Tình trạng trẻ còi xương trong những năm gần đây tại Việt Nam có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo một thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc gia, cứ 3 trẻ lại có 1 trẻ bị chứng còi xương. Chính vì vậy, chế độ ăn uống cho trẻ là vô cùng quan trọng, giúp hạn chế tình trạng còi xương ở trẻ. Mẹ hãy xem ngay 4 lưu ý được các chuyên gia đưa ra khi lên thực đơn dinh dưỡng cho con nhé.
Biểu hiện của trẻ bị còi xương mẹ nên biết
Theo các nhà khoa học, tình trạng còi xương là do mật độ canxi thấp, dẫn đến loạn dưỡng xương. Khi bé bị thiếu vitamin D sẽ dẫn đến giảm hấp thu và chuyển hóa 2 nguyên tố vi lượng là canxi và photpho, từ đó khiến bé bị còi xương. Thông thường, trẻ dưới 3 tuổi sẽ dễ bị thiếu canxi mà nguyên nhân chủ yếu là do môi trường sống của trẻ thiếu ánh nắng mặt trời, trẻ bị sinh non, thiếu cân, trẻ không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua nguồn sữa mẹ, bé hấp thu kém, bị suy dinh dưỡng…
Một số dấu hiệu cho thấy bé đang bị còi xương có thể kể đến bao gồm: Trẻ hay quấy khóc, ngủ không ngon, hay tỉnh dậy ngủ không yên giấc, trẻ ngủ giật mình, ra mồ hôi trộm, kết hợp với rụng tóc hình vành khăn, chậm mọc răng. Các kỹ năng của trẻ còi xương cũng phát triển chậm hơn trẻ bình thường, chẳng hạn như lẫy, tập bò, tập đứng, tập đi.
Trong trường hợp trẻ bị còi xương ở mức độ nặng sẽ có biểu hiện rõ rệt hơn, chẳng hạn như thóp rộng do sự biến đổi ở xương, trẻ có bướu ở trán, cấu trúc lồng ngực bị biến đổi, bé bị chân vòng kiềng khi đi lại.
Nhiều mẹ cho rằng trẻ bị còi xương thì đồng thời cũng bị thiếu cân. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, nhiều trẻ có cân nặng bình thường, thậm chí thừa cân vẫn có khả năng bị còi xương. Do vậy, mẹ hãy quan sát những biểu hiện của trẻ thật kỹ để biết được con có bị còi xương hay không và có biện pháp khắc phục sớm nhé.
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc mẹ cần bổ sung dưỡng chất gì?
Lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho trẻ còi xương
Tình trạng trẻ còi xương không chỉ xuất hiện ở những vùng mà người dân có thu nhập thấp hay trình độ dân trí thấp. Ngay cả khu vực đô thị, nơi điều kiện sống tốt hơn vẫn tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị còi xương. Nguyên nhân là do trẻ không được bú mẹ trong những năm tháng đầu đời, hoặc trẻ bú mẹ nhưng mẹ lại ăn uống không đủ chất, kiêng khem dẫn đến bé không được hấp thu đầy đủ lượng canxi cần thiết cho sự phát triển.
Do đó, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em bị còi xương đòi hỏi cha mẹ cần phải có kiến thức chính xác và biết cách chăm sóc cho trẻ em thật khoa học. Ngay sau đây là những lưu ý cho mẹ trong quá trình chăm sóc trẻ bị còi xương.
Đảm bảo dinh dưỡng cân đối cho trẻ
Một nguyên tắc khi cho con ăn là không nhồi nhét khiến con có cảm giác sợ ăn. Tạo cho bé niềm vui thích trong việc ăn uống, kể cả khi còn đang bú sữa. Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm đầy đủ các chất như chất đạm, chất béo, chất xơ, đường, tinh bột,…. Mẹ cần đảm bảo khẩu phần ăn của mình đầy đủ chất nếu đang cho con bú. Còn nếu bé đã chuyển sang giai đoạn ăn dặm thì cần nấu các món ăn dặm đa dạng cho con có chứa những dưỡng chất được liệt kê ở trên.
Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi cho trẻ
Một khuyến cáo của các chuyên gia đối với các bà mẹ chính là cố gắng nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ít nhất đến 6 tháng đầu tiên và tiếp tục cho con bú sữa mẹ cho đến khi được 2 tuổi. Bởi sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và kháng thể tốt nhất cho con. Đồng thời, sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp canxi dồi dào và cũng là nguồn thực phẩm giúp hấp thu canxi tốt nhất, chính vì thế nếu mẹ bị mất sữa hoặc không thể cho con bú mẹ thì nên thay thế bằng sữa công thức cho trẻ.
Khi trẻ đã qua giai đoạn bú sữa hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, mẹ hãy bổ sung cho trẻ nguồn thực phẩm đa dạng trong thực đơn ăn dặm của trẻ, đảm bảo đầy đủ các chất canxi, kẽm, sắt. Nguồn thực phẩm này thông thường có nguồn gốc động vật, chứa nhiều chất đạm như thịt bò, thịt gà, hàu, tôm, cua, sữa và các sản phẩm từ sữa… bởi thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân gây còi xương và chậm phát triển chiều cao, làm giảm sức đề kháng của trẻ.
Bên cạnh việc bổ sung các nguyên tố vi lượng kể trên, mẹ cần cho bé bổ sung đầy đủ vitamin D bằng cách cho trẻ tắm nắng và nên có dầu thực vật trong chế độ ăn để giúp tăng hấp thu vitamin D.
Một lưu ý nữa cho mẹ là cần phải cân đối chế độ ăn của trẻ theo từng giai đoạn phát triển, nhằm cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động và dưỡng chất nhằm phát triển trí não của trẻ, đồng thời giúp bé cảm thấy ngon miệng, không bỏ bữa.
Ngoài ra, những loại rau xanh và hoa quả tươi cũng giúp cung cấp nguồn canxi, kẽm, magie dồi dào cho trẻ. Có thể kể đến các loại đậu, rau lá xanh,… Vì thế, mẹ hãy cho con ăn đa dạng các loại rau, vừa giúp cung cấp chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa, vừa giúp con có đủ vitamin và các dưỡng chất nhé.
Bổ sung đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng cho trẻ
Một số chất dinh dưỡng bao gồm vitamin A, D, K, C, nhóm B,… và các chất khoáng như sắt, đồng, iot là không thể thiếu được cho sự phát triển của trẻ. Các vi chất này tuy không thể giúp trẻ có thêm năng lượng cho các hoạt động nhưng lại rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng này cơ thể của trẻ không thể tự tổng hợp được mà cần bổ sung qua đường uống, qua thực phẩm ăn vào hay thực phẩm chức năng. Do đó, mẹ chú ý bổ sung cho trẻ nữa nhé.
Mẹ nên hạn chế một số loại đồ ăn không có lợi cho trẻ
Một chế độ ăn uống lành mạnh là nhiều rau xanh và thực phẩm tươi. Do đó, mẹ nên hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán, các loại nước ngọt có gas, các loại bánh kẹo, chocolate,…
Mẹ có thể yên tâm là đối với trẻ bị còi xương, bé có thể khắc phục được 70 đến 80% tình trạng qua chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vì vậy, mẹ đừng bỏ lỡ những gợi ý kể trên trong chế độ ăn uống cho con nhé.
>>> Xem thêm: Thiếu Sắt và Vitamin D có là nguyên nhân khiến bé khó ngủ