Em bé ngủ hay giật mình sẽ ngủ rất ngon và sâu giấc chỉ với cách quấn tã đơn giản, dễ thực hiện. Mẹ đã biết cách quấn tã đúng cho bé cảm thấy an toàn, dễ ngủ chưa? Tìm hiểu ngay mẹ nhé!
Tại sao em bé ngủ hay giật mình cần được quấn tã?
Thời gian bé còn trong bụng mẹ hoàn toàn khác xa với môi trường khi bé được sinh ra. Từ không gian ấm áp, dễ chịu và được chở che ở trong không gian nhỏ, bé chưa thể quen với những tác động xung quanh và bắt đầu có cảm giác thiếu an toàn. Điều này được biểu hiện bằng việc em bé ngủ hay giật mình. Nhưng nếu mẹ thử giữ cho tay và chân của bé co lại thì điều gì sẽ xảy ra? Mẹ sẽ bất ngờ với kết quả này!
Một chiếc tã hay khăn để hạn chế cử động của em bé và giúp kéo chân tay trở lại sẽ giúp tái tạo môi trường tử cung, có thể giúp làm dịu cảm xúc khó chịu khi bé trải qua phản xạ giật mình. Đây là lý do vì sao việc quấn tã được dùng phổ biến với trẻ sơ sinh. Ngoài tác dụng bảo vệ thân thể non nớt của bé, quấn tã còn tạo cảm giác dễ chịu, an toàn cho trẻ giống như được bọc trong một cái “kén” ấm cúng. Phương pháp này rất hữu ích với những em bé ngủ hay giật mình và là một cách dỗ bé nhanh nín khóc.
Em bé ngủ hay giật mình dễ thức giấc và quấy khóc
Nếu mẹ liên tục quấn tã cho bé trước giờ đi ngủ sẽ tạo ra một phản xạ có điều kiện. Bé sẽ nhận ra rằng một khi được mẹ quấn tã thì thời gian ngủ đã đến. Hầu hết các bé được quấn tã cho đến 4 đến 6 tháng tuổi, và đây cũng chính là khoảng thời gian phản xạ giật mình giảm dần cho đến khi biến mất.
4 bước quấn tã cho em bé ngủ hay giật mình
Tùy mục đích và từng hoàn cảnh mà mẹ lựa chọn loại tã phù hợp nhất cho bé. Thông thường, mẹ nên chọn tã làm từ loại vải thoáng khí, thấm hút tốt khi dùng vào mùa hè nóng bức và những loại tã mềm, nhẹ, và đủ ấm cho bé vào mùa lạnh. Mẹ quấn tã cho bé theo các bước sau:
Bước 1: Trải phẳng miếng tã vuông, sau đó gấp thành hình tam giác với hai góc nhọn mở rộng hai bên, góc vuông hướng về phía mẹ. Mẹ đặt bé vào giữa tã sao cho vai bé nằm ngang bằng hoặc dưới mép tã khoảng 3-4 cm. Nếu mẹ đặt em bé quá thấp, tã sẽ bị thừa ở phía trên gây ra sự chùng lỏng và cho phép bé cử động làm tuột tã một cách dễ dàng.
Bước 2: Để phần khuỷu tay phải của bé cong tự nhiên, sau đó mẹ kéo căng đầu tã ở bên trái theo đường chéo xuống dưới quấn quanh người bé và cài mép tã vào phía thân bên trái bé. Mẹ cần lưu ý không quấn bé quá chặt để tránh việc bé cảm thấy khó chịu.
Bước 3: Mẹ gập phần góc tã gần với mẹ lên trên để bọc chân của bé, nhưng hãy giữ lại một khoảng vừa phải để chân bé được cử động thoải mái mẹ nhé.
Bước 4: Tiếp tục quấn đầu tã bên phải quanh em bé như cách quấn ở bước 2 mẹ đã thực hiện, sao cho cả hai đầu tã sau khi quấn tạo thành hình chữ V chặt chẽ dưới cổ bé. Tã tốt nhất không bị trùng ở vai và đảm bảo không quá cao gây khó chịu phần cổ và mặt bé.
Những lưu ý khi quấn tã cho bé sơ sinh
– Mẹ nên mặc quần áo thoáng mát và dễ thấm mồ hôi cho bé để bé vẫn có thể thoải mái, không quá nóng khi đã được quấn thêm tã. Trong một số trường hợp, mẹ cũng nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể bé để đảm bảo bé không bị ảnh hưởng bởi việc quấn tã.
– Mẹ không nên quấn bé quá chặt. Đôi khi bé cần cựa quậy và nới lỏng tã để luồn tay ra ngoài. Điều này không ảnh hưởng đến việc làm giảm phản xạ giật mình ở trẻ. Mẹ chỉ cần quấn bé một cách vừa khít.
– Không để việc quấn tã, chăn hay bất kỳ vật gì che miệng hoặc mặt của bé gây khó chịu khi ngủ. Một chỗ ngủ chắc chắn cũng sẽ góp phần giúp bé giảm tình trạng giật mình.
– Các chuyên gia cho rằng, mẹ chỉ cần quấn vừa đủ chặt hai tay, còn đôi chân của trẻ sơ sinh nên có không gian để được tự do cử động.
Với rất nhiều lợi ích của việc quấn tã thì thật dễ để mẹ hiểu tại sao nó được khuyên dùng và dùng phổ biến đến vậy. Nếu em bé ngủ hay giật mình, mẹ có thể áp dụng cách này và đón nhận một kết quả bất ngờ nhé!
>>> Xem thêm: Bé hay vặn mình khi ngủ thì cần bổ sung ngay 9 loại dinh dưỡng này