Với những người lần đầu làm mẹ việc bế trẻ sơ sinh là điều không hề dễ dàng bởi xương của bé rất mềm, nếu không bế đúng cách có thể gây tổn thương cho con. Vậy cách bế trẻ sơ sinh thế nào là an toàn nhất? Mẹ hãy tham khảo ngay thông tin được webmebe tổng hợp và chia sẻ dưới đây nhé.
Cách bế trẻ sơ sinh an toàn cho từng tư thế
Tư thế bế vác
Đây là tư thế rất phổ biến trong 3 tháng đầu đời của trẻ sơ sinh, để bế bé an toàn từ tư thế bế vác, mẹ nên dùng một tay đỡ, tay còn lại nâng người bé lên và để bé nằm dọc, song song với cơ thể của mẹ. Một tay mẹ đỡ cổ và đầu, tay còn lại làm điểm tựa để đặt hông của bé lên.
Với tư thế này, trẻ có thể cảm nhận được tiếng tim đập của mẹ, giúp con trấn tĩnh và cảm thấy an toàn hơn. Ngoài ra, tư thế này cũng hạn chế được tình trạng nôn trớ hay ợ hơi ở trẻ sau khi vừa được bú no.
Tư thế bế ngang
Tư thế bế ngang, kiểu đưa nôi rất dễ dàng đối với mẹ, đồng thời giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ tốt hơn. Với tư thế này, mẹ chỉ cần đặt bé nằm song song với cánh tay ngang của mẹ, để đầu và cổ nằm ở vị trí khuỷu tay, tay còn lại của mẹ có thể đỡ dưới lưng hoặc hông của bé.
Tư thế này sẽ giúp mẹ ôm ấp, vỗ về bé dễ dàng hơn, có thể đung đưa nhẹ nhàng để ru bé ngủ hoặc giúp bé an dịu tinh thần khi quấy khóc.
Tư thế mặt đối mặt
Đây là tư thế giúp trẻ giao tiếp bằng mắt với mẹ dễ dàng hơn, bé có thể quan sát toàn bộ gương mặt mẹ và trò chuyện cùng mẹ sau khi vừa được ăn no. Với tư thế này, mẹ dùng một tay đỡ đầu và cổ bé, thân bé nằm dọc trên cánh tay của mẹ, tay còn lại mẹ đỡ hông và lưng của bé. Đây là tư thế giúp mẹ và bé có thể trò chuyện, cười nói cùng nhau, nhằm gắn kết tình cảm và bồi dưỡng khả năng giao tiếp cho trẻ.
Tư thế bế kiểu ghế ngồi
Với những trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể áp dụng tư thế bế ghế ngồi cho trẻ, đây là tư thế chỉ áp dụng với những bé đã có phần xương cổ cứng cáp, thích khám phá thế giới xung quanh. Với cách bế trẻ sơ sinh này, mặt bé sẽ hướng ra bên ngoài để có thể nhìn được mọi cảnh vật. Khi bế trẻ, mẹ đặt thân và lưng bé quay lại, nép sát vào phần ngực của mẹ để nâng đỡ được phần đầu và cổ của con dễ dàng hơn, dùng một tay choàng qua người bé để giúp con không bị nghiêng ngả, tay còn lại nâng đỡ phần hông để bé cảm thấy vững chãi và an toàn.
Tư thế đặt bé trên đùi
Với tư thế này, mẹ và bé cũng có thể giao tiếp và trò chuyện cùng nhau tốt hơn, mẹ có thể ngồi áp sát hai đùi lại với nhau rồi đặt bé trên đùi, dùng hai tay đỡ cổ và đầu để cho đầu bé ở gần đầu gối của mẹ, đảm bảo thân người con được nâng đỡ và che chắn tốt nhất bởi 2 cánh tay của mẹ.
Mẹ có thể bế trẻ sơ sinh bằng nhiều tư thế khác nhau nhưng cần đảm bảo an toàn cho hệ xương của bé
Những lưu ý khi bế trẻ sơ sinh để đảm bảo an toàn
Trước khi bế: Mẹ nên vệ sinh tay sạch sẽ để tránh lây lan vi khuẩn, cần tháo hết các vòng đeo tay để không gây trầy xước cho làn da của con, luôn giữ bàn tay ấm khi bế bé.
Trong khi bế: Mẹ cần thực hiện các thao tác nhẹ nhàng, tạo cảm giác an toàn cho bé, không nên làm quá nhanh, quá mạnh khiến con giật mình, hoảng sợ.
Trẻ sơ sinh có các phần xương rất mềm, chưa cứng cáp, đặc biệt là ở phần cổ, vì vậy khi bế trẻ lên hoặc đặt con nằm xuống mẹ cần hỗ trợ phần đầu của bé.
Sau mỗi lần vui đùa, mẹ nên bế bé trong một khoảng thời gian để giúp con yên tĩnh, thư giãn và hồi phục lại trạng thái tinh thần, tránh bị phấn khích quá mức.
Như vậy, với những cách bế trẻ sơ sinh mà webmebe vừa chia sẻ hi vọng mẹ sẽ tìm ra được tư thế bế con an toàn nhất, đảm bảo không ảnh hưởng đến phần xương còn non yếu của con.