Những bà mẹ trẻ lần đầu tiếp xúc với công việc chăm con hẳn không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Thế nhưng mẹ đừng quá lo lắng, hãy “bỏ túi” 4 lưu ý dưới đây để biến việc chăm sóc bé yêu trở nên dễ dàng hơn.
Mang nặng đẻ đau con trong vòng 9 tháng 10 ngày hẳn không bao giờ là điều dễ dàng. Không ít bà mẹ từng phải đấu tranh với “cửa tử” thì mới có thể chào đón sinh linh bé nhỏ của mình trong vòng tay. Tuy nhiên, đằng sau những giây phút nghẹn ngào và xúc động ấy lại là quãng thời gian đầy thử thách, khi mẹ phải tiếp xúc với công việc chăm con và vận dụng những kiến thức mới học vào thực tế.
Dưới đây là 4 lưu ý cho mẹ, mong rằng sẽ giúp mẹ dễ dàng xoay sở hơn trong việc chăm con.
4 lưu ý trong chăm sóc trẻ sơ sinh dành cho mẹ trẻ
Cách cho trẻ bú
Cho trẻ bú mẹ rất đơn giản nhưng không phải bà mẹ trẻ nào cũng thực hiện đúng. Vì bú sai tư thế hoặc sai cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Đầu tiên, với trẻ mới sinh sau khi được bác sĩ kiểm tra sức khỏe và trả về vòng tay mẹ, trẻ cần được bú ngay. Khi này, trẻ sẽ được hưởng trọn nguồn sữa non quý giá từ mẹ. Sữa non là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá, tạo ra kháng thể mạnh để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ nhiễm trùng. Dù lượng sữa non của mẹ là không nhiều, nhưng hãy yên tâm vì dạ dày của trẻ mới sinh rất nhỏ, bé sẽ không cảm thấy đói.
Bú sai tư thế hoặc sai cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa của trẻ
Trước khi để bé bú, mẹ cũng cần vệ sinh sạch đầu ti bằng khăn có nhấp nước ấm để hạn chế tối đa vi khuẩn gây có hại xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Ngoài ra, tư thế bế của mẹ khi cho bé bú cũng rất quan trọng. Mẹ có thể sử dụng 1 trong 3 tư thế được các bác sĩ Nhi khoa khuyên đó là: bế ngang, bế nằm và bế kiểu ru ngủ. Nếu tư thế bú sai sẽ khiến bé khó ti hơn, dễ tuột núm vú ra khỏi miệng.
Cách cho trẻ tắm
Điều mẹ cần nhớ là không được để trẻ một mình khi tắm. Không gian phòng tắm cũng cần kín gió, nhiệt độ không quá cao hoặc quá thấp (khoảng 24 độ C).
Khi pha nước ấm cho bé thì mẹ hãy dùng khuỷu tay để kiểm tra mức nhiệt đã phù hợp để tắm cho bé hay chưa. Mẹ nên chuẩn bị một chậu nước có mức nước đến ngang vai bé là vừa.
Mực nước chỉ nên đến ngang vai bé là vừa
Với trẻ mới sinh, rốn của bé chưa rụng và chưa khô thì các bà mẹ trẻ nên hạn chế tối đa việc làm ướt rốn, dễ dẫn đến nhiễm trùng rốn. Và chỉ nên tắm cho bé 1-3 lần một tuần. Thời gian tắm trong khoảng 4-5 phút để bé tránh bị nhiễm lạnh, vì sức đề kháng của trẻ sơ sinh rất là yếu.
Cách thay tã cho trẻ
Trước tiên, mẹ cần lưu ý trong việc chọn lựa một loại tã uy tín, có chất lượng tốt, khả năng thấm hút cao, đặc biệt là không gây kích ứng da cho trẻ sơ sinh.
Tiếp theo là những chú ý trong việc thay tã cho trẻ, bao gồm:
- Không nhấc chân trẻ lên quá cao: Nhiều ông bố bà mẹ thường dùng tay nhấc chân trẻ lên thật cao để dễ dàng trong việc đặt tã/ bỉm. Tuy nhiên việc làm này lại ảnh hưởng rất xấu đến xương sống của trẻ. Bởi khi chân trẻ bị nhấc lên cao quá mức cần thiết thì lưng cũng bị nhấc lên theo, gây hại cho hệ xương còn non yếu của bé.
- Dùng khăn ướt để lau chùi: Mẹ cũng không nên sử dụng khăn ướt để vệ sinh mông hay vùng kín cho trẻ. Vì tất cả các loại khăn ướt đều chứa thành phần hóa học, không tốt cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh, dễ gây ra những thương tổn cho da. Tốt nhất, sau khi bé đi vệ sinh xong thì mẹ nên dùng khăn xô lau mông, rồi dùng nước ấm để rửa, sau đó lau lại mông bằng khăn khô cho đến khi khô thoáng thì mới tiếp tục mặc tã/ bỉm cho bé.
- Chỉ nên dùng tay mẹ để cầm cổ chân của trẻ: Khi thay tã cho trẻ, có những bà mẹ vô ý dùng tay để cầm vào lòng bàn chân của con. Cách làm này sẽ gây kích thích, khiến bé cảm thấy nhột và đạp chân liên tục, gây khó khăn và mất thời gian cho mẹ khi thay tã cho bé.
Thay tã cho trẻ sơ sinh cũng cần thực hiện đúng cách và khoa học
Cách bế trẻ
Phần xương cổ của trẻ sơ sinh còn rất yếu, bé không thể tự mang nổi đầu nên mẹ cần bế bé ở tư thế nằm ngang. Một tay đỡ cổ và đầu, tay còn lại vòng qua đỡ mông. Cách bế này vừa giúp trẻ cảm thấy thoải mái và chắc chắn, vừa giúp mẹ lâu bị mỏi khi bế con thời gian dài.
Một lưu ý nữa là khi bế trẻ mẹ nên tháo hết những phụ kiện như nhẫn hay vòng tay để tránh làm trầy xước hay bất cứ tổn thương nào lên da của trẻ.
Bế trẻ ở tư thế nằm ngang
Trên đây là 4 lưu ý đặc biệt cần thiết mà Webmebe dành cho những bà mẹ trẻ còn bỡ ngỡ trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mẹ đừng quá lo lắng. Bởi với bản năng của một người mẹ và sự gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng sẽ giúp mẹ ngày một khéo léo hơn để tự tìm ra cách chăm con an toàn, khỏe mạnh.