Có phải trẻ quấy khóc không chịu bú là tình cảnh không có gì mới lạ với mẹ hay không? Có thể mẹ lo lắng không biết bé đang gặp phải vấn đề gì? Hay sữa mẹ mới là vấn đề khiến bé không chịu bú? Nếu mẹ vẫn đang hoang mang và chưa có cách nào làm bé bú trở lại, hãy tìm hiểu ngay những thông tin cần thiết trong bài viết này!.
Vì sao trẻ quấy khóc không chịu bú thường xuyên?
Có thể trẻ đã làm nỗi lo của mẹ lớn dần cùng với số lần trẻ quấy khóc không chịu bú dần tăng lên. Tuy nhiên, trẻ hờn dỗi, quấy khóc không chịu bú là hiện tượng phổ biến trong những tháng đầu đời. Dù rất khó để xác định rõ nguyên nhân, nhưng các chuyên gia cho rằng, bé quấy khóc là vì phải nhận quá nhiều những kích thích đến từ môi trường bên ngoài bụng mẹ. Đây là biểu hiện bình thường trong giai đoạn phát triển của bé, không liên quan đến vấn đề nguồn sữa của mẹ. Thời điểm bé hay quấy khóc không chịu bú là vào cữ bú buổi tối.
Bé sơ sinh thường quấy khóc không chịu bú vào buổi tối
Thực chất, khi một đứa trẻ khóc và không chịu ăn tuy là “bình thường” và “không đáng lo ngại” vì đó là “biểu hiện sinh lý” nhưng đứng trên cương vị là cha mẹ, đó là một mối quan tâm không thể bỏ qua. Đó cũng là một dấu hiệu để cha mẹ bắt đầu chú ý hơn đến bé. Nhờ vậy, khi bé không tăng cân, quấy khóc gây ảnh hưởng quá nhiều đến giấc ngủ, dinh dưỡng của bé thì cha mẹ có thể đưa bé đến gặp bác sĩ để có cách xử trí tránh những hậu quả nghiêm trọng khác có thể xảy ra.
Thế nhưng trong hầu hết các trường hợp, tất cả những gì mẹ cần làm rất đơn giản, đó là tìm cách xoa dịu trẻ và cho bé bú trở lại.
Những biện pháp dỗ trẻ quấy khóc không chịu bú hiệu quả
Dưới đây là một số phương pháp đã được rất nhiều mẹ bỉm sữa thử và cho thấy kết quả đáng mong đợi nhất, mẹ có thể tham khảo để bé nín khóc và bú sữa ngoan trở lại:
Tiếp xúc da kề da
Theo Leah Segura – Chuyên gia tư vấn cho con bú tại Michigan (Mỹ): “Việc mẹ dành thời gian kề da của mẹ và bé với nhau là một cách giúp làm dịu cơn quấy khóc của bé. Tiếp xúc da kề da trước khi cho bé ăn có thể điều hòa nhịp thở, nhịp tim, kích hoạt bản năng sơ cấp nhất của bé là việc tìm ăn. Thậm chí, sự tiếp xúc này còn giúp trẻ phát triển thần kinh”.
Sự tiếp xúc của mẹ và bé kích hoạt bản năng tìm ăn của bé
Thay đổi tư thế cho trẻ bú
Đôi khi, tư thế bú mẹ của trẻ không thực sự thoải mái, bế cần một sự thay đổi nhưng không có cách gửi tín hiệu nào khác cho mẹ ngoài cách quấy khóc. Mẹ hãy thử thay đổi tư thế bế bé khi cho bú, tìm hiểu kỹ thuật cho bé ăn mà không làm bé nuốt quá nhiều không khí, hay nôn trớ,… Có thể mẹ sẽ phát hiện ra bé bú ngoan, không quấy khóc với một cách bế khác.
Vỗ ợ hơi cho bé
Quá nhiều khí dư thừa trong bụng sẽ khiến bé khó chịu và có thể không muốn tiếp tục bú mẹ nữa. Trẻ sơ sinh bú mẹ hay cả khi bú bình đều có thể nuốt phải nhiều không khí dẫn đến đầy bụng. Mẹ có thể giữ cho bé dựa vào ngực và tựa đầu lên vai mẹ, vỗ nhẹ lưng bé để bé có thể giải phóng bớt khí thừa trong bụng.
Tạo môi trường tử cung
Bé sơ sinh vừa trải qua một thời gian dài trong sự ấm cúng và an toàn của bụng mẹ. Thật khó để cơ thể non nớt của bé thích nghi với thế giới ồn ào và nhiều kích thích bên ngoài. Nếu mẹ biết cách bắt chước môi trường tử cung để làm xoa dịu tinh thần bé, bé sẽ dần quen với cuộc sống mới và ăn, ngủ ngoan hơn.
Mẹ hãy thử quấn khăn cho bé, làm giảm cường độ ánh sáng hoặc tạo “tiếng ồn trắng” như tiếng máy giặt, tiếng quạt kêu,… để bé cảm thấy được an ủi và chở che. Sau đó mẹ có thể cho bé bú trở lại sau khi đã làm dịu bé.
Cho bé bú khi mới thức dậy
Thời điểm thích hợp nhất để bé không quấy khóc khi bú mẹ, đó là khi bé vừa mới thức dậy và còn đang ngái ngủ. Mẹ hãy cố gắng cho bé bú trước khi bé hoàn toàn tỉnh táo. Bé sẽ ít quấy khóc không chịu bú, ít bị tức bụng vì bú quá no trước khi trở lại với giấc ngủ.
Nhờ người thân dỗ bé
Đôi khi mẹ chỉ cần nghỉ ngơi để có thể tiếp tục chăm sóc bé. Khi để một người khác dỗ bé, sự thay đổi hoàn cảnh có thể giúp bé nhanh nín khóc. Đặc biệt là mẹ sẽ có thời gian ngắn để nghỉ ngơi, lấy lại sự bình tĩnh. Điều này giúp mẹ dễ dàng đối diện với tình trạng quấy khóc của bé. Nhờ đó, mẹ có thể tìm ra vấn đề của bé và có giải pháp dỗ bé tốt nhất cho những lần sau.
Việc có một đứa trẻ quấy khóc không chịu bú thực sự có thể làm hỗn loạn cảm xúc và làm lung lay sự tự tin về kỹ năng chăm sóc bé yêu của mẹ. Nhưng những khó khăn này sẽ trôi qua nhờ nỗ lực của mẹ. Sau tất cả, đó là kỉ niệm không thể nào quên, là sợi dây vô hình gắn kết mẹ và bé!
>>> Xem thêm: 4 nguyên nhân khiến bé quấy khóc cha mẹ nên biết