Hiện tượng sốt ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có thể rất đáng lo ngại. Trẻ ngủ đêm không ngon giấc và quấy khóc nhiều hơn bình thường. Hơn nữa, sốt cao sẽ dễ dẫn đến co giật ở trẻ. Tuy nhiên, nếu mẹ biết cách hạ sốt đúng cách thì bé sẽ không phải đối mặt với tình huống nguy hiểm.
Trẻ ngủ đêm không ngon giấc, hay cáu kỉnh, quấy khóc là một trong những dấu hiệu bị sốt
Sốt là gì? Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, nhiệt độ cơ thể bình thường của một em bé khỏe mạnh là từ 36,5-37,5 độ C. Nếu như nhiệt độ cơ thể của bé lên đến 38 độ C thì đồng nghĩa với việc bé đang gặp phải tình trạng sốt.
Ngoài dấu hiệu nóng lên của cơ thể, trẻ ngủ đêm không ngon giấc và cáu kỉnh, quấy khóc nhiều hơn bình thường là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất, thì bé còn có một số dấu hiệu sau: Bé trở nên mệt mỏi, buồn ngủ nhiều hơn nhưng chất lượng giấc ngủ kém hơn, thậm chí còn xuất hiện dấu hiệu nôn mửa, run rẩy, co giật và có thể đi kèm với một số triệu chứng bệnh lý riêng biệt (chán ăn, ho, đau tai, tiêu chảy,…).
Bé bị sốt sẽ ngủ không ngon giấc, mệt mỏi với thân nhiệt cao
Sốt là phản ứng bình thường chống lại các yếu tố tấn công khi cơ thể bị nhiễm trùng. Sốt có thể gây nguy hiểm, nhưng ngay cả những cơn co giật gây ra bởi sốt cao cũng không có bằng chứng làm tổn thương đến não bộ của trẻ. Tuy nhiên, riêng với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt từ 38 độ C trở lên thì mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho bé vì đây được coi là một tình trạng nguy hiểm. Mẹ cần chú ý, nhiệt độ của trẻ dưới 6 tháng tuổi được đo chính xác nhất bằng nhiệt kế trực tràng.
Cách hạ sốt tại nhà để thoát khỏi tình trạng trẻ ngủ đêm không ngon giấc, hay quấy khóc
Một số bệnh trẻ dễ mắc phải có thể làm xuất hiện phản ứng sốt, đó là: Viêm tai, viêm họng, bệnh sởi, phát ban, viêm phổi, viêm màng não,… Hoặc bé cũng có thể sốt do vấn đề không phải bệnh lý như mới tiêm phòng, bé mọc răng dẫn đến tình trạng trẻ ngủ đêm không ngon giấc.
Tiêm phòng cũng khiến bé dễ bị sốt, quấy khóc đêm, khó ngủ
Dưới những chỉ định điều trị bệnh lý gây sốt thì cơn sốt cũng giảm đi và bé sẽ khỏe trở lại. Tuy nhiên, cùng với việc điều trị nguyên nhân gây bệnh cho bé thì mẹ cũng cần làm giảm triệu chứng sốt cho bé để cải thiện tình trạng trẻ ngủ không ngon giấc, quấy khóc đêm. Nhờ đó bé sẽ đỡ mệt mỏi hơn. Để hạ sốt tại nhà cho bé, mẹ có thể áp dụng cách sau:
Chườm ấm
Việc chườm ấm có thể làm giảm thân nhiệt cho bé. Mẹ có thể dùng một chiếc khăn mềm nhúng vào nước ấm, vắt nhẹ. Mẹ bắt đầu lau từ 2 hõm nách của bé, phần bẹn, cho đến toàn thân. Mẹ cũng có thể cho bé vào bồn nước ấm để hạ thân nhiệt, ngâm mình trong nước cũng sẽ giúp bé cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng mẹ hãy đảm bảo bé được tắm trong phòng kín gió. Chườm ấm sẽ đem lại kết quả tốt, trong khi chườm lạnh có thể gây tác dụng ngược, mẹ cần chú ý nhé.
Chườm ấm có thể giúp hỗ trợ việc hạ sốt cho bé
Nới lỏng quần áo
Bé bị sốt không nên mặc quần áo dày và đắp chăn quá kín. Nhiều cha mẹ lo sợ bé có thể bị cảm lạnh nếu như mặc quần áo mỏng. Thế nhưng tùy vào điều kiện thời tiết và nhiệt độ phòng, mẹ hãy để bé mặc quần áo thoáng mát, không mặc quá chật và cho bé cảm giác bí bách sẽ bất lợi với cơn sốt của bé.
Uống đủ nước
Bé bị sốt có nguy cơ mất nước cao, do đó đảm bảo lượng nước cung cấp cho cơ thể bé là điều cần thiết. Mẹ hãy cho bé bú mẹ, pha sữa công thức hoặc cho bé uống nhiều nước để tránh tình trang mất nước. Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung thêm cho bé chất điện giải với hương vị dễ uống, đúng liều lượng tùy vào độ tuổi và cân nặng của bé. Việc bù nước và điện giải sẽ cung cấp năng lượng giúp bé giảm mệt mỏi, nhanh khỏe mạnh.
Dùng thuốc hạ sốt
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol hoặc ibuprofen.
Mẹ cần dùng thuốc cho bé khi cần thiết nhưng phải tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc
Cha mẹ có thể mua tại nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn về liều lượng được tính theo cân nặng và khoảng cách mỗi lần dùng thuốc hạ sốt cho bé. Điều này nhằm tránh việc lạm dụng thuốc dẫn đến quá liều. Cần nhắc lại một điều quan trọng cha mẹ cần nhớ, tuyệt đối không sử dụng thuốc hạ sốt cho bé dưới 3 tháng tuổi nếu chưa có ý kiến của bác sĩ.
Ăn uống đủ chất
Với những bé còn bú mẹ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của bé. Vì thế, mẹ cần giữ một chế độ ăn hợp lý, đủ chất để bé nhanh chóng phục hồi sức khỏe, có được miễn dịch tốt nhất.
Còn đối với những bé đã có thể ăn dặm, hay với những bé lớn hơn, mẹ hãy giúp bé có được một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa. Vitamin C từ cam, chanh cũng sẽ góp phần làm tăng sức đề kháng cho bé.
Đi kèm với việc hạ sốt bằng thuốc cho bé, mẹ cần theo dõi thân nhiệt của bé thường xuyên. Nếu việc hạ sốt tại nhà không khả quan và bé có những dấu hiệu nghiêm trọng như: Bé nôn trớ nhiều lần, bỏ ăn, ngủ li bì, sốt cao kéo dài hơn 3 ngày, hoặc có dấu hiệu mới xuất hiện,… Mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ nhi khoa để có thể tránh được những nguy cơ xấu nhất với sức khỏe của bé.
Bị sốt có thể khiến trẻ ngủ đêm không ngon giấc, quấy khóc nhiều hơn và làm cha mẹ thêm mệt mỏi, lo lắng. Nhưng với những thông tin trên, cha mẹ có thể giúp bé hạ sốt và ngủ ngoan trở lại. Và khi bé có những dấu hiệu cảnh báo thì cha mẹ đã biết phải xử trí như thế nào, hãy đến gặp bác sĩ thật sớm nhé!
>>> Xem thêm: Bé ngủ không ngon giấc vì mọc răng, mẹ phải làm sao?