Những ngày cơ thể trẻ bắt đầu xuất hiện những chiếc răng sữa có thể sẽ gây ra một số khó khăn. Bé mọc răng quấy khóc ban đêm thường là vì nướu bị sưng đau. Để giúp bé trải qua thời gian xuất hiện của răng sữa nhẹ nhàng hơn, mẹ nên tìm hiểu một số cách làm giảm đau cho bé.
Bé mọc răng quấy khóc là điều bình thường
Trẻ nhỏ bắt đầu mọc răng sau 3 tháng tuổi và quá trình này có thể kéo dài cho đến khi bé được 3 tuổi. Thường thì bé mọc răng quấy khóc vì khó chịu từ trước khi những chiếc răng sữa xuất hiện. Nhiều bé không có dấu hiệu mọc răng. Bên cạnh đó cũng có những bé sẽ chảy nước dãi nhiều hơn, thích cắn đồ vật, ăn kém hơn và rất hay cáu gắt, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm. Khả năng bé bị sốt, sưng lợi cũng rất cao. Tuy nhiên, các dấu hiệu này là điều bình thường mà bé dễ gặp phải trong thời kỳ mọc răng.
Bé mọc răng sẽ khó chịu và quấy khóc bao lâu? Câu trả lời nằm ở chính cơ thể của bé. Bé có thể cảm thấy khó chịu khi những chiếc răng đầu tiên chồi lên và không còn bị đau nhiều với những chiếc răng mọc thời gian sau nữa. Nhưng có bé sẽ bớt đau hơn khi mọc dần đến răng hàm. Mức độ cơn đau với mỗi bé cũng là không giống nhau. Do đó, mẹ hãy chú ý tìm hiểu các phương pháp giúp bé bớt nhức nhối khi cần thiết trong quá trình mọc răng.
Bé mọc răng thường muốn cắn vật gì đó để bớt đau nướu và “ngứa răng”
>>> Xem thêm: 4 nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc cha mẹ nên biết
Biện pháp giúp giảm đau khi bé mọc răng quấy khóc
Với mục đích giúp bé cảm thấy thoải mái hơn và không bị khó ngủ, ngủ không ngon do nướu bị đau, cha mẹ có thể sử dụng vài cách dưới đây:
Cho bé ăn thức ăn mát
Bé mọc răng thường hay cắn đồ vật để làm giảm cảm giác đau và “ngứa răng”. Mặt khác, nhiệt độ mát lạnh sẽ làm tê và khiến bé bớt thấy đau. Chính vì vậy, nếu mẹ cho bé ăn củ quả ướp lạnh như miếng cà rốt, táo, lê,… hoặc cho bé uống một chút nước lạnh sẽ có tác dụng rất tốt trong trường hợp này. Mẹ cũng có thể dùng ngón tay massage nướu cho bé để làm giảm đau. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý vệ sinh tay khi tiếp xúc trực tiếp vào nướu của bé nhé.
Ngoài ra, khi bé mọc răng quấy khóc rất dễ bị sưng và viêm nướu, để tránh điều này, mẹ nên cho bé ăn thức ăn mềm vào bữa tối như cháo bột, sữa công thức,…
Không thay đổi thói quen ngủ
Khi bé bị đau và khó chịu có thể dẫn đến cáu gắt khó ngủ. Hãy cố gắng linh hoạt để giữ những thói quen ngủ tích cực của bé. Nếu trước khi ngủ, bé thường được tắm, nghe mẹ đọc truyện, nghe nhạc,… mẹ đừng vì bé mọc răng bị khó chịu mà bỏ qua những việc đó. Điều này vừa giúp bé luôn ở trong nếp sinh hoạt cũ, vừa đảm bảo sau khi bé trải qua thời gian đau mọc răng sẽ không vô tình có thêm một số thói quen xấu gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Nếu bé quấy khóc, cha mẹ phải nhận biết được bé đang khóc vì bị đau hay muốn làm nũng. Từ đó, cha mẹ tìm cách an ủi, dỗ bé nín khóc và đi ngủ đúng giờ. Một khi thói quen thường ngày của bé bị phá vỡ thì sẽ rất khó để thiết lập lại.
Sử dụng kem bôi
Trên thị trường có một số loại kem bôi trực tiếp vào nướu, có tác dụng gây tê để làm giảm đau cho bé. Tuy nhiên, bé rất dễ nuốt lượng kem bôi này xuống cùng thức ăn. Vì thế, mẹ không nên bôi cho bé trước khi ăn. Thêm vào đó, nếu bôi nhiều hơn lượng cần thiết thì bé có thể bị tê lưỡi. Mẹ có thể hỏi ý kiến thầy thuốc để dùng kem bôi một cách hiệu quả và an toàn cho bé.
Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau
Thuốc hạ sốt, giảm đau sẽ giúp bé cải thiện cơn đau và sốt hiệu quả. Những loại thuốc hạ sốt, giảm đau dùng phổ biến thường có thành phần paracetamol, ibuprofen. Nhưng trước khi dùng loại thuốc này, cho bé, mẹ cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc cẩn thận để việc điều trị đạt kết quả tốt. Tuyệt đối không tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa có hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ.
Cha mẹ cần ý thức được rằng quá trình mọc răng của bé sẽ kéo dài và cơn đau và sốt có thể trở lại cùng lúc chiếc răng khác mọc lên. Do đó, cha mẹ không nên dùng thuốc giảm đau quá thường xuyên cho bé. Đôi khi bé có thể chịu đựng được cơn đau mà không cần thiết phải sử dụng đến thuốc.
Nên đưa bé đến gặp bác sĩ khi nào?
Bé mọc răng có thể sẽ gặp khó khăn một chút với cơn đau và vấn đề ăn, ngủ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên quá chủ quan nếu bé có các dấu hiệu sốt cao, quấy khóc liên tục không thể dỗ nín, bé bị tiêu chảy, phát ban. Khi thấy bé có những biểu hiện bất thường, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ thật sớm để có cách khắc phục phù hợp.
Có rất nhiều giai đoạn phát triển mà bé cần phải trải qua, bé mọc răng quấy khóc cũng chỉ là một trong những giai đoạn ấy. Tuy là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng cha mẹ cần biết cách chăm sóc bé mọc răng hợp lý và đúng cách để bé phát triển một cách tốt nhất.
>>> Xem thêm: Massage giúp xoa dịu trẻ sơ sinh quấy khóc không chịu ngủ