Bé khó ngủ thường là chủ đề được nhắc đến trong những câu chuyện của các mẹ bỉm sữa. Rất nhiều mẹ tự hỏi “trẻ em khó ngủ thiếu chất gì?” nhưng lại mơ hồ chưa biết câu trả lời chính xác. Để hiểu rõ hơn về tình trạng dinh dưỡng của bé có liên quan đến giấc ngủ hay không, mẹ hãy tìm hiểu những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây nhé!
Giúp mẹ trả lời câu hỏi: Trẻ em khó ngủ thiếu chất gì?
Giấc ngủ của trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: môi trường ngủ, chế độ sinh hoạt, bệnh lý, tâm sinh lý qua các giai đoạn phát triển, chế độ dinh dưỡng,…
Vậy, về dinh dưỡng thì trẻ em khó ngủ thiếu chất gì? Trên thực tế, nếu bé có chế độ dinh dưỡng không hợp lý đều dễ khiến cơ thể suy giảm năng lượng, mệt mỏi và ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Tuy nhiên, cũng có một số chất có vai trò quan trọng với giấc ngủ khi cơ thể bị thiếu lâu dài sẽ làm trẻ khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc nhiều hơn bình thường, thậm chí có thể gây nên chứng rối loạn giấc ngủ.
Thiếu vitamin D
Khi trẻ không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên, vitamin D trong cơ thể bé ít được tổng hợp qua da và chỉ tồn tại một lượng thấp. Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy, khi mức độ vitamin D thất thường, bao gồm cả tình trạng thiếu hụt lẫn dư thừa quá mức đều có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Khi trẻ bị thiếu vitamin D, trẻ thường ngủ ít hơn vào ban đêm. Còn nếu cơ thể dư thừa loại vitamin này sẽ khiến bé cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn vào ban ngày, làm hỏng chu kỳ giấc ngủ của bé vào ban đêm.
Bé thiếu vitamin D có thể mắc chứng rối loạn giấc ngủ
Thiếu canxi
Vitamin D có vai trò giúp cơ thể hấp thu tốt canxi cho cơ thể. Vì thế, khi bé thiếu vitamin D cũng dễ dàng khiến cơ thể bị thiếu canxi – một vi chất tham gia vào quá trình dẫn truyền xung thần kinh. Ngoài việc không được tắm nắng thường xuyên, có một nguyên nhân khác khiến trẻ còn bú mẹ bị thiếu canxi là chế độ dinh dưỡng của mẹ chưa hợp lý và đủ chất. Cả mẹ đang cho con bú và bé đã có thể ăn dặm cần có một khẩu phần ăn giàu canxi và đa dạng các loại thực phẩm để tránh tình trạng thiếu chất.
Bé thiếu canxi không chỉ thường xuyên quấy khóc, khó ngủ, ngủ không sâu giấc mà còn chán ăn, bị rụng tóc, ra nhiều mồ hôi khi ngủ. Tình trạng thiếu canxi kéo dài có thể khiến bé gặp phải tình trạng chậm lớn, chậm phát triển chiều cao, chậm mọc răng,…
Thiếu magie
Magiê là vi chất tham gia vào quá trình điều hòa sản xuất melatonin – hoạt chất giúp cơ thể tạo nên chu kỳ thức-ngủ hợp lý. Thêm vào đó, magie cũng giúp làm tăng lượng chất GABA có tác dụng làm dịu thần kinh. Do đó, bé thiếu magie có khả năng khó ngủ và ngủ không ngon so với những trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất.
Khi đã biết rõ những vi chất mà cơ thể bé bị thiếu gây ra tình trạng khó ngủ thì mẹ sẽ có được cách giúp bé bổ sung đủ chất. Nhờ đó mà giấc ngủ của bé cũng được cải thiện.
>>> Xem thêm: Cách chữa trẻ khó ngủ về đêm hiệu quả tức thì mẹ đừng bỏ lỡ!
Trẻ em khó ngủ thiếu chất gì cũng có thể cải thiện bằng các giải pháp cực đơn giản
Khi đã trả lời được câu hỏi trẻ em khó ngủ thiếu chất gì, mẹ có thể dựa vào đó mà thay đổi thực đơn đầy đủ dưỡng chất, tăng cường bổ sung cho bé những chất bị thiếu. Đồng thời, mẹ giúp bé ngủ ngon hơn bằng một số thay đổi nhỏ khác, bé sẽ có lại giấc ngủ ngon trọn vẹn một cách dễ dàng. Mẹ có thể thử áp dụng những cách sau đây:
Có chế độ ăn uống hợp lý
Trẻ nhỏ cần chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu phát triển về cả thể chất và trí não. Ngoài 3 bữa ăn chính, bé cần 1 bữa ăn phụ. Mẹ hãy đảm bảo đa dạng các thực phẩm trong khẩu phần ăn của bé. Trừ trường hợp bé bị dị ứng thì không nên kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào.
Những thực phẩm chứa nhiều canxi mẹ nên bổ sung cho bé khó ngủ là: Các chế phẩm từ sữa, đậu nành, cá hồi, hải sản, rau súp lơ, đu đủ, cam,… Mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung canxi cho bé từ sản phẩm bổ sung. Việc đảm bảo đủ canxi sẽ giúp bé phát triển tốt, tránh được những ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của bé.
Tạo thói quen ngủ khoa học
Thói quen có vai trò rất quan trọng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhờ có sự hình thành thói quen tốt, bé sẽ nhận thức được việc mình cần làm và có nếp sống khoa học. Cha mẹ có thể thiết lập thói quen sinh hoạt và thói quen ngủ cho bé bằng thời gian biểu. Giấc ngủ của bé tùy theo từng giai đoạn phát triển thường không nên kéo dài vào ban ngày, bé nên được đi ngủ vào ban đêm.
Trước khi bé đi ngủ, cha mẹ có thể giúp tinh thần bé được thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ bằng cách: Tắm cho bé, thay đồ ngủ, đọc sách cho bé nghe, hát ru, nghe nhạc,… Hạn chế những thói quen xấu như: Xem tivi, xem hoạt hình, chơi game, vui đùa quá nhiều trước khi ngủ 1-2 giờ.
Tạo môi trường ngủ thoải mái
Trẻ sẽ khó ngủ nếu ở những nơi ồn ào, quá nóng hay quá lạnh. Chỗ ngủ của bé nên có ánh đèn dịu nhẹ, yên tĩnh, thông thoáng với nhiệt độ thích hợp khoảng 26-28 độ. Như vậy, bé sẽ cảm thấy dễ chịu và có thể đi vào giấc một cách nhanh chóng.
Làm giảm nỗi sợ hãi của bé
Trẻ nhỏ thường hay tưởng tượng và trí tưởng tượng của bé rất phong phú. Bé có thể cảm thấy sợ ma, sợ những nhân vật hoạt hình đã xem, sợ bóng tối,… Nếu mẹ ở cạnh bé để an ủi, giúp bé quên đi nỗi sợ hãi thì bé sẽ dễ ngủ hơn.
Với những thông tin trên, hi vọng thắc mắc “Trẻ em khó ngủ thiếu chất gì?” của mẹ đã được giải đáp. Thêm vào đó, mẹ có thêm một số cách khắc phục tình trạng khó ngủ được nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng để giúp giấc ngủ đến với bé dễ dàng và nhanh chóng hơn.
>>> Xem thêm: Bé nằm sấp có là lý do khiến trẻ trằn trọc khó ngủ