Mọc răng có thể coi là một thời kỳ khó khăn với nhiều trẻ. Sự hình thành và xuất hiện của những chiếc răng sữa thường khiến trẻ bỏ bú quấy khóc, thậm chí là khó ngủ vì đau đớn và mệt mỏi. Phải làm gì khi chỉ có vài ngày bé ăn ngủ không tốt dẫn đến kiệt sức và giảm sút cân nặng?
Có những bé, chuyện mọc răng sữa diễn ra nhẹ nhàng và dường như chẳng có vấn đề gì. Thế nhưng với nhiều bé khác, kể cả cha mẹ – những người trực tiếp chăm sóc bé thì quá trình mọc răng giống như một cơn ác mộng. Đôi khi cha mẹ không hiểu sao bé cứ khóc lóc dai dẳng không thể dỗ cho đến khi chiếc răng chồi lên khỏi lợi. Đây là một giai đoạn phát triển bình thường, em bé nào cũng sẽ mọc răng. Tuy nhiên, những chiếc răng này có thể đi cùng với nỗi đau, sốt. Do đó, trẻ bỏ bú quấy khóc, cáu gắt khó ngủ và hệ quả lớn có thể là sút cân, rối loạn giấc ngủ.
Sự khó khăn của cha mẹ nằm ở chỗ khó phát hiện bé mọc răng với những dấu hiệu mơ hồ như chảy nước dãi, quấy khóc, khó ngủ, sốt, mệt mỏi,… và chưa thể nắm được kỹ năng chăm bé trong giai đoạn phát triển này. Đừng để trẻ ăn không ngon, ngủ không yên kéo dài trong nhiều ngày liên tục. Chỉ bằng những biện pháp điều chỉnh và khắc phục đơn giản, mẹ có thể giúp cả nhà thoát cảnh căng thẳng, mệt mỏi chỉ vì mấy chiếc răng sữa của bé.
Mẹ có thể giúp bé vượt qua cơn đau mọc răng bằng nhiều cách đơn giản
Giảm đau nướu để cải thiện tình trạng trẻ bỏ bú quấy khóc do mọc răng
Cơn đau nướu và sốt tùy mức độ sẽ khiến trẻ bỏ bú quấy khóc, khó ngủ. Vì thế để cải thiện được tình trạng này thì việc cần thiết là tìm cách giảm đau, hạ sốt cho bé. Mọc răng là một quá trình kéo dài, mẹ chỉ cần nhớ một vài cách dưới đây để áp dụng mỗi khi bé mọc răng:
- Làm phân tán tư tưởng của bé: Khi bé bị đau, mẹ có thể thay đổi môi trường và để bé tham gia các hoạt động khác nhau giúp bé tạm quên đi cơn đau của mình. Một số hoạt động có tác dụng trong trường hợp này có thể là tắm cho bé, dụ bé chơi trò chơi, đi công viên,…
- Giảm đau bằng nhiệt độ lạnh: Nhiệt độ lạnh có thể làm giảm sưng đau nướu nhờ khả năng “gây tê”. Thêm vào đó, bé mọc răng có thể bị “ngứa răng” và rất thích cắn đồ vật. Ý tưởng cho bé cầm và gặm miếng rau, quả mát lạnh có thể làm giảm cơn đau nướu. Mẹ cũng có thể dùng chiếc khăn mềm ướp lạnh để bé cắn.
- Dùng thuốc hạ sốt, giảm đau: Nếu bé sốt cao, đau đớn, bỏ ăn và quấy khóc không ngủ được, mẹ có thể cân nhắc việc dùng thuốc hạ sốt, giảm đau cho bé. Tuy nhiên, mẹ cần hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi cho bé sử dụng loại thuốc này để tránh tác dụng không mong muốn. Thuốc hạ sốt, giảm đau thường được dùng cho trẻ là những biệt dược chứa thành phần paracetamol, ibuprofen. Ngoài loại thuốc này, thuốc làm giảm đau nướu với tác dụng làm tê được bôi trực tiếp vào nướu của bé cũng có thể được sử dụng. Tuy nhiên, hiệu quả không cao vì bé rất dễ nuốt lượng thuốc được bôi trong miệng.
Khả năng chịu đau của các bé là khác nhau, bé có thể tự điều chỉnh và vượt qua nó dù gặp một chút khó khăn. Chính vì thế, mẹ hãy cố gắng thấu hiểu bé để biết được biện pháp giảm đau nào là thích hợp với bé con của mình.
>>> Xem thêm: Mẹ căng thẳng vì trẻ sơ sinh quấy khóc nhiều hơn?
Trẻ bỏ bú quấy khóc do mọc răng cần một số điều chỉnh trong giấc ngủ
Đi kèm với trẻ bỏ bú quấy khóc do mọc răng thường là những đêm trằn trọc khó ngủ, ngủ không yên giấc. Ngoài việc làm giảm đau nướu, hạ sốt để cơ thể bớt mệt mỏi, mẹ cũng cần chú ý đến việc điều chỉnh giấc ngủ của bé.
- Tạo sự thoải mái cho bé trước khi ngủ: Bé bị đau và khó chịu khi mọc răng sẽ càng có sự nhạy cảm cao hơn mức bình thường. Để tránh cơn cáu gắt của bé, mẹ nên chú ý nhiều hơn đến không gian nơi bé ngủ. Hãy đảm bảo chỗ ngủ của bé sạch sẽ, thông thoáng, có âm thanh, ánh sáng và nhiệt độ thích hợp giữa ban ngày và ban đêm. Bé cần được ăn đủ no để không bị thức giấc nhiều khi ngủ.
- Linh hoạt với những thói quen thường nhật: Mẹ hãy cố gắng giữ những thói quen cơ bản của bé trong quá trình mọc răng. Vì bé sẽ mọc răng nhiều lần trong suốt một thời gian dài, nếu thói quen tốt của bé bị phá vỡ thì rất khó để bé ăn-ngủ ngoan như cũ được. Tùy vào thói quen và độ tuổi của bé, mẹ hãy linh hoạt để chu kỳ ăn-chơi-ngủ của bé không bị thay đổi một cách khác biệt.
- Tránh tạo ra thói quen xấu: Tìm cách để bé ngủ ngon hơn không phải là việc xấu. Tuy nhiên, không thể vì giúp bé ngủ mà cha mẹ có thể thực hiện bằng mọi cách, bao gồm cả việc có thể hình thành nên thói quen xấu cho giấc ngủ của bé. Đó là những hành động như: Vỗ cho đến khi bé ngủ say trên tay, cho bé ngậm núm vú giả suốt đêm,… Hãy giảm bớt số lần áp dụng những cách này và ngừng hoàn toàn nó khi dỗ bé ngủ.
Mẹ đừng lo lắng quá nhiều vì trẻ bỏ bú quấy khóc và khó ngủ. Với những thông tin trong bài viết này, mẹ có thể giúp bé trải qua thời kỳ mọc răng nhẹ nhàng và không còn là nỗi ám ảnh chỉ bằng những cách đơn giản nhất!
>>> Xem thêm: Trẻ 1 tuổi ngủ không ngon giấc và ít ngủ mẹ phải làm sao?