Có một em bé trong nhà là một sự kiện và niềm hạnh phúc của gia đình. Nhưng cha mẹ có thể sẽ phải đối mặt với một em bé hay quấy khóc, lịch trình ngày càng bận rộn với bé. Trẻ em khóc đêm khiến cha mẹ cạn kiệt sức lực để đối phó. Nhưng có nhiều cách khoa học để cha mẹ lựa chọn giúp bé ngủ ngoan thích hợp với từng trường hợp cụ thể.
Trẻ em khóc đêm là vì lý do gì?
Trên thực tế, số trẻ em khóc đêm không phải là một điều lạ lùng với cha mẹ. Nhưng điều gì lại khiến trẻ quấy khóc nhiều vào ban đêm? Tiếng khóc của bé là cách giao tiếp tạm thời khi bé chưa thể nói cho cha mẹ hiểu rằng bé đang gặp vấn đề gì đó. Thường thì trẻ em trong giai đoạn sơ sinh mới bắt đầu thích nghi với môi trường, cùng một hệ thống não bộ chưa phát triển hoàn thiện, trẻ sẽ rất dễ bị kích thích bởi bất kỳ yếu tố tác động nào. Vì thế, những bé sơ sinh rất hay quấy khóc đêm, nhưng bé sẽ thôi khóc và ngủ ngoan hơn khi lớn lên.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân phổ biến khác có thể khiến bé quấy khóc đêm, đó là:
- Bé bị đói: Trẻ có dạ dày nhỏ và cần cho ăn khá thường xuyên trong vài tháng đầu. Hầu hết các bé sẽ phải được cho ăn 2-3 giờ một lần, tương ứng với một giấc ngủ ngắn của bé. Nếu như bé đói, bé sẽ thức giấc và khóc để báo cho mẹ biết bé cần được ăn. Mẹ nên chú ý hành động bé muốn ăn là cho tay vào miệng để có thể đáp ứng nhu cầu của bé trước khi bé quá đói và phá vỡ bầu không khí yên tĩnh ban đêm bằng tiếng khóc hờn dỗi.
- Bé khó chịu: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dễ bị đầy bụng, khó tiêu do nuốt nhiều không khí khi bú hoặc vì mẹ cho bé bú không đúng kỹ thuật. Có thể bé đang trong giai đoạn mọc răng, bé bị đau hay sốt sẽ mệt mỏi và quấy khóc nhiều hơn. Một sự ẩm ướt, ồn ào, hay bé bị nóng, có cảm giác chật chội không thoải mái cũng khiến bé khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Bé khó chịu sẽ quấy khóc đêm nhiều
- Bé bị kích thích quá mức: Nếu bé nô đùa quá nhiều trước khi đi ngủ, hoặc bé đã bị làm cho sợ hãi khi gặp người lạ, bị giật mình,… sẽ làm cho bé bị quá khích. Cảm giác này có thể làm bé khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc và quấy khóc vì lo lắng, sợ hãi.
- Bé không khỏe: Nếu bé khóc nhiều hơn bình thường, mẹ hãy kiểm tra xem bé có triệu chứng nào khác như sốt, ho, nôn trớ, kém ăn, chậm tăng cân,… Nếu bé có dấu hiệu bất thường tương tự, mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ để xác định nguyên nhân khiến bé khóc đêm dai dẳng.
>>> Xem thêm: 7 lý do khiến bé hay khóc đêm mẹ cần biết
Làm dịu trẻ em khóc đêm bằng phương pháp Ferber
Nếu bé yêu thức dậy khóc vào ban đêm mặc dù mọi nhu cầu đã được đáp ứng, có khả năng bé đã biến việc quấy khóc thành thói quen. Mẹ nên lập cho bé một lịch trình ngủ đều đặn và dạy bé tự ngủ. Mục đích là bé có thể tự ngủ lại khi thức giấc giữa đêm. Không có độ tuổi cụ thể được khuyến cáo là nên bắt đầu đào tạo giấc ngủ, nhưng không khi nào là quá muộn để dạy bé cách ngủ độc lập. Có nhiều bé nhanh chóng thích ứng với lịch trình của mẹ đưa ra, cũng có những bé phải mất một khoảng thời gian để học được thói quen tốt cho giấc ngủ.
Mẹ tạo thói quen ngủ tốt cho bé sẽ bớt quấy khóc đêm
Một phương pháp đào tạo giấc ngủ hiệu quả cho bé là phương pháp Ferber. Phát minh bởi một Tiến sĩ, bác sĩ Richard Ferber, phương pháp này khuyên mẹ nên để bé khóc trong một thời gian ngắn trước khi mẹ đến trấn an bé. Bác sĩ Ferber cũng đã viết một cuốn sách về chủ đề này và nó có thể được áp dụng lý tưởng cho trẻ em khóc đêm từ sáu tháng tuổi trở lên. Phương pháp được đề xuất như sau:
- Nhẹ nhàng đặt bé vào cũi hoặc giường khi bé vô cùng buồn ngủ nhưng vẫn còn tỉnh.
- Nói lời yêu thương, hôn chúc ngủ ngon bé và ra khỏi phòng.
- Nếu bé khóc ngay khi không thấy mẹ ở cạnh, hãy đợi một lát trước khi vào với bé.
- An ủi bé bằng giọng nói dịu dàng và để ánh sáng ở mức thấp. Đừng bế bé ra khỏi cũi.
- Sau khi trấn an bé, mẹ lại rời khỏi phòng ngay cả khi bé vẫn khóc.
- Hãy lặp lại các bước này cho đến khi bé đi ngủ. Có thể điều này sẽ khiến mẹ cần đến nhiều cố gắng và sự kiên trì trước khi mẹ hoàn toàn thành công trong việc dạy bé ngủ độc lập.
- Mẹ cần kéo dài thời gian giữa mỗi lần đến an ủi bé, giúp bé con có thời gian bình tĩnh hơn và cố gắng ngủ.
- Nếu bé thức dậy vào ban đêm và quấy khóc, hãy lặp lại quá trình tương tự như khi mẹ dỗ bé ngủ.
Theo bác sĩ Ferber, khi thực hiện theo phương pháp này, bé sẽ có thể tự ngủ trong khoảng một tuần. Chỉ cần mẹ kiên định với kế hoạch của mình.
Trẻ em khóc đêm thường gây nhiều phiền toái cho cha mẹ và người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nếu cha mẹ có cách khắc phục thích hợp, bé sẽ ngủ ngoan và sâu giấc hơn cho đến tận khi trưởng thành.
>>> Xem thêm: 3 dấu hiệu rối loạn giấc ngủ ở trẻ sơ sinh