4 tháng tuổi là giai đoạn trẻ phát triển cả về thể chất và trí tuệ vì vậy bố mẹ cần đặc biệt quan tâm, tìm hiểu về những nhu cầu của con. Vậy làm thế nào để chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi tốt nhất? Mẹ hãy tham khảo một số thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Xem thêm:
Một số vấn đề cơ bản khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở những tháng đầu tiên sau khi chào đời rất quan trọng bởi nếu không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Dưới đây là một số vấn đề cơ bản nhất khi chăm sóc cho trẻ 4 tháng tuổi mà mẹ cần quan tâm.
Chú ý đến giấc ngủ của con
Với những trẻ 4 tháng tuổi giấc ngủ của con đã bắt đầu đi vào ổn định hơn, vì vậy để đảm bảo bé có giấc ngủ đúng, đủ và đạt chất lượng tốt nhất mẹ nên thiết lập một thời gian thức – ngủ cố định cho con. Hầu hết, trẻ từ 4 tháng tuổi trở đi bé đã có giấc ngủ dài ban đêm kéo dài đến 6 tiếng, vì vậy mẹ cũng sẽ được nghỉ ngơi nhiều hơn và không cần phải lo lắng thức dậy để cho bé bú đêm.
Để giúp con có giấc ngủ ổn định và thoải mái nhất, phòng ngủ của bé cần thoáng mát, sạch sẽ, thường xuyên được vệ sinh chăn, ga, gối, không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn lớn bên ngoài đồng thời nhiệt độ phòng cần đảm bảo ở mức tiêu chuẩn, phù hợp với thân nhiệt của con.
Giúp trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp
Khi được 4 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu có thể nhận biết được thế giới xung quanh, thích tò mò và muốn khám phá mọi thứ. Vì vậy, ở giai đoạn này mẹ có thể trò chuyện, tiếp xúc với con nhiều hơn, có thể mô tả các đồ vật trong nhà, cho con chơi các loại đồ vật nhiều màu sắc hoặc dạy bé biết cách “nói chuyện” với mẹ và người thân nhiều hơn.
Ngoài ra, bé cũng đã bắt đầu thích thú với các loại âm thanh, thậm chí cười đùa vui vẻ, khoái chí, mẹ có thể cho bé chơi những đồ chơi sáng tạo, có âm thanh để kích thích khả năng nhận thức, học hỏi ở con.
Dạy trẻ cách cầm nắm đồ vật
Một trong những điều cơ bản khi chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi mẹ cần lưu ý và quan sát đó chính là bé đã bắt đầu có khả năng cầm nắm đồ vật trong tay. Trẻ có xu hướng sẽ lấy bất kì đồ vật nào xung quanh mình và giữ chúng trong tay, vì vậy mẹ có thể đưa cho bé cầm một số loại đồ chơi mà bé thích, ban đầu con sẽ có khuynh hướng cầm nắm bằng một tay, tuy nhiên trong một thời gian ngắn sau bé sẽ biết cách đổi qua tay còn lại.
Trẻ 4 tháng tuổi đã bắt đầu có sự phát triển về các kĩ năng cầm nắm đồ vật
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Ở bất kỳ giai đoạn nào, khi chăm sóc trẻ sơ sinh yếu tố dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng, đối với trẻ 4 tháng tuổi cũng vậy. Nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì mẹ nên đảm bảo chế độ dinh dưỡng hàng ngày đầy đủ, tránh kiêng khem quá mức để ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con.
Trong trường hợp nếu bé sử dụng sữa công thức bên ngoài, mẹ cũng nên tham khảo để lựa chọn được loại sữa phù hợp nhất cho con, đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất cần thiết.
Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, một số trẻ đã bắt đầu có xu hướng muốn ăn thêm, nếu muốn cho bé ăn dặm sớm hơn mẹ có thể xin lời khuyên, tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo mẹ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong suốt khoảng thời gian 6 tháng đầu đời để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của con.
Chú ý tiêm phòng và khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
Ở giai đoạn 4 tháng tuổi, mẹ nên chú ý đến lịch tiêm phòng cho con để ngăn ngừa các bệnh lý có thể gây nguy hại đến sức khỏe. Mẹ luôn nhớ cần có một cuốn sổ để theo dõi các mũi tiêm của bé đồng thời giúp các bác sĩ dễ dàng nắm rõ được tình trạng sức khỏe của con.
Ngoài ra, mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn để kịp thời bổ sung các dưỡng chất cần thiết qua từng giai đoạn phát triển của con.
Chăm sóc trẻ 4 tháng tuổi: Những lưu ý an toàn mẹ cần nắm rõ
Với những trẻ 4 tháng tuổi, bé đã bắt đầu có sự tò mò, khám phá mọi thứ xung quanh nên mẹ cần theo dõi, giám sát để đảm bảo an toàn cho con. Dưới đây là một số lưu ý:
- Không nên để bé chơi một mình ở khu vực có thể gây nguy hiểm mà không có sự giám sát của người lớn bởi bé rất dễ bị ngã khi di chuyển hoặc với tay lấy đồ vật.
- Nên dọn sạch các đồ vật như bình nước nóng, đồ thủy tinh,… ra khỏi khu vực vui chơi của trẻ, tránh xa tầm mắt của con, không để cho bé chạm vào hoặc đưa tay với dễ gây ra nguy hiểm
- Tuyệt đối không cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ hoặc các loại hạt bởi bé có thể đưa bất cứ thứ gì nhặt được vào miệng rất dễ bị hóc hoặc nghẹn.
Hi vọng với một số thông tin mà webmebe vừa chia sẻ đã giúp mẹ có thêm kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc trẻ 4 tháng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và sự phát triển của con.