Quấy khóc là tình trạng xảy ra rất phổ biến ở trẻ sơ sinh. Theo thống kê có thới 40% trẻ sơ sinh hay quấy khóc không rõ nguyên nhân thường xuyên. Bên cạnh đó, một đứa trẻ sơ sinh cũng có thể xuất hiện tình trạng này bất kỳ thời điểm nào mặc dù ít. Vậy tại sao trẻ lại quấy khóc và giải pháp khắc phục cho mẹ là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân có triệu chứng như thế nào?
Nhiều trẻ khi quấy khóc cha mẹ có thể nhận biết rõ ràng được nguyên nhân, ví dụ như trẻ đang ốm sốt, sau khi tiêm chủng, trẻ bị đói, trẻ gắt ngủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bé quấy khóc liên miên ngày này qua tháng khác nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân cụ thể nào.
Một số triệu chứng khi trẻ khóc không rõ nguyên nhân mà mẹ có thể quan sát thấy bao gồm:
- Thời điểm trẻ bắt đầu quấy khóc và kết thúc thường rất rõ ràng. Thường trẻ sẽ quấy khóc vào buổi tối trước khi đi ngủ và khóc vài tiếng đồng hồ. Trẻ có thể khóc ngay sau khi ăn no, khi vừa cười đùa rất bình thường với bố mẹ. Thông thường, dân gian gọi đây là hiện tượng khóc dạ đề của trẻ.
- Trẻ có thể khóc thét lên, khóc ngằn ngặt, không giống như tiếng khóc thông thường khi đói hoặc gắt ngủ. Tiếng khóc này khiến cha mẹ nghĩ rằng trẻ bị đau ở đâu đó nhưng thực ra nhiều khi không phải vậy, trẻ khóc mà không có lý do rõ ràng nào cả.
- Trẻ khóc kèm theo một số triệu chứng khác về cơ như: người uốn cong lên, mặt đỏ ửng, vùng da quanh miệng khi khóc thì tái hoặc xanh, bụng bé trở nên phập phồng, chân tay co cứng và các ngón bị lạnh.
- Trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân thường rất khó dỗ dành. Kể cả khi trẻ đã khóc nhưng vẫn rất còn nức nở. Trẻ cũng có thể trở nên quấy khóc sau khi đánh hơi hoặc nhu động ruột bất thường.
Trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân, mẹ nên tìm hiểu những gợi ý sau đây
Nguyên nhân nào khiến bé quấy khóc?
Dưới đây là một số nguyên nhân được các mẹ bỉm sữa ghi nhận và chia sẻ khi thấy con hay quấy khóc. Sau một thời gian các mẹ mới phát hiện ra và điều chỉnh lại. Các mẹ có thể tham khảo để tìm hiểu cho con nhà mình nhé.
- Mẹ kiểm tra xem bé có bị đau ở vị trí nào hay không. Vết đau có thể do bị côn trùng cắn, bị va đập vào đâu đó hoặc va chạm phải một vật mà mẹ không hề biết.
- Trẻ bị mệt hoặc bị kích thích quá mức – trẻ sơ sinh thường khóc khi bị mệt hoặc bị kích thích quá mức từ việc cưng nựng, bao bọc của cha mẹ. Cha mẹ nên nới lỏng tã quấn, tạo khoảng trống cho chân bé được quẫy đạp, cho bé ngậm núm vú giả hay cho bé nằm xe đẩy, cũi có thể sẽ giúp bé nín khóc và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
- Nhiều trẻ bị dị ứng với một số loại thực phẩm mà mẹ ăn vào. Vì vậy, nếu thấy bé quấy khóc bất thường, mẹ thử xem lại bữa ăn trước đó có mẹ có sử dụng loại thực phẩm nào bất thường hay không, đồng quan sát phân của bé, xem bé có bị nôn trớ hay không, có bị dị ứng hay không. Một số loại thực phẩm mà có thể ảnh hưởng đến bé được ghi nhận như lúa mạch, các gia vị cay nóng, sữa bò, trứng, các loại hạt.
- Bé bị căng thẳng thần kinh do các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài như tiếng ồn, ánh sáng quá mạnh,… cũng khiến bé bị quấy khóc không ngừng.
- Trẻ đang ngủ mà bị giật mình tỉnh giấc, nhất là vào ban đêm sẽ khiến bé vừa sợ hãi, vừa trở nên cáu gắt rồi quấy khóc. Bé sẽ khó khăn để quay trở lại giấc ngủ. Vì vậy, mẹ hãy âu yếm, vỗ về để bé cảm thấy an tâm hơn nhé.
- Bé bị tình trạng rối loạn tiêu hóa: Một số vấn đề xảy ra ở đường tiêu hóa của trẻ như đầy hơi, đau quặn bụng cũng có thể khiến em bé quấy khóc về đêm và không có cách nào để dỗ dành được. Do đó, nếu mẹ thấy bé thường xuyên cáu kỉnh và khóc ngay sau khi được cho ăn thì có nhiều khả năng bé đang bị rối loạn tiêu hóa.
- Bé cảm thấy đói: Đôi khi nguyên nhân rất đơn giản khiến bé quấy khóc chỉ đơn giản là bé cảm thấy đói bụng. Mẹ hãy xem và điều chỉnh các cữ ăn cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con nhé.
- Tã, quần của con bị ướt, bẩn cũng khiến bé cảm thấy khó chịu và quấy khóc. Nhiều mẹ thấy hiện tượng con cứ nửa đêm khoảng 3,4h sáng là tỉnh dậy quấy khóc, ngày này qua ngày khác đều như vậy mà không biết nguyên nhân thực chất chỉ vì tã của con đã đựng đầy nước tiểu khiến con cảm thấy khó chịu.
Khi nào mẹ cần đưa con tới viện khi bé quấy khóc không rõ nguyên nhân?
Khi nào mẹ cần đưa bé tới viện?
Như vậy, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc mà mẹ có thể tìm hiểu cho con, Tuy nhiên, khi đã kiểm tra lại và tìm cách khắc phục mà con vẫn quấy khóc, mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế chuyên môn. Những dấu hiệu cần đưa bé đi khám bác sĩ bao gồm:
- Bé quấy khóc liên tục từ 2 giờ trở lên. Mẹ đã dỗ dành, âu yếm mà bé không thể trấn an được.
- Bé khóc bất thường mặc dù đã được hơn 4 tháng. Lúc này bé có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe, không phải do tình trạng khóc dạ đề vẫn hay được nhắc đến nữa.
- Bé có biểu hiện quấy khóc kèm theo chán ăn, chậm lớn, cân nặng thường xuyên không đạt đủ tiêu chuẩn.
- Trẻ bị quấy khóc sau khi người thân bế và rung lắc quá mạnh, ngay sau đó bé khóc ngằn ngặt thì mẹ nên đưa con đi kiểm tra ngay xem có bị ảnh hưởng tới não bộ của bé hay không.
- Đo nhiệt kế và thấy con sốt trên 38 độ, kèm theo đó là tình trạng bé quấy khóc.
- Bé bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, đi ngoài, phân có máu, các phản xạ bị yếu kém đi.
Cha mẹ có thể cảm thấy mệt mỏi, bất lực và cáu gắt khi thấy con liên tục quấy khóc mà không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, mẹ cũng đừng vì mệt mỏi mà bỏ qua các dấu hiệu bất thường của con nhé. Mẹ hãy tìm cách khắc phục sớm và đưa trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để con được sớm can thiệp.
>>> Xem thêm: Chuyên gia giải thích trẻ ngủ không ngon giấc hay quấy khóc?