Các nhà khoa học đã khẳng định rằng thời gian và chất lượng của giấc ngủ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trí não, nhất là với trẻ trong những tháng đầu đời. Do đó, hiểu được vai trò của giấc ngủ và sắp xếp thời gian ngủ hợp lý sẽ đảm bảo sự phát triển của trẻ một cách tốt nhất.
Mẹ có từng thắc mắc tại sao cơ thể chúng ta khi thiếu ngủ lại sinh ra biểu hiện mất tập trung, mệt mỏi, khó chịu? Thật ra đó là do não của chúng ta không có đủ năng lượng để hoạt động, khiến chúng ta cảm thấy uể oải, không có sức sống. Với trẻ em cũng vậy, thậm chí trẻ còn cần thời gian ngủ nhiều hơn người lớn nên trẻ cần những giấc ngủ trọn vẹn hơn tất cả. Vậy liệu mẹ có thể tự trả lời ảnh hưởng của giấc ngủ tới sự phát triển của trẻ là gì?
Vai trò của giấc ngủ đối với sự phát triển của trẻ
Với trẻ em, vai trò của giấc ngủ cũng quan trọng như nhu cầu ăn uống hàng ngày. Một giấc ngủ đủ và sâu là yếu tố quyết định đến sự phát triển toàn diện về thể chất và tâm thần, vận động. Nếu trẻ bị thiếu ngủ thời gian dài sẽ khiến tinh thần của con không được thoải mái và minh mẫn, thường xuyên quấy khóc vào ban đêm, không tập trung, căng thẳng, mệt mỏi. Nặng hơn nữa là trẻ sẽ bị kém phát triển hơn so với trẻ cùng chang lứa, bị hạn chế về mặt trí tuệ, sự hoạt bát và khả năng học tập.
Tuy vậy, nhiều cha mẹ Việt vẫn không quan tâm đến điều này và để lịch trình giấc ngủ của trẻ đi theo hướng phản khoa học: trẻ có thể ngủ muộn và dậy muộn chỉ cần trẻ thích. Mẹ cần sửa ngay thói quen này và rèn cho trẻ thói quen sinh hoạt quy củ theo giờ giấc cố định. Ngoài ra, mẹ cũng cần dùng hành động và lời nói để giáo dục cho trẻ hiểu rằng một giấc ngủ không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe về sau.
Với trẻ em, vai trò của giấc ngủ cũng quan trọng như nhu cầu ăn uống hàng ngày
Các nhà khoa học đã khẳng định: khi ngủ cơ thể trẻ tiết ra hormon tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. Sau khi chìm vào giấc ngủ khoảng 1 tiếng, lượng hormon này sẽ tiết ra nhiều nhất, cụ thể là từ 22 giờ đến 1 giờ. Vậy nên, nếu trẻ ngủ quá muộn sẽ bỏ lỡ mất quãng thời gian tăng trưởng nhiều nhất trong ngày, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ xương sau này.
Ngủ cũng là thời gian để hệ thần kinh trung ương được nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng sau một ngày dài hoạt động vất vả. Việc có một giấc ngủ sâu sẽ giúp tăng cường khả năng ghi nhớ, sự tập trung trong học tập của trẻ.
Ngoài ra, giấc ngủ trong 3 năm đầu đời có mối liên hệ mật thiết với não bộ nói riêng và sự phát triển của trẻ nói chung. Nó giúp cân bằng quá trình tiết ra của một số loại hormon, trong đó có cả hormon kiểm soát sự thèm ăn. Do đó, một đêm khó ngủ, trằn trọc còn làm kích thích sự thèm ăn, tăng khả năng thừa cân, béo phì ở trẻ.
Ngủ ngon còn giúp hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn, cơ thể có thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn gây ra, hạn chế ốm vặt.
Nhu cầu về giấc ngủ đối với mỗi lứa tuổi
Ở mỗi độ tuổi lại có nhu cầu về giấc ngủ khác nhau để phục vụ cho sự phát triển của trẻ. Dưới đây là bảng nhu cầu giấc ngủ của trẻ theo từng tháng tuổi mà mẹ có thể tham khảo để đưa ra lịch sinh hoạt phù hợp cho bé.
Bảng nhu cầu giấc ngủ của trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi
Nói chung, một giấc ngủ đúng và đủ là thực sự cần thiết với tất cả mọi người, dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Nhưng đối với trẻ em, nếu không tuân thủ theo một giấc ngủ khoa học và lành mạnh thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ sau này. Do đó, mẹ cần hết sức lưu ý trong việc chăm sóc giấc ngủ cho con, vì một tương lai trẻ lớn lên khỏe mạnh và toàn diện.