Theo các nhà khoa học, đa số trẻ mới sinh đều trải qua giai đoạn khóc đêm. Nguyên nhân có thể là do thay đổi sinh lý hoặc là bệnh lý. Điều quan trọng là mẹ phải nắm bắt được những dấu hiệu đi kèm để biết bé yêu đang gặp phải vấn đề gì để có thể bình tĩnh xử lý. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho câu hỏi trẻ hay khóc đêm phải làm sao?
Trẻ khóc đêm là gì?
Các bác sĩ Nhi khoa cho biết, ở đa số trẻ khóc đêm là một biểu hiện tâm lý tự nhiên do sự nhạy cảm của trẻ sơ sinh với các yêu tố tác động từ môi trường sống như: âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm,… Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và thường xuyên thì có thể là một vấn đề đáng lưu tâm đối với sức khỏe của trẻ.
Hiện tượng khóc đêm của trẻ sơ sinh còn gọi là “khóc dạ đề” (theo cách gọi dân gian), để nói về tình trạng khóc không rõ nguyên nhân vào chiều tối hoặc ban đêm của trẻ dưới 6 tháng tuổi, mỗi lần khóc kéo dài khoảng 2-3 tiếng đồng hồ. Trẻ có thể đang ngủ và giật mình khóc thét hoặc khóc từng đợt, nín rồi lại khóc. Vào ban ngày trẻ vẫn bú mẹ và ngủ bình thường.
Trẻ khóc đêm hay còn gọi là “khóc dạ đề” thường chỉ xảy ra ở trẻ dưới 6 tháng tuổi
Nguyên nhân khiến trẻ khóc đêm
Muốn trả lời cho câu hỏi trẻ hay khóc đêm phải làm sao? Mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc khóc đêm ở trẻ. Ngoại trừ nguyên nhân bệnh lý bị còi xương do thiếu canxi, có thể kể tới một số nguyên nhân phổ biến sau đây:
Do mọc răng
Khi được 4 tháng tuổi, trẻ bắt đầu mọc những chiếc răng sữa đầu tiên và hàm răng sẽ hoàn thiện cho đến khi trẻ được khoảng 2 tuổi.
Trẻ khóc đêm do mọc răng là do bị đau nướu, lúc này sẽ đi kèm với các dấu hiệu như: chảy nhiều nước dãi, nướu bị sưng đỏ hoặc là sốt nhẹ. Trường hợp này mẹ không cần quá lo lắng vì nó sẽ không kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Do đi vệ sinh
Ban đêm trẻ thường đi vệ sinh và ướt tã là chuyện bình thường. Mẹ nên thường xuyên chủ động kiểm tra xem bé có đang thấy bất tiện hay khó chịu vì tã bẩn hay không. Nếu bé khóc đêm vì tã ướt, hãy nhanh chóng thay tã mới để bé sớm trở lại với giấc ngủ.
Do tâm trạng của mẹ
Trẻ nhỏ rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi mọi cảm xúc từ mẹ. Nếu mẹ thường xuyên mang tâm trạng xấu như căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, tức giận,… sẽ khiến bé cảm nhận được và bị tác động theo. Những cảm xúc tiêu cực của mẹ cũng sẽ khiến bé cảm nhận được và thấy khó chịu.
Do nhiệt độ phòng
Nguyên nhân này ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ của trẻ. Mẹ nên để nhiệt độ phòng trong khoảng 27-30 độ C, không nên để quá nóng hoặc quá lạnh.
Nhiệt độ phòng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ
Trẻ bị dị ứng
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh và nhạy cảm, dễ bị kích ứng bởi các vật dụng hàng ngày như: quần áo, chăn, gối, đệm hay thú nhồi bông,… Vì thế mẹ cần vệ sinh đồ dùng của bé thường xuyên, đồng thời chọn các vật dụng có chất liệu mềm mại và an toàn với trẻ sơ sinh.
Không gian ngủ quá ồn
Trẻ hay khóc đêm phải làm sao? Hãy đảm bảo trẻ được ngủ trong một không gian yên tĩnh, tránh tuyệt đối các loại tiếng động làm bé thức giấc và quấy khóc.
Không khí quá khô
Phòng ngủ bật điều hòa cả ngày lẫn đêm không thể tránh khỏi việc không khí bị khô. Mẹ cần chuẩn bị một chiếc máy tạo độ ẩm để trong phòng nhằm đảm bảo hệ hô hấp của trẻ luôn được khỏe mạnh. Đồng thời cũng có thể bôi một chút kem dưỡng ẩm vào 2 đầu lỗ mũi của trẻ.
Rối loạn đường tiêu hóa
Khi mắc các chứng đầy hơi, trướng bụng, tiêu chảy, sống phân sẽ dễ khiến bé cảm thấy khó chịu và trằn trọc ngủ không yên, thậm chí sẽ quấy khóc nhiều lần trong một đêm. Đó như một sự cầu cứu mẹ rằng: bé đang cảm thấy rất khó chịu và hãy làm gì đó để chấm dứt tình trạng này.
Trẻ hay khóc đêm phải làm sao?
Dưới đây là những “tuyệt chiêu” trị trẻ hay khóc đêm dựa trên lời khuyên của các bác sĩ Nhi khoa và những mẹ bỉm đã có kinh nghiệm dỗ trẻ khóc đêm mà mẹ có thể tham khảo.
Dưới đây là một số cách giúp mẹ trị trẻ khóc đêm hiệu quả
Trẻ khóc đêm phải làm sao:
- Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc: Trẻ sơ sinh nên ngủ từ 15 – 18 tiếng một ngày. Sau một tháng mẹ nên rèn cho trẻ thói quen ngủ ngày ít, ngủ đêm nhiều để tạo thành giờ giấc ăn ngủ đúng giờ từ sớm, càng thuận tiện cho mẹ trong việc giáo dục giờ giấc sinh hoạt của trẻ về sau.
- Thường xuyên âu yếm, vỗ về trẻ: Mặc dù trẻ sơ sinh chưa biết nói chuyện, nhưng bé sẽ cảm nhận rất rõ sự gắn kết bằng lời nói và hành động của mẹ dành cho bé. Do đó, mẹ hãy thường xuyên âu yếm và chơi đùa với trẻ để trẻ cảm thấy mình luôn có mẹ ở bên. Ban đêm, khi trẻ tỉnh giấc và quấy khóc, mẹ cũng cần đến bên để vỗ về, an ủi để trẻ sớm trở lại với giấc ngủ.
- Cho trẻ bú khi đói: Cữ bú của trẻ sơ sinh khá dày và liên tục, vì vậy trẻ không thể ngủ một mạch tới sáng mà không cần ăn. Đêm đến thỉnh thoảng trẻ sẽ tỉnh giấc và tìm sữa mẹ. lúc này mẹ hãy cố gắng đáp ứng cho bé luôn.
- Chú ý thay tã khi ướt: Một chiếc tã khô thoáng và sạch sẽ là điều đặc biệt cần thiết để trẻ có thể duy trì một giấc ngủ trọn vẹn. Vậy nên mẹ hãy kiểm tra tã của bé thường xuyên để biết rằng bé đang được ngủ trong điều kiện thoải mái nhất.
- Đảm bảo một môi trường ngủ tốt: Hãy chắc chắn rằng phòng ngủ của bé luôn sạch sẽ, thoáng mát. Một nơi ngủ yên tĩnh, tránh ánh sáng, tiếng ồn và có độ ẩm không khí vừa phải sẽ giúp giấc ngủ của bé trọn vẹn hơn.
- Thực đơn ăn uống giàu dinh dưỡng: Trẻ sơ sinh có nhu cầu canxi khá cao, mà nguồn thực phẩm duy nhất để hấp thu canxi của trẻ lại là sữa mẹ. Do đó mẹ cần bổ sung các nguồn thực phẩm đa dạng, tránh để xảy ra tình trạng trẻ khóc đêm do thiếu canxi.
Trên đây là những thông tin cần thiết cho mẹ đối với câu hỏi trẻ hay khóc đêm phải làm sao? Mong rằng với những nguyên nhân và giải pháp cho chứng khóc đêm của trẻ sơ sinh sẽ giúp mẹ sớm đem lại giấc ngủ trọn vẹn cho bé yêu của mình.
>>> Xem thêm: Trẻ khóc đêm, khó ngủ có khi nào là do thiếu canxi