất nhờ được bú sữa mẹ. Không chỉ là nguồn cung cấp dịnh dưỡng cho bé, lượng sữa mẹ trẻ bú còn liên quan đến chất lượng giấc ngủ – một yếu tố quan trọng không kém đối với sự phát triển thể chất và trí não của bé. Chỉ khi bé bú đủ no, một giấc ngủ ngon mới có thể đến với bé.
Bé sơ sinh ngủ ít vì thường xuyên bị đói có thể vặn mình, ngủ không sâu giấc, dễ bị thức giấc và quấy khóc đòi ăn. Nếu như mẹ không phát hiện ra vấn đề của bé để đáp ứng kịp thời, bé sẽ bắt đầu hờn dỗi và dễ bỏ ăn. Tình trạng này kéo dài thì thực sự đáng lo ngại, bé bú ít sẽ chậm tăng cân, chậm phát triển so với những bé cùng lứa. Thêm vào đó là bé ngủ không sâu giấc dẫn đến những hậu quả lớn về sự phát triển trí não, ảnh hưởng đến nhận thức, khả năng học tập và khả năng giao tiếp xã hội cũng sẽ kém hơn.
Bé ít ngủ, ngủ không sâu giấc sẽ chậm phát triển
Hậu quả nghe thì có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng đúng là nó sẽ trở nên nghiêm trọng khi vấn đề dinh dưỡng và giấc ngủ của bé không được đảm bảo trong thời gian dài, nhất là với trẻ sơ sinh. Nhưng chắc hẳn mẹ sẽ chẳng để bé phải đối mặt với những nguy cơ ấy khi nắm được cách chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh. Và cách hữu hiệu nhất với mẹ là dự trữ, bảo quản sữa cho bé con.
>>> Xem thêm: 6 thực phẩm mẹ nên ăn để con bú ngon chấm dứt tình trạng bé ngủ ít
Giải pháp khắc phục tình trạng bé sơ sinh ngủ ít vì nhanh bị đói
Nhu cầu sữa của mỗi bé là khác nhau và tùy thuộc vào độ tuổi của bé. Lượng sữa cần thiết trong một cữ bú với bé 1-3 tuần tuổi là 30-90 ml, với bé 3 tuần – 3 tháng tuổi là 90-120 ml, với bé 3-6 tháng là 120-230 ml. Bé lớn hơn cần lượng sữa lớn hơn vào mỗi cữ bú. Bé 6-9 tháng cần 70-240 ml sữa và bé 9-12 tháng cần 200-250 ml sữa cho mỗi cữ bú.
Trẻ có nhu cầu bú khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi
Thông thường, bé sơ sinh sẽ ngủ rất nhiều và gần như chỉ thức dậy sau mỗi 2-3 giờ ngủ để bú mẹ. Bé cần được ăn no sau khi thức dậy, chơi một lúc rồi mới trở lại với giấc ngủ của mình. Mẹ hãy dựa vào đặc điểm giấc ngủ và nhu cầu ăn của bé để có thể dự trữ đủ một lượng sữa với mục đích tránh tình trạng bé sơ sinh ngủ ít, đảm bảo bé ăn, ngủ tốt mà mẹ vẫn có thể làm những việc cần thiết của mình.
Việc dự trữ và bảo quản sữa mẹ trải qua những bước sau:
– Chuẩn bị:
Việc đầu tiên mẹ cần làm là chuẩn bị dụng cụ đựng sữa, có thể là cốc, bình đựng sữa, máy vắt sữa, túi đựng sữa chuyên dụng. Những dụng cụ này cần được rửa sạch, tiệt trùng và để ráo. Dù vắt sữa bằng tay hay bằng máy thì mẹ hãy nhớ rửa tay sạch, và lau qua bầu vú để đảm bảo những bước vệ sinh cần thiết để tránh mầm bệnh cho bé.
– Vắt sữa:
- Cách vắt sữa bằng tay: Mẹ hãy chọn một tư thế thoải mái nhất và giữ dụng cụ đựng sữa ở gần vú. Giữ ngón tay cái ở trên núm vú và ngón trỏ ở phía dưới sao cho hai ngón tay tạo thành hình chữ C, những ngón tay còn lại đỡ bầu vú. Nhẹ nhàng ấn ngón cái và ngón trỏ vào trong và thả ra, lặp lại động tác này tới khi sữa bắt đầu chảy ra. Mỗi bên vú cần vắt ít nhất 3-5 phút. Nếu mẹ bắt đầu thấy sữa chảy chậm lại thì nghỉ 1-2 phút, sau đó tiếp tục vắt hết sữa và chuyển sang bầu vú còn lại.
Dụng cụ đựng sữa cần được làm sạch, đảm bảo vệ sinh
- Cách vắt sữa bằng máy hút sữa: Cách vắt này thuận tiện hơn với cuộc sống hiện đại. Mẹ chỉ cần lưu ý cách chọn phễu vừa với bầu vú nhưng vẫn có khoảng cách để đầu vú không chèn vào thành phễu. Massage ngực trước khi vắt sữa sẽ giúp sữa được vắt ra dễ dàng hơn và thực hiện theo hướng dẫn sử dụng máy vắt sữa.
– Bảo quản sữa:
Sau khi vắt sữa, mẹ hãy đổ ngay sữa vào dụng cụ dự trữ đã chuẩn bị sẵn và đóng kín lại. Lượng sữa trong một bình hay túi đựng sữa nên được chia nhỏ, nằm trong khoảng 60-120 ml để sữa nhanh lạnh và dễ sử dụng sau khi bảo quản. Mẹ cũng nên ghi lại ngày, giờ vắt sữa để sắp xếp lượng sữa nào cần cho bé sử dụng trước.
Sữa sau khi vắt nên được bảo quản trong tủ lạnh càng sớm càng tốt
Hãy đặt bình hay túi đựng sữa vào tủ lạnh càng sớm càng tốt mẹ nhé. Vị trí hợp lý nhất trong tủ lạnh đó là phía trong cùng của ngăn mát nếu mẹ muốn sử dụng sớm trong vòng 2-4 tiếng (với nhiệt độ 19-26 độ), hay tối đa là 4 ngày (khi bảo quản với 4 độ C). Hoặc mẹ có thể bảo quản sữa ở phía trong cùng của ngăn đá. Sữa mẹ bảo quản trong ngăn đá có thể được sử dụng trong vòng 4-6 tháng. Nhưng mẹ cần nhớ, phía trong cùng của ngăn mát hoặc phía trong cùng của ngăn đá chứ không phải là ở cánh tủ, bởi vị trí này không đảm bảo được nhiệt độ tối ưu cần thiết.
– Cách dùng sữa sau bảo quản:
Việc rã đông có thể mất nhiều thời gian. Nếu chưa cần thiết phải dùng sữa ngay thì mẹ rã đông sữa bằng cách chuyển sữa từ ngăn đá vào ngăn mát tủ lạnh cho tan bớt. Sau đó, ngâm bình hay túi sữa trong nước ấm để làm tăng nhiệt độ sữa cho bé dùng trong vòng 24 giờ.
Cách rã đông tốt nhất là ngâm bình sữa trong nước nóng
Nếu mẹ cần cho bé ăn sớm hơn, hãy bỏ qua bước chuyển sữa vào ngăn mát mà ngâm sữa trong nước nóng đến khi sữa tan và đạt được nhiệt độ thích hợp, lắc đều để cho bé ăn.
Lưu ý: Không nên dùng cách đun nóng sữa để tránh nhiệt độ quá cao làm phá hủy dinh dưỡng có trong sữa và có thể khiến bé bị bỏng. Sữa đã được rã đông không nên được dự trữ lại hay pha cùng sữa mới vắt để cho bé bú.
Bé sơ sinh ngủ ít, chậm lớn hay ngủ đủ giấc và khỏe mạnh, phát triển tốt nhất là nhờ cách chăm sóc thích hợp của mẹ. Hãy là những bà mẹ thông thái để bé con lớn lên một cách toàn diện, mẹ nhé!
>>> Xem thêm: Tiếng ồn trắng – Chìa khóa bí mật cho trẻ sơ sinh ngủ ít