Mẹ Linh Nga (Hải Phòng) hỏi: Bé nhà em được 3 tháng, ban ngày thì ngủ rất ngon nhưng cứ đến đêm lại khó chịu, vặn mình liên tục và ngủ không sâu giấc. Em rất lo lắng vì sợ tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng trẻ hay vặn mình hiệu quả nhất? Rất mong nhận được lời tư vấn của chuyên gia. Em cảm ơn.
Trả lời:
Mẹ Linh Nga thân mến,
Cảm ơn mẹ đã gửi câu hỏi về hòm thư tư vấn của webmebe, để giúp mẹ giải đáp thắc mắc làm thế nào khắc phục được tình trạng trẻ hay vặn mình, chuyên gia có một số lời khuyên như sau:
Vặn mình là biểu hiện thường thấy của trẻ trong những tháng đầu sau khi sinh, lý giải vì sao có hiện tượng này các chuyên gia cho rằng, do trẻ sơ sinh chưa quen với điều kiện, môi trường sống bên ngoài, mặt khác do tế bào thần kinh chưa biệt hóa, vỏ não chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ dễ bị kích thích thường có xu hướng múa vờn, vận động chân tay liên tục, đó là lý do vì sao trẻ hay vặn mình.
Ngoài ra, vặn mình ở trẻ cũng có thể do một số yếu tố sinh lý hoặc trẻ đang gặp vấn đề về bệnh lý, mẹ cần theo dõi cụ thể tình trạng của con để phát hiện kịp thời. Dưới đây là một số yếu tố gây ra vặn mình ở trẻ mà mẹ Linh Nga có thể tham khảo:
Trẻ bị đói hoặc quá no: Dạ dày của trẻ sơ sinh từ 0 cho đến vài tháng tuổi rất nhỏ, vì vậy mẹ cần thường xuyên cho bé bú đủ các cữ để đáp ứng nhu cầu, nếu để bé bị đói hoặc quá no sẽ khiến con khó chịu, gây mất ngủ, khó ngủ và vặn mình thường xuyên.
Môi trường ngủ không phù hợp: Nếu phòng ngủ kín hơi, không thoáng mát, không đảm bảo yếu tố về vệ sinh, bị tác động bởi tiếng ồn bên ngoài và nhiệt độ phòng không phù hợp sẽ khiến trẻ dễ bị giật mình, vặn mình do không thoải mái, bé sẽ trằn trọc, khó ngủ và ngủ không sâu giấc.
Cách chăm sóc của mẹ chưa đúng: Lựa chọn quần áo cho con không phù hợp, để tã/bỉm của trẻ bị ướt hoặc bẩn, quấn cho con quá chật,…sẽ khiến trẻ khó chịu, thường xuyên vặn mình, rướn người và gồng mình.
Phản ứng khi có nhu cầu vệ sinh: Vặn mình cũng là một trong những biểu hiện khi trẻ muốn rặn tiểu hay đại tiện, đây là do hậu môn và cơ vòng bàng quang của bé chưa phát triển hoàn thiện như người lớn.
Mẹ Linh Nga thân mến, ngoài những yếu tố sinh lý thì trẻ hay vặn mình kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, hay ốm, người mệt mỏi, chậm tăng cân và phát triển chiều cao,…thì mẹ cần lưu ý đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể tình trạng, tránh để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Trẻ hay vặn mình ngủ không sâu giấc là nỗi lo lắng của rất nhiều mẹ bỉm sữa
Với những trẻ hay vặn mình do yếu tố sinh lý thì mẹ không cần quá lo lắng bởi đây là biểu hiện bình thường ở trẻ sơ sinh, để giúp con thoải mái và khắc phục hiện tượng này, mẹ có thể tham khảo một số biện pháp sau đây:
Tắm nắng thường xuyên là giải pháp an toàn nhất
Tắm nắng cho trẻ là việc làm được rất nhiều mẹ bỉm sữa áp dụng, đây là cách bổ sung vitamin D an toàn và hiệu quả nhất, không chỉ giúp cơ xương của bé chắc khỏe, tăng cường sức đề kháng mà còn giúp trẻ thích nghi với điều kiện môi trường bên ngoài tốt hơn.
Theo lời khuyên của chuyên gia mẹ nên cho trẻ tắm nắng vào buổi sớm, thời gian là từ 7h, lúc này ánh sáng dịu, cơ thể trẻ sẽ hấp thụ được lượng vitamin tốt nhất.
Lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của mẹ
Đối với những trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn, chế độ dinh dưỡng cho mẹ rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa cung cấp cho con. Vì vậy, mẹ nên bổ sung thêm vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm giàu vitamin, protein, canxi, kẽm, magie,…để giúp con luôn khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.
Thay đổi chế độ chăm sóc trẻ
Mẹ nên tạo môi trường ngủ thoải mái nhất cho con, đảm bảo phòng ngủ thoáng mát, thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, không bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên để nhiệt độ phòng ở mức tiêu chuẩn từ 26 – 28 độ, phù hợp với thân nhiệt của bé, đảm bảo con không bị quá nóng hoặc quá lạnh.
Tạo cảm giác thư giãn, thoải mái nhất cho bé
Mẹ nên tạo lập thói quen trước khi ngủ cho trẻ, chẳng hạn như tắm nước nóng, massage cơ thể,…để giúp con thư giãn, thoải mái nhất và đạt được giấc ngủ sâu.
Với những thông tin vừa chia sẻ ở trên, hi vọng mẹ Linh Nga sẽ không còn lo lắng về vấn đề trẻ hay vặn mình và có giải pháp khắc phục cho con hiệu quả nhất. Chúc bé luôn khỏe mạnh, ăn ngon, ngủ tốt để phát triển toàn diện nhất.
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi có phải bị rối loạn tiêu hóa?