Nguyên nhân nào khiến trẻ ho khi ngủ đêm?
Trẻ ho khi ngủ một cách tồi tệ vào ban đêm không được coi là hiện tượng bình thường. Đặc biệt trong tư thế ngủ nằm úp mặt. Vào ban đêm, chất nhầy được tiết ra có thể gây kích thích cổ họng khiến bé ho để làm thông họng khỏi sự tắc nghẽn. Nhưng điều này không may làm bé tỉnh dậy và giấc ngủ đêm bị ngắt quãng, bé cũng có thể quấy khóc khiến cha mẹ căng thẳng, lo lắng. Tuy nhiên, điều mà cha mẹ thực sự phải lo lắng là khi bé thực sự mắc phải một bệnh lý sau mà ho khan vào ban đêm là một triệu chứng:
- Hen phế quản: Bé bị hen thường bị khó thở, ho khan. Nhất là khi nhiệt độ không khí giảm hoặc bé gặp phải tác nhân có thể gây kích ứng như khói thuốc lá, bụi, phấn hoa,…
- Viêm xoang: Nếu bé bị viêm xoang, chất dịch ứ đọng trong xoang có thể di chuyển xuống mặt sau cổ họng. Do đó, bé sẽ cảm thấy ngứa họng và muốn ho, thường gặp nhất là vào ban đêm.
Bé bị viêm xoang thường bị ho khan vào ban đêm
- Vấn đề tim mạch: Khi bé có hiện tượng mệt mỏi, mất nước, ho khan khi ngủ vào ban đêm và ban ngày thường khó thở khi nô đù, chạy nhảy quá nhiều, mẹ hãy đưa bé đến khám bác sĩ để sớm phát hiện tình trạng suy tim.
- Trào ngược dạ dày-thực quản: Tư thế ngủ không hợp lý là một trong những yếu tố làm bé bị ho khan, ợ nóng khi cơ thể đang bị trào ngược axit dạ dày-thực quản.
- Thiếu sắt: Trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu có thể gây ho khi ngủ. Thiếu sắt gây sưng nề và kích thích ở ngay phía sau cổ họng làm bé bị ho. Vì thế, mẹ cần chú ý hơn đến chế độ ăn uống của bé. Dinh dưỡng đầy đủ có thể giúp bé tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa một số bệnh không đáng có cho bé.
Trẻ ho về đêm là dấu hiệu mẹ không nên chủ quan. Có thể bé ho vì một nguyên nhân bất chợt nào đó rồi ngủ lại và không có vấn đề gì nghiêm trọng. Thế nhưng, đây cũng là dấu hiệu bệnh lý cần có sự chẩn đoán và chỉ định điều trị từ bác sĩ. Tùy vào mức độ biểu hiện của bé, mẹ hãy đưa ra hướng xử trí đúng đắn nhé.
Biện pháp giúp trẻ ho khi ngủ được cải thiện nhanh chóng
Bên cạnh việc kết hợp với bác sĩ thực hiện điều trị bệnh cho bé an toàn và hiệu quả, cha mẹ cũng có thể tham khảo một số cách nhằm cải thiện tình trạng trẻ ho khi ngủ một cách nhanh chóng.
Cách giảm ho do cảm lạnh
Nếu bé ho do cảm lạnh, ngạt mũi và bé bị thức nhiều đêm, có nhiều cách giúp bé thoải mái hơn. Cha mẹ nên làm sạch đường thở của bé bằng nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%), hoặc sử dụng máy hút mũi để giúp thông mũi cho bé dễ thở. Việc loại bỏ dịch nhầy trong mũi của bé làm hạn chế lượng dịch chảy xuống cổ họng gây kích ứng, khó chịu và dẫn đến phản xạ ho. Bé được súc miệng nước muối cũng có tác dụng làm giảm số vi khuẩn gây bệnh.
Làm ẩm phòng trong mùa khô hanh làm giảm bệnh đường hô hấp cho bé
Mẹ có thể cải thiện bầu không khí khô hanh bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng của trẻ. Không gian phòng thông thoáng, dễ chịu cho phép việc hít thở dễ dàng và đường hô hấp của bé khỏe mạnh hơn.
Các thuốc điều trị cảm lạnh, như thuốc giảm ho và thuốc làm thông mũi, chưa bao giờ được chứng minh là thực sự có tác dụng và có thể gây rủi ro cho trẻ dưới 2 tuổi. Do đó, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc cho bé để tránh nguy cơ quá liều và làm xuất hiện những tác dụng không mong muốn cho bé.
Xoa tinh dầu nóng vào gan bàn chân
Bé bị nhiễm lạnh sẽ bớt ho, người ấm hơn nếu được xoa một ít tinh dầu nóng vào gan bàn chân. Trước khi bé ngủ, mẹ hãy xoa tinh dầu vào gan bàn chân cho bé, đồng thời chà xát đến khi chân bé có cảm giác ấm lên. Tuy nhiên, mẹ cần chú ý da của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, không nên dùng tinh dầu nguyên chất để bôi xoa trực tiếp. Các loại tinh dầu mẹ có thể dùng là: tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu gừng,… được bán trong hiệu thuốc có ghi rõ là dùng được cho trẻ nhỏ.
Nếu thời tiết quá lạnh, mẹ nhớ giữ ấm cho bé bằng cách mặc nhiều lớp quần áo hay đắp chăn ấm, đi tất, đeo bao tay cho bé để phòng tránh cho bé bị nhiễm lạnh.
Kê cao gối khi trẻ ngủ
Tư thế gối cao đầu khi ngủ không chỉ có tác dụng trong trường hợp bé bị trào ngược dạ dày, bé ngạt mũi, mà còn trong trường hợp bé ngáy ngủ. Mẹ kê cao gối cho bé ngủ sẽ giúp đường thở của bé thông thoáng, ngăn chặn thức ăn trào ngược lên thực quản. Do đó, bé không bị kích thích gây ngứa cổ và bị ho nữa.
Trẻ ho khi ngủ cần được cha mẹ chú ý và có cách khắc phục sớm để đảm bảo giấc ngủ của cả gia đình được trọn vẹn, đảm bảo cho bé có được sức khỏe tốt nhất. Thông qua những thông tin trên, chúc mẹ nhanh chóng giúp bé hết ho và ngủ ngoan!