Hầu hết cha mẹ rất khó phát hiện ra chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em. Chẳng có người mẹ nào muốn nhìn thấy con mình vật lộn với giấc ngủ mỗi đêm. Tuy nhiên, việc mẹ để ý đến giấc ngủ của con sẽ giúp phát hiện ra chứng rối loạn giấc ngủ sớm và ngăn ngừa nguy cơ xấu đến từ những rối loạn về giấc ngủ.
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em liên quan mật thiết với thời gian ngủ tiêu chuẩn
Một trong những chìa khóa quan trọng nhất của việc tìm hiểu làm thế nào để xác định những rắc rối về giấc ngủ ở trẻ là: Biết rõ thời gian ngủ tiêu chuẩn đối với lứa tuổi của bé.
- 1-4 tuần tuổi: Trẻ sơ sinh ngủ khoảng 16-17 giờ mỗi ngày với thời gian thức giấc kéo dài 1-3 giờ. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh chưa phát triển chu kỳ giấc ngủ ngày-đêm, vì vậy thời gian ngủ và thức có thể thay đổi theo tất cả các giờ trong ngày.
- 1-4 tháng tuổi: Trẻ vẫn có xu hướng ngủ nhiều, nhưng chu kỳ ngủ ngày-đêm của chúng bắt đầu khởi động. Trẻ ngủ lâu hơn vào ban đêm mặc dù vẫn thức dậy để bú mẹ.
- 4 tháng-1 tuổi: Trẻ ở độ tuổi này vẫn cần ngủ từ 14-15 giờ mỗi ngày. Đa số, các bé đã có thể ngủ suốt đêm và ngủ tối đa 3 giấc vào ban ngày. Trong giai đoạn này, bắt đầu thiết lập thói quen ngủ lành mạnh là điều thực sự cần thiết.
- 1-3 tuổi: Trẻ mới biết đi cần khoảng 12-14 giờ ngủ, bé ngủ trưa sớm và có xu hướng chỉ ngủ một giấc mỗi ngày.
- 3-6 tuổi: Bé ngủ khoảng 11-12 giờ. Những trẻ nhỏ vẫn có thể cần một giấc ngủ ngắn trong ngày, nhưng nhu cầu ngủ trưa thường giảm dần khi trẻ bắt đầu vào lớp một.
- 7-12 tuổi: Trẻ ở lứa tuổi này có xu hướng cần khoảng 10-12 giờ ngủ đêm.
- 13-16 tuổi: Thanh thiếu niên ở độ tuổi này cần khoảng 8-10 giờ ngủ, nhưng hiếm khi ngủ đủ thời gian tiêu chuẩn này.
Trẻ có nhu cầu ngủ khác nhau với từng độ tuổi
Những dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ở trẻ em
Buồn ngủ ban ngày quá mức
Một trong những triệu chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất không chỉ ở trẻ em mà còn với người lớn, đó là luôn cảm thấy buồn ngủ và ngủ rất nhiều vào ban ngày. Không có gì lạ khi thỉnh thoảng, trẻ cảm thấy quá mệt mỏi và muốn ngủ, mặc thời điểm này có vẻ không phù hợp cho một giấc ngủ cho lắm.
Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên buồn ngủ, ngủ trưa ở độ tuổi mà hầu hết trẻ không ngủ trưa, khó thức dậy vào buổi sáng thì điều này có thể liên quan đến chứng rối loạn giấc ngủ ngay cả khi có vẻ như bé vẫn ngủ đủ giấc vào ban đêm. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em với biểu hiện này thường đi kèm với triệu chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn, chứng ngủ rũ và hội chứng chân không yên.
Trẻ khó ngủ
Tình trạng khó ngủ là dấu hiệu mẹ dễ dàng nhận ra nhất nếu bé mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ. Bé thường khó chịu, không thể vào giấc, hay vặn mình, thậm chí là cáu gắt, quấy khóc đêm hoặc thường thức dậy sớm hơn bình thường,…
Bé khó ngủ sẽ quấy khóc rất nhiều
Mất ngủ ở trẻ em có thể gây ra bởi nhiều yếu tố bao gồm: Căng thẳng (khó khăn với việc học ở trường, thay đổi chỗ ở thường xuyên,…), đau đớn (bé mọc răng, bị đau bụng, ngạt mũi,…) hoặc rối loạn tâm thần. Trẻ mất ngủ kéo dài rất dễ mắc phải rối loạn giấc ngủ.
Bé ngáy ngủ
Ngáy một biểu hiện không có hại vì nó chỉ là âm thanh gây ra bởi các rung động ở đường hô hấp trên. Tuy nhiên, các rung động này có thể được tạo ra bởi sự tắc nghẽn, không khí không đến được phổi một cách hiệu quả, điều này có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ ngáy ngủ đó là: Nhiễm trùng đường hô hấp, nghẹt mũi, viêm sưng họng. Có đến 3% trẻ em bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Trẻ gặp ác mộng
Ác mộng là những giấc mơ đáng sợ xảy ra trong giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) và có thể đánh thức trẻ tỉnh dậy với cảm giác bị đe dọa và sợ hãi, khiến việc ngủ trở lại khó khăn hơn. Cơn ác mộng thỉnh thoảng khá phổ biến ở trẻ em bắt đầu khoảng 3 tuổi và có thể xảy ra thường xuyên hơn trong độ tuổi 6-10. Thông thường tần suất của những cơn ác mộng bắt đầu giảm dần sau 10 tuổi.
Bé thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc khó ngủ trở lại gây ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ
Gặp ác mộng thường xuyên có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ ở trẻ em. Bé khó để tiếp tục giấc ngủ có thể không ngủ đủ thời gian tiêu chuẩn và cũng dẫn đến buồn ngủ quá mức vào ban ngày.
Bé gặp phải chứng kinh hoàng ban đêm
Có thể mẹ đã từng nhìn thấy ở trẻ những dấu hiệu kinh hoàng như bị “khủng bố đêm”, khác với những cơn ác mộng, trẻ không hoàn toàn tỉnh dậy khỏi giấc ngủ. Sự “khủng bố đêm” không đáng sợ với trẻ như những cơn ác mộng, nhưng cha mẹ có thể cảm thấy lo lắng và đáng sợ khi chứng kiến. Dấu hiệu này thường kéo dài dưới 5 phút và có sự liên quan đến hệ thần kinh trung ương chưa trưởng thành của bé.
Các dấu hiệu thể chất có thể xuất hiện bao gồm: Đổ mồ hôi, thở nhanh, tăng nhịp tim, mắt có thể mở to (mặc dù trẻ đang ngủ) và căng cơ. Tốt nhất là mẹ không nên cố gắng đánh thức trẻ tỉnh giấc vì điều đó có thể cực kỳ đáng sợ đối với trẻ. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp trẻ sẽ đột nhiên ngồi dậy và la hét hoặc khóc lóc.
Bé bị mộng du
Hiện tượng mộng du rất phổ biến với khoảng 30% trẻ em trong độ tuổi từ 3 – 7 tuổi. Bé mộng du có thể rời khỏi giường vào giữa đêm trong khi vẫn còn ngủ, nhưng mắt có thể mở và lầm bầm những câu nói khó hiểu khi bước đi. Mộng du kéo dài từ 5-15 phút nhưng đôi khi lâu hơn tùy từng trẻ.
Bé mộng du dễ gặp nguy hiểm
Bé mộng du có thể gặp nguy hiểm nếu đi xuống cầu thang, hoặc ra khỏi nhà. Nếu mẹ phát hiện ra bé mắc chứng mộng du thì hãy cố gắng tạo ra một môi trường an toàn nhất cho con để có thể tránh các chấn thương. Việc đánh thức trẻ mộng du là không nên làm vì nó có thể gây sợ hãi và nhầm lẫn ở trẻ.
Mẹ nên làm gì với tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em?
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ em có thể không chỉ dẫn đến việc trẻ mệt mỏi và quấy khóc, chậm phát triển mà còn dẫn đến tất cả các loại vấn đề hành vi ở nhà, ở trường và trong cuộc sống xã hội của bé.
Phần lớn những trẻ bị rối loạn giấc ngủ có thể được điều trị nhằm cải thiện mức độ nghiêm trọng khác nhau. Điều quan trọng là cha mẹ nhận ra các dấu hiệu để có cơ hội cho con điều trị các nguyên nhân cơ bản, thay vì chỉ điều trị các triệu chứng.
Nếu mẹ nghĩ rằng bé con của mẹ có thể bị rối loạn giấc ngủ, bước đầu tiên là thông báo cho bác sĩ nhi khoa về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến giấc ngủ mà bé đang gặp phải. Từ đó, mẹ có thể thấy rằng các vấn đề này có thể biến mất nhanh chóng khi việc điều trị được tiến hành.
Giấc ngủ rất quan trọng với mỗi người và đặc biệt là trẻ em, vì thế mẹ hãy chú ý đến biểu hiện của con nhiều hơn để có thể sớm ngăn chặn được những ảnh hưởng không đáng có, mẹ nhé!
>>> Xem thêm: Bé bị rối loạn giấc ngủ khám ở đâu?