Với những gia đình đang nuôi con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì khóc dạ đề thực sự là một nỗi ám ảnh sâu sắc. Vậy mẹ có biết khóc dạ đề là gì không và làm sao để con vượt qua giai đoạn này? Câu trả lời có ngay dưới đây mẹ nhé!
Khóc dạ đề là gì mẹ có biết?
Khóc dạ đề là tình trạng con khóc liên tục trong nhiều ngày mà không có các nào dỗ được. Trong dân gian, cụm từ khóc dạ đề được ông bà ta sử dụng để chỉ những bé khóc không có nguyên nhân, tự nhiên khóc dữ dội vào cùng một thời điểm trong ngày, nhiều nhất là vào khoảng thời gian chiều tối. Khi bé khóc như vậy, cha mẹ dù dùng cách nào, kể cả bế ẵm bé vào lòng rồi bé vẫn không dứt ra được, thậm chí khóc lả cả người đi. Điều này khiến cha mẹ không khỏi lo lắng, xót xa cho con. Và theo quan niệm dân gian, khi bé khóc dạ đề thì thông thường sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng 10 ngày mới chấm dứt.
Trên thực tế, không ai có thể hiểu được chính xác khóc dạ đề là gì. Trong thuật ngữ chuyên môn y học, không có bệnh lý khóc dạ đề. Thông thường, gia đình chỉ xác định là bé khóc dạ đề theo kinh nghiệm trong dân gian, bao gồm các biểu hiện của bé: Bé dưới 3 tháng tuổi, thời gian khóc kéo dài nhiều giờ đồng hồ, bé khóc liên tục ngày này qua ngày khác, thời gian khóc thông thường cố định vào một thời điểm trong ngày, bé khóc kéo dài như vậy trên 3 tuần. Khi bé có hiện tượng khóc dạ đề, bé khóc rất dữ dội, khóc nhiều vào chiều tối, đôi khi bé khóc như hét lên. Hậu quả của việc khóc này là bé bị trớ, xì hơi, mặt bé sẽ đỏ gay gắt.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng khóc dạ đề ở trẻ?
Nhiều người cho rằng, trẻ khóc dạ đề có thể do tăng nhu động ruột. Lý do này được đưa ra bởi khi nhu động ruột của bé bình thường, bé sẽ không đau, nhưng nếu vì một yếu tố tác động nào đó, nhu động ruột tăng lên khiến trẻ đau dữ dội và bắt đầu khóc. Khi nào nhu động ruột ổn định thì bé sẽ trở về trạng thái bình thường.
Nguyên nhân nào khiến trẻ khóc dạ đề?
Tuy nhiên, trên thực tế chưa có cơ sở nào để khẳng định lý do này là chính xác. Một số nguyên nhân khiến trẻ khóc dạ đề được chuyên gia gợi ý cho mẹ bao gồm:
Do bé bị kích thích
Một lý do giải thích cho tình trạng trẻ khóc dạ đề là vì khi ở trong bụng mẹ, môi trường rất yên tĩnh. Khi ra ngoài, bé phải tiếp xúc với ánh sáng, tiếng ồn lớn hơn rất nhiều. Trong khi đó, các giác quan của bé chưa được hoàn thiện, do đó bé cảm thấy quá tải với sự thay đổi của môi trường và phản ứng lại bằng việc khóc dữ dội. Cho đến khoảng tháng thứ 3, khi bé đã dần quen thuộc hơn với môi trường, các giác quan phát triển đầy đủ, tình trạng này sẽ tự nhiên chấm dứt.
Do hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện
Khi mới chào đời, do hệ tiêu hóa của bé còn non nớt nên chưa thể tiêu hóa được hết các loại thức ăn, kể cả sữa mẹ. Điều này khiến bé có cảm giác bị đầy hơi, khó chịu, thậm chí là đau bụng. Do đó bé sẽ khóc dai dẳng mỗi ngày cho đến khi tình trạng này được cải thiện.
Khi mới sinh, để tiêu hóa được các loại thức ăn, dù chỉ là sữa mẹ đi chăng nữa, cũng là một nhiệm vụ khó khăn cho bé. Thức ăn có thể đi rất nhanh qua ruột mà không được tiêu hóa hoàn toàn. Kết quả là bé sẽ bị đau vì có quá nhiều khí sinh ra. Bé khóc mỗi khi xì hơi, đau bụng.
Do bé thiếu canxi và vitamin D
Khi bé thiếu canxi và vitamin D sẽ dẫn đến dễ bị còi xương. Do đó, bé có cảm giác nhức mỏi chân, mình mẩy vào ban đêm và phản ứng lại bằng cách khóc. Mẹ lưu ý rằng dù trẻ có đủ cân hay bụ bẫm vẫn có thể bị thiếu vitamin D và canxi, vì thế, mẹ hãy đưa bé đi kiểm tra vi chất này nếu con có hiện tượng khóc dạ đề nhé.
Bé bị trào ngược hoặc dị ứng với sữa mẹ
Tình trạng trào ngược thường xảy ra do ruột bé còn thẳng, nhu động ruột chưa đều, đồng thời một số bé có hiện tượng dị ứng sữa do trong sữa có chất lactose hoặc protein sữa. Mẹ hãy quan sát và nếu nghi ngờ trẻ gặp tình trạng này, hãy đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra và có phương án khắc phục nhé.
Làm sao để khắc phục tình trạng trẻ khóc dạ đề?
Dựa vào những nguyên nhân kể trên, mẹ có thể áp dụng những biện pháp để hạn chế tình trạng trẻ khóc dạ đề sau đây.
Mẹ thay đổi thói quen ăn uống
Như đã nói ở trên, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt, trong khi những thứ mẹ ăn có thể vào trong sữa và gây khó chịu cho bé. Vì vậy, mẹ hãy hạn chế những thực phẩm có tính kích thích như cà phê, ớt, tiêu, hành tây… Thay vào đó, mẹ hãy bổ sung đủ canxi bằng cách ăn những thực phẩm giàu chất này như tôm, cua,… Nếu bé uống sữa công thức, mẹ hãy thay đổi loại sữa của bé hoặc giảm lượng sữa bé ăn mỗi lần.
Thay đổi môi trường ngủ cho bé
Mẹ nên để bé ngủ ở trong không gian yên tĩnh, tránh ánh sáng. Đồng thời, cho bé tắm nước ấm, massage, nắn bóp chân tay cho bé trước khi đi ngủ. Bé cảm thấy dễ chịu sẽ ngủ ngon hơn và hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh quấy khóc.
Một số mẹo nhỏ khác như quấn chăn mỏng cho bé khỏi giật mình, sử dụng tiếng ồn trắng, địu bé trước ngực,… cũng có thể hữu ích trong trường hợp này.
Chắc hẳn các mẹ đã có những lời giải cho mình về tình trạng trẻ khóc dạ đề qua bài viết trên đây. Nếu có những kinh nghiệm nào để khắc phục vấn đề này, mẹ hãy bình luận phía dưới bài viết để chia sẻ cùng nhau nhé!
>>> Xem thêm: Khắc phục dễ dàng trẻ sơ sinh quấy khóc về đêm do thiếu canxi