Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình là tình trạng không xa lạ gì với những chị em đã từng trải qua thời kỳ nuôi con nhỏ. Nhưng không phải ai cũng biết đến những mẹo chữa giật mình cho trẻ sơ sinh để con có được giấc ngủ ngon, trọn vẹn. Vậy những mẹo đó là gì, mẹ hãy cùng webmebe khám phá ngay dưới đây nhé!
Tại sao trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình?
Để nắm được những phương pháp giúp con hết giật mình, ngủ ngon giấc, mẹ cần biết đến nguyên nhân nào đã khiến trẻ hay bị giật mình.
Giật mình là phản xạ bẩm sinh của bé
Giật mình là một trong 9 phản xạ bẩm sinh của bé như bú sữa, lẫy, tìm vú mẹ, ngồi, đi,… Phản xạ này diễn ra theo trình tự là đầu tiên trẻ căng người, sau đó giơ 2 tay lên và xòe ra, đầu gối của bé co lên, sau đó bé thu tay về và nắm chặt bàn tay. Tất cả các động tác này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng sẽ khiến bé tỉnh giấc và giấc ngủ không được dài.
Bé gặp hội chứng sợ hãi về ban đêm
Hội chứng này thường xuất hiện vài giờ sau khi trẻ đi ngủ. Thông thường, bé sẽ thức giấc giữa đêm nhưng không tỉnh táo hoàn toàn. Khi gặp phải hội chứng này, bé sẽ tỉnh giấc, mở mắt và sợ hãi nên khóc la rất to như gặp phải điều gì đó đang sợ. Nhưng trên thực tế, sáng hôm sau thức dậy, bé sẽ quên hết mọi chuyện của đêm qua và hoàn toàn không lo lắng gì cả.
Hiện tượng sợ hãi về ban đêm của bé không phản ánh được cảm xúc thực sự hay vấn đề gì về thần kinh của bé. Nó hoàn toàn vô hại với bé, ngoại trừ việc khiến cho bé bị giật mình và tỉnh giấc giữa chừng.
Trẻ ngủ giật mình do thiếu canxi
Thiếu canxi khiến trẻ bị còi xương, mỏi cơ, nhức mỏi chân tay. Điều này khiến bé rất dễ bị giật mình vào ban đêm và tỉnh dậy quấy khóc. Mẹ có thể quan sát một số dấu hiệu do trẻ thiếu canxi, bao gồm bé chậm mọc răng, rụng tóc hình vành khăn, bé bị ra mồ hôi trộm. Để khắc phục, mẹ nên bổ sung vitamin D và canxi đầy đủ cho bé theo chỉ định của bác sĩ.
Bé bị rối loạn tiêu hóa
Đối với trẻ sơ sinh, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên bé dễ bị mắc các vấn đề về tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, đau bụng,… khiến bé khó chịu, khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình. Chính vì vậy, nếu thấy bé quấy khóc, khó chịu sau khi ăn, mẹ đừng vội cho bé đi ngủ mà hãy vỗ cho bé ợ hết hơi, bế bé thẳng đứng từ 10-15 phút, sau đó mới nên cho bé đi ngủ. Ngoài ra, mẹ cũng lưu ý là không nên cho bé bú quá no trước khi đi ngủ. Trong trường hợp nếu tình trạng này ở bé kéo dài hoặc kèm đau bụng, bé khóc dữ dội, mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời cho con.
Tã bỉm của bé bị ướt gây khó chịu
Đôi khi chúng ta thường nghĩ rằng trẻ sơ sinh chưa cảm nhận được việc quần áo, tã lót bị ướt gây khó chịu. Nhưng trên thực tế, việc tã bỉm của con bị dính ướt sẽ khiến bé không thoải mái và ngủ không ngon giấc, bị giật mình do sự khó chịu này đem lại. Nếu thấy bé lăn lộn, trở mình rồi giật mình tỉnh giấc và khóc thét, mẹ hãy kiểm tra bỉm của con xem nhé.
Mẹo chữa giật mình cho trẻ sơ sinh nhiều mẹ áp dụng thành công
Trên thực tế, có rất nhiều cách để khắc phục tình trạng bé hay giật mình khi ngủ. Một số mẹo đã được nhiều mẹ áp dụng thành công sẽ được liệt kê ngay dưới đây cho nhé.
Mẹo giúp bé hết giật mình của nhiều mẹ
Quấn khăn/chăn mỏng/tã cho bé
Đây là mẹo cơ bản và mẹ nên nghĩ đến đầu tiên nếu bé nhà mẹ có hiện tượng hay bị giật mình. Việc quấn khăn giúp bé có được cảm giác an toàn, giống như được quay trở lại “nơi cư trú” thân thuộc trong tử cung của mẹ suốt 9 tháng đầu tiên của cuộc đời bé.
Và như phân tích ở trên, phản xạ giật mình ở trẻ trải qua giai đoạn bé vung tay và co chân lên, sau đó mới thu về đột ngột. Phản xạ này giống như bé có cảm giác bị té ngã, do đó, việc quấn bé trong một chiếc chăn mỏng sẽ khiến phản xạ giật mình bị hạn chế. Mặc dù việc bế bé cũng giúp cho con tránh được giật mình, nhưng việc bế con lúc ngủ lâu ngày sẽ khiến bé bị lệ thuộc vào mẹ và mất đi khả năng tự ngủ về sau.
Đặt bé vào nôi hoặc giường ngủ khi con còn đang tỉnh táo
Nếu mẹ bế và ru con trên tay cho đến lúc bé ngủ thì khi đặt con nằm xuống bé sẽ rất dễ bị giật mình. Hơn nữa, việc thường xuyên bế bé sẽ khiến bé lệ thuộc vào mẹ, khi ngủ một mình con sẽ cảm thấy bất an và dễ bị giật mình tỉnh giấc.
Chính vì vậy, việc cho bé nằm vào chỗ ngủ quen thuộc như giường, cũi là thực sự hữu ích. Việc làm này vừa rèn luyện tính tự ngủ của con, vừa giúp bé độc lập trong giấc ngủ, hạn chế tình trạng giật mình và nếu có giật mình tỉnh dậy, bé cũng có thể tự quay trở lại giấc ngủ mà không cần sự hỗ trợ của mẹ.
Tăng cường vận động cho bé
Khi bé lớn được chừng 3 tháng tuổi trở đi, mẹ có thể tăng cường vận động cho bé để giúp làm tăng sức mạnh của cơ bắp và kiểm soát được các phản xạ của mình.
Ở giai đoạn này, bé đã có thể tập lẫy, nên mẹ cho bé vận động bằng cách cho bé nằm sấp, tự lật qua trái rồi qua phải, sau đó cho bé ngồi nhưng mẹ vẫn phải đỡ phần lưng và cổ của bé, sau đó cho bé tự kiểm soát phần đầu, cổ của mình. Khi bé đã có thể kiểm soát được các hành động lẫy, lật người, chuyển động của cổ, bé sẽ được hạn chế tình trạng rất mình rất tích cực.
Một vài lưu ý khác
Ngoài những mẹo ở trên, mẹ cũng lưu ý là luôn luôn giữ cho phòng ngủ của con được thông thoáng, hạn chế tiếng ồn và ánh sáng khi đến giờ ngủ của con. Bên cạnh đó, những vấn đề về sức khỏe như con bị rối loạn tiêu hóa, bị ốm sốt,… cũng khiến con dễ giật mình khi ngủ. Chính vì vậy, mẹ hãy quan sát các thay đổi của con để có quyết định đưa tới bác sĩ khi cần thiết nhé.
Chúng ta có thể thấy giật mình không phải là một vấn đề gì quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được tình trạng này sẽ khiến giấc ngủ của con bị ảnh hưởng, và từ đó tác động đến sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần của bé. Chính vì vậy, mẹ hãy luôn theo sát và áp dụng những mẹo nhỏ được gợi ý bên trên để giúp con khắc phục tình trạng này sớm nhất nhé.
>>> Xem thêm: Chuyên gia giải đáp: Làm cách nào để bé ngủ không giật mình?