Những trẻ ra đời trước thời hạn bình thường trong tử cung được gọi là trẻ sinh thiếu tháng hay còn gọi là trẻ sinh non, những đứa trẻ này thường có sức đề kháng yếu và gặp nhiều rủi ro hơn những trẻ được sinh ra đủ tháng, vì vậy cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ một số thông tin quan trọng trong việc chăm sóc trẻ sinh non.
Xem thêm:
Một số nguyên tắc mẹ cần nắm rõ khi chăm sóc trẻ sinh non
Đảm bảo bé luôn được giữ ấm đúng cách
Trẻ sinh non có khả năng điều hòa thân nhiệt kém, rất dễ bị nhiễm lạnh và hạ thân nhiệt ngay cả trong những ngày thời tiết bình thường do lớp mỡ dưới da của bé mỏng, vì vậy bố mẹ cần đảm bảo giữ cho ấm cho con tuyệt đối.
Sau khi chào đời, bé cần được ủ ấm cẩn thận trong phòng có nhiệt độ từ 28 đến 35 độ, độ ẩm ở mức 60 – 70%. Nếu có thể, bố mẹ nên cho bé nằm trong lồng ấp để đảm bảo vệ sinh và nhiệt độ phù hợp nhất. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể áp dụng phương pháp da kề da, giúp con nhận được hơi ấm truyền từ cơ thể của bố mẹ.
Bên cạnh đó, bố mẹ tuyệt đối không nên bế trẻ sinh non ra ngoài môi trường tự nhiên, luôn đeo tất chân, tất tay, đội mũ, che thóp cho bé để đảm bảo an toàn nhất cho sức khỏe của con bởi lúc này hệ miễn dịch của trẻ rất kém. Trong bất kỳ trường hợp nào, mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Nhi khoa trong việc chăm sóc trẻ sinh non, tránh những nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Chú ý chế độ dinh dưỡng
Tương tự như trẻ sơ sinh, các bé sinh non cũng cần được đáp ứng đủ cữ bú trong ngày, thông thường là từ 8 – 12 lần/ngày, mẹ tuyệt đối không để trẻ bị quá đói hơn 4 tiếng đồng hồ vì có thể khiến bé mất nước, cơ thể mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Do dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang, nên sau khi bú, nhiều trẻ sẽ hay bị nôn trớ, vì vậy mẹ cần cho con bú đúng tư thế và thực hiện cẩn thận, an toàn, nếu con thường xuyên bị nôn trớ, kèm theo dấu hiệu giảm cân mẹ cần trao đổi ngay vấn đề với bác sĩ chuyên khoa.
Với những trẻ sinh đủ tháng, bé có thể bắt đầu được cho ăn dặm khi 6 tháng tuổi trở lên, tuy nhiên với những trẻ sinh non, cơ thể bé cần thời gian để hoàn thiện và phát triển khả năng nhai, nuốt do vậy mẹ nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ dinh dưỡng trước khi bắt đầu quá trình ăn dặm của con.
Việc chăm sóc trẻ sinh non đòi hỏi sự cẩn thận và chế độ chăm sóc đặc biệt của mẹ
Vệ sinh cẩn thận để chống nhiễm trùng
Trẻ sinh non cần được chăm sóc, vệ sinh cẩn thận để bé không mắc các bệnh về da, nhiễm khuẩn. Do vậy, mẹ nên thường xuyên tắm rửa hàng ngày cho bé bằng nước ấm, tắm nhanh và lau khô người.
Vào mùa đông, da trẻ hay bị khô, mẹ nên giữ ẩm để không bị mất nhiệt, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn loại dầu dưỡng ẩm phù hợp nhất cho con.
Ngoài ra, để phòng chống nhiễm trùng, mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng theo đúng lịch được bác sĩ chỉ định, nên cách ly bé khỏi những người có khả năng mắc bệnh hoặc nguy cơ lây bệnh, cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tiếp xúc với cơ thể bé để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Thực hiện massage cơ thể cho bé
Việc massage không chỉ tốt cho người lớn mà còn rất hữu ích đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là với những bé sinh non. Hàng ngày, sau khi tắm cho con bằng nước ấm mẹ có thể thực hiện massage toàn thân cho bé, việc massage không chỉ giúp máu huyết lưu thông mà còn giúp trẻ cứng cáp hơn, nâng cao sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất của cơ thể và giúp bé ngủ ngon, sâu giấc hơn.
Việc chăm sóc trẻ sinh non không chỉ đòi hỏi ở mẹ những kiến thức, kĩ năng quan trọng mà cần cả sự kiên trì, nỗ lực và cố gắng bởi cơ thể bé rất yếu, khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh kém, cần được chăm sóc đặc biệt hơn những đứa trẻ thông thường khác. Mẹ hãy theo dõi webmebe thường xuyên để có thêm những kiến thức chăm sóc con an toàn nhé.