Không chỉ riêng giấc ngủ ban đêm, giấc ngủ trưa cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều mẹ thắc mắc liệu ngủ trưa bao nhiêu tiếng là đủ, trẻ ngủ trưa nhiều có tốt không. Cùng đến với tâm sự của một người lần đầu làm mẹ về vấn đề này.
Mẹ Đỗ Thương (Trực Ninh, Nam Định): “Thưa chuyên gia, tôi lần đầu làm mẹ nên còn rất nhiều điều bỡ ngỡ, nhờ chuyên gia giải đáp vấn đề sau. Bé nhà mình được 2 tuổi, buổi trưa con ngủ từ 11 giờ 30 đến tầm 2 giờ chiều vẫn ngủ. Nhiều khi thấy con ngủ nhiều quá mình phải gọi đánh thức bé dậy khiến cháu gắt ngủ quấy khóc. Nhờ chuyên gia giải đáp giúp việc cháu ngủ trưa nhiều có tốt không? Làm thế nào để cháu ngủ trưa hiệu quả?”
Trả lời:
Mẹ Đỗ Thương thân mến, cảm ơn mẹ đã tin tưởng gửi câu hỏi về hòm thư của chúng tôi. Dưới đây là một số giải đáp về băn khoăn của mẹ.
Trẻ ngủ trưa bao nhiêu là đủ
Ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhu cầu giờ ngủ ngày và đêm sẽ thay đổi. Nhất là giấc ngủ trưa ban ngày sẽ giảm dần đáng kể. Trong giai đoạn từ 0 – 16 tháng tuổi, trẻ sẽ ngủ các giấc ngắn vào ban ngày, từ 2 – 4 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 30 phút – 2 tiếng. Sau 16 tháng, con sẽ chuyển sang lịch trình một giấc ngủ trưa, thường là sau khi ăn xong bữa chính buổi trưa. Với mỗi bé khác nhau giấc ngủ của con sẽ nhiều hoặc ít. Với trẻ khoảng 2 tuổi sẽ là 1 – 3 tiếng ngủ trưa mỗi ngày. Nếu lượng hoạt động ban ngày của trẻ tăng thì con có thể ngủ trưa dài hơn để hồi phục thể lực. Khi con lớn lên, thời gian của giấc ngủ trưa sẽ giảm dần. Như vậy, với trường hợp bé nhà mẹ Đỗ Thương, con 2 tuổi ngủ trưa khoảng 2,5 giờ đang là điều bình thường.
Trẻ 2 tuổi thường ngủ trưa khoảng từ 2 – 3 tiếng mỗi ngày
Trẻ ngủ trưa nhiều có tốt không?
Giấc ngủ trưa với trẻ nhỏ đóng một vai trò rất quan trọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra ngủ trưa giúp cải thiện trí nhớ, hỗ trợ trao đổi chất tốt hơn, tăng cường khả năng vận động và xử lý thông tin. Tuy nhiên, trẻ ngủ trưa với thời gian nhiều lại chưa hẳn đã tốt.
- Ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm: với nhiều mẹ tình trạng ngủ ngày cày đêm chắc không phải là điều quá xa lạ. Bé ngủ trưa nhiều vào ban này có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ ban đêm. Để lâu dần sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ như bé ngủ rất muộn, hay quấy khóc không chịu ngủ,…
- Gây ức chế thần kinh, lượng máu lên não giảm. Nhất là khi con đang ngủ say mà lại gặp phải vấn đề khiến con đột ngột tỉnh giấc dẫn đến lượng máu lên não không đủ, thần kinh rối loạn, sẽ cảm thấy rất khó chịu
- Ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa, rối loạn dịch vị, suy giảm khả năng tiêu hóa và hấp thụ của trẻ
- Rối loạn giờ sinh học ngày và đêm
Mẹ phải làm gì để con có giấc ngủ trưa hiệu quả
Ngủ trưa nhiều có tốt không phải phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ và thời gian ngủ. Nhưng không phải mẹ nào cũng biết cách để giúp con có giấc ngủ trưa an toàn, phù hợp. Dưới đây là một số việc mẹ có thể thực hiện để chăm sóc giấc ngủ trưa của con:
- Thời gian ngủ của bé buổi trưa thường là sau khi ăn trưa tầm 30 – 45 phút, không nên để bé ngủ muộn quá như lệch về chiều vì như thế giấc ngủ tối sẽ bị ảnh hưởng.
- Giữ không gian tốt nhất cho con, hạn chế tiếng ồn, giảm ánh sáng cũng như tiếp xúc với mọi người xung quanh, nhiệt độ tốt nhất cho giấc ngủ của con là 24 – 28 độ C
- Nếu con chưa buồn ngủ, đừng nên quá ép buộc, hãy để cho con thích nghi dần dần bằng cách điều chỉnh môi trường xung quanh, mát – xa nhẹ nhàng để con tự chìm vào giấc ngủ. Không nên đung đưa nôi hoặc ôm bé trên tay ru ngủ vì như thế vừa tạo thói quen xấu vừa có thể ảnh hưởng đến não bộ của con.
- Tư thế ngủ không nên nằm sấp vì ảnh hưởng đến hô hấp của con
- Khi con ngủ đã lâu muốn đánh thức bé dậy cũng cần phải có quy trình, không nên làm con dậy gấp ngay lập tức sẽ khiến bé hoảng sợ hoặc hụt hẫng rất có hại cho não bộ. Mẹ có thể điều chỉnh tăng ánh sáng, vuốt ve và nói chuyện với con
Mẹ không để con ngủ trưa ở tư thế nằm sấp vì có thể ảnh hưởng đến hô hấp
Như vậy, với những tư vấn ở trên thắc mắc ngủ trưa nhiều có tốt không của mẹ Đỗ Thương đã được giải đáp. Với bé 2 tuổi, ngủ trưa khoảng 2,5 giờ là đang ở mức bình thường mẹ không cần phải lo lắng quá. Hi vọng với những kiến thức này mẹ có thể chăm sóc bé tốt hơn. Nếu các mẹ còn bất kỳ thắc mắc nào thì đừng ngại gửi câu hỏi về hòm thư tư vấn của chúng tôi.
>>> Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Trước khi ngủ nên cho bé ăn gì?