Đôi khi mẹ không hiểu vì sao bé bỗng nhiên cáu kỉnh, quấy khóc ngay khi vừa rồi còn chơi rất vui vẻ. Có thể mẹ đã bỏ lỡ một số biểu hiện trẻ gắt ngủ mà không nhận ra. Mẹ hãy tìm hiểu tín hiệu của bé ngay nào!
Biểu hiện trẻ gắt ngủ rất dễ gặp
Tình trạng trẻ đã buồn ngủ một khoảng thời gian nhưng vẫn chưa thể ngủ sẽ làm xuất hiện biểu hiện gắt ngủ. Bé thường mè nheo, quấy rầy cha mẹ rất lâu mới chịu đi ngủ. Trẻ sơ sinh là lứa tuổi hay gắt ngủ và giảm dần ở những bé trên 3 tuổi.
Có một số lý do khiến bé hay cáu gắt, quấy khóc trước khi ngủ, bao gồm:
- Giờ ngủ không cố định: Việc để bé ngủ bất kể giờ nào dù là sớm hay muộn, không ổn định sẽ khiến bé khó ngủ ngay khi đã buồn ngủ đến mức không mở nổi mắt. Thậm chí gây ra rối loạn giấc ngủ – một tình trạng có tác động không tích cực đến sức khỏe và sự phát triển thể chất, não bộ của bé.
- Cha mẹ không để ý đển biểu hiện buồn ngủ của bé: Các biểu hiện mà cha mẹ có thể bỏ qua khi bé đã bắt đầu cảm thấy buồn ngủ là dụi mắt, mệt mỏi, ngáp, không chú ý đến những món đồ chơi ưa thích,… Khi thấy bé đưa ra các “tín hiệu” này thì mẹ hãy đưa bé đi ngủ. Nhưng cố gắng giúp thời gian bé ngủ không quá cách biệt với giờ ngủ mẹ quy định cho bé. Đừng cố kéo dài thời gian bé buồn ngủ vì bé sẽ chỉ thêm mệt mỏi và điều này sẽ đem đến tác dụng ngược làm bé khó ngủ.
Trẻ sơ sinh thường xuyên gắt ngủ nếu mẹ không nhận ra các dấu hiệu bé buồn ngủ
- Thói quen xấu khi ngủ: Việc bế và đu đưa, cho bé ngậm núm vú giả đến khi bé ngủ say vô tình tạo cho bé thói quen xấu. Nếu không được đáp ứng những thói quen này, bé sẽ gắt gỏng, quấy khóc không chịu ngủ. Bé không thể tự ngủ sẽ chiếm nhiều thời gian của mẹ cho việc chăm bé.
- Bé không khỏe: Khi bé mọc răng, thiếu canxi, mắc bệnh đường hô hấp (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm họng,…), tiêu hóa (khó tiêu, tiêu chảy, nhiễm giun kim,…), bị dị ứng,… sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ khiến bé khó chịu, ngủ không sâu giấc, cáu gắt nhiều hơn bình thường.
- Chỗ ngủ không thoải mái: Chỗ ngủ không thông thoáng, quá nóng hoặc quá lạnh, quá chói sáng hay quá tối làm bé sợ hãi, có nhiều côn trùng, ồn ào,… trẻ thường quấy khóc trước khi ngủ.
Khi con gắt ngủ, khó ngủ, hay giật mình thức giấc và quấy khóc kéo dài quá lâu sẽ khiến bé mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng. Giấc ngủ của bé không đảm bảo đủ thời lượng sẽ khiến bé uể oải, ăn uống không tốt, hay mắc bệnh vặt, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều cao, cân nặng cũng như trí não của cơ thể. Bé sẽ còi cọc, kém thông minh hơn những bé dễ ngủ và có giấc ngủ ngon, sâu giấc.
Triệu chứng trẻ gắt ngủ không khó để nhận ra
Cha mẹ chỉ cần chú ý đến bé thêm một chút sẽ có thể nắm bắt đúng lúc biểu hiện trẻ gắt ngủ diễn ra. Hãy cố gắng ghi nhớ những dấu hiệu bé buồn ngủ để ngăn tình trạng phải đối phó với bé cáu gắt, khó ngủ mẹ nhé. Bé gắt ngủ sẽ có những biểu hiện sau đây:
- Mặt màu cau có: Dấu hiệu này xuất hiện từ sớm giúp mẹ biết bé đã buồn ngủ. Mặc dù bé cau mày cho thấy sự khó chịu, nhưng thực tế là nhiều bé không ý thức được điều khó chịu xuất phát từ đâu để có thể ngủ một giấc nạp lại năng lượng cho những hoạt động kế tiếp.
- Dụi mắt: Cơn buồn ngủ đến khiến mắt bé muốn sụp xuống, bé sẽ có hành động dụi mắt để phần nào làm giảm cảm giác ngứa, mỏi mắt. Lúc này, mẹ sẽ thấy bé dùng mu bàn tay cọ lên mắt nhằm nghiền.
- Gãi tai: Giống như hành động dụi mắt, bé buồn ngủ gắt ngủ cũng sẽ gãi tai. Đây cũng là một dấu hiệu trẻ gắt ngủ mẹ dễ dàng nhận thấy.
- Ngáp: Khi bé mệt mỏi, phản xạ ngáp sẽ diễn ra nhằm cung cấp thêm nhiều oxi cho não bộ duy trì sự minh mẫn để tiếp tục hoạt động. Vì thế, nếu mẹ thấy bé ngáp cũng đồng nghĩa với việc bé đã rất mệt và cần nghỉ ngơi càng sớm càng tốt.
- Mè nheo: Một số bé sẽ bám mẹ và có thể làm nũng mè nheo mẹ không rời. Mẹ có thể dỗ bé nhưng bé sẽ bắt đầu quấy khóc khi được đặt xuống chỗ ngủ.
- Quấy khóc dai dẳng: Nếu bé đã quá buồn ngủ, mệt mỏi và khó chịu, bé sẽ khóc. Lúc đầu bé sẽ rên rỉ nhẹ, nhưng càng về sau bé sẽ càng khóc to và kéo dài, khó để mẹ có thể dỗ được.
Việc nhận biết tín hiệu của bé giúp mẹ hiểu đúng nhu cầu của bé. Từ đó, mẹ có thể tránh được các trường hợp nhầm lẫn làm bé càng thêm khó chịu và cáu gắt nhiều hơn. Chỉ cần mẹ quan sát bé kĩ càng một chút, tinh ý hơn một chút thì việc hiểu rõ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của bé là không hề khó.
Qua bài viết này, hi vọng mẹ nắm được những biểu hiện trẻ gắt ngủ để có thể tìm cách khắc phục thích hợp cho bé có được những giấc ngủ ngon.
>>> Xem thêm: Bị sốt khiến trẻ ngủ đêm không ngon giấc: Giải pháp nào cho mẹ?