Trẻ nhỏ thường sốt kèm theo biểu hiện khác nhau như: bé quấy khóc, đi ngoài, mệt mỏi,… Thậm chí bé sốt cao ngủ giật mình là trường hợp khiến nhiều cha mẹ lo lắng vì có thể liên tưởng đến hiện tượng co giật. Nhưng việc bé sốt và giật mình có thực sự nguy hiểm không? Phải làm gì khi bé bị sốt cao? Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bé sốt cao ngủ giật mình có sao không?
Các bé sốt cao ngủ giật mình thường nằm trong khoảng 6 tháng đến 5 tuổi. Phổ biến nhất là ở độ tuổi 14-24 tháng tuổi. Khi bé bị sốt cao sẽ dễ mất nước và trở nên mệt mỏi. Mẹ có thể thấy bé bứt rứt, quấy khóc, khó ngủ, ngủ không ngon và dễ bị giật mình khi đang ngủ. Đây là các dấu hiệu dễ gặp, mẹ chỉ cần thực hiện biện pháp hạ sốt, giải quyết các vấn đề dẫn đến cơn sốt của bé mà không cần phải quá lo lắng.
Tuy nhiên, ngay cả khi bé không có vấn đề bệnh lý ở não (viêm não, viêm màng não,…), phát triển bình thường thì bé vẫn có thể bị co giật toàn thân nếu nhiệt độ cơ thể tăng đến 39 độ C. Nhưng tình trạng co giật diễn ra không quá 15 phút. Sốt có thể dẫn đến co giật nhưng chưa có bằng chứng nào chứng minh cơ thể bị co giật do sốt lại gây ra ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương. Các cơn co giật này thường tự hết, nhưng vẫn có khoảng 5% số trẻ về sau có khả năng bị động kinh nếu sốt cao co giật. Do đó, mẹ cũng không nên để bé sốt quá cao dẫn đến co giật.
Trẻ nhỏ sốt cao thường mệt mỏi, dễ giật mình khi ngủ
Bé bắt đầu sốt cao từ 38,5 độ nên được hạ sốt để tránh bị giật mình ảnh hưởng đến giấc ngủ, đặc biệt là ngăn ngừa tình trạng co giật.
Cách xử trí khi bé sốt cao ngủ giật mình
Khi bé sốt cao ngủ giật mình, mẹ có thể giúp bé hạ sốt bằng một số cách đơn giản.
Cho bé mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi
Khi bé bị ốm sốt, nhiều cha mẹ cho rằng không nên để bé mắc lạnh nên thường giữ ấm cho bé quá mức cần thiết. Trên thực tế, việc bé mặc quần áo dày, đắp chăn kỹ khiến bé cảm thấy nóng bức, khó chịu hơn. Thay vào đó, bé bị sốt cần có sự thoải mái, thông thoáng. Vì thế, cha mẹ nên cho bé mặc quần áo mỏng, dễ thấm mồ hôi, nới rộng quần áo của bé và đảm bảo phòng không quá kín gió mà hãy để cửa mở giúp hạ bớt thân nhiệt của bé..
Chườm ấm cho bé
Việc chườm ấm hay lau người bé bằng một chiếc khăn dấp nước ấm có thể hạ bớt nhiệt độ cơ thể bé. Mẹ có thể chườm lên trán cho bé và thường xuyên dấp lại khăn bằng nước ấm. Hoặc mẹ vắt khăn cho bớt nước rồi đặt vào hai bên nách và háng của bé, lau quanh người cho bé. Điều quan trọng mẹ cần nhớ là dùng nước ấm chứ không phải nước lạnh. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu giúp làm mát cơ thể. Thường xuyên chườm ấm có thể giúp làm hạ thân nhiệt của bé về mức bình thường.
Vì trẻ nhỏ rất dễ co giật khi sốt cao nên mẹ hãy cố gắng hạ sốt cho bé từ sớm.
Cho bé uống nhiều nước
Bé bị sốt cần được cung cấp nhiều nước hơn bình thường
Bé bị sốt sẽ háo nước hơn bình thường vì cơ thể nhanh bị mất nước. Do đó, bé cần được uống nhiều nước và khuyến khích uống nhiều nước hơn để bù vào lượng nước mất đi. Loại nước thích hợp cho tình trạng của bé là nước hoa quả, đặc biệt là nước cam, bưởi có chứa nhiều vitamin C vừa có thể cung cấp một lượng nước nhất định cho bé, lại vừa có thể tăng cường sức đề kháng cho bé.
Ngoài ra, mẹ có thể cho bé uống nước lọc, sữa, ăn cháo, hoặc các chế phẩn bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol cho bé. Nếu bé còn quá nhỏ, vẫn đang bú mẹ thì mẹ hãy cho bé bú mẹ nhiều hơn.
Sử dụng thuốc hạ sốt cho bé
Khi bé bị sốt cao từ 38,5 độ trở lên, cha mẹ hãy cho bé uống thuốc hạ sốt nhưng tuyệt đối phải nghe theo chỉ dẫn của thầy thuốc về liều lượng và cách dùng thích hợp với mỗi lứa tuổi của trẻ. Loại thuốc hạ sốt được sử dụng phổ biến nhất có chứa thành phần paracetamol với dạng gói bột, viên nén hoặc viên đặt hậu môn. Thuốc sẽ có tác dụng hạ sốt sau khi uống khoảng 30 phút. Khi bé còn tỉnh táo, cha mẹ có thể cho bé uống dạng gói bột hay viên nén, nhưng hãy tránh lúc bé đang giật mình vì tâm trạng hoảng sợ sẽ khiến bé dễ bị sặc khi uống thuốc. Nếu bé sốt quá cao, mê man cần hạ nhiệt nhanh chóng thì viên đặt hậu môn là lựa chọn thích hợp.
Nếu tình trạng bé sốt cao ngủ giật mình không được cải thiện, cha mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị kịp thời.
Đặt bé nằm nghiêng khi ngủ
Hầu hết các bé được cha mẹ bế khi bị ốm hay sốt. Và khi bé bị giật mình hay co giật, cha mẹ hay hoảng loạn không biết nên làm gì hoặc sẽ gấp rút đưa bé đến bệnh viện. Lúc này, cha mẹ phải hết sức giữ bình tĩnh và để bé nằm nghiêng một bên. Tư thế này giúp cho bé dễ dàng hô hấp và tránh được vấn đề nôn trớ làm tắc nghẽn đường thở của bé. Nhưng không nên để bé nằm nghiêng quá lâu vì gây mỏi, hãy đổi bên cho bé khi nằm ngủ.
Bé sốt cao ngủ giật mình không đáng ngại. Tuy nhiên, cha mẹ cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé thường xuyên để biết khi nào cần hạ sốt cho bé, bằng những biện pháp nào và khi nào cần đưa bé đến gặp bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
>>> Xem thêm: Trẻ khó ngủ phải làm sao? Đây là câu trả lời chính xác nhất cho mẹ