Vàng da là tình trạng xảy ra phổ biến ở trẻ sơ sinh và vấn đề trẻ sinh non bị vàng da cũng giống như vậy, đa số trường hợp thường biến mất sau 1 – 2 tuần. Nhưng tùy vào nguyên nhân gây vàng da mà các bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau.
Nguyên nhân khiến trẻ sinh non bị vàng da
Trong máu của mỗi chúng ta luôn chứa bilirubin. Ở trẻ sơ sinh hay trẻ sinh non, da có màu vàng là do lượng sắc tố bilirubin trong máu cao. Đó là một trong số những sản phẩm được tạo ra khi các tế bào hồng cầu vỡ ra.
Ở giai đoạn mang thai, gan của mẹ có chức năng đào thải bilirubin cho thai nhi. Thế nhưng phải sau khi sinh một thời gian gan của trẻ mới đi vào hoạt động. Kết quả là những sắc tố này sẽ tích dần trong máu và khiến trẻ sinh non bị vàng da.
Da trẻ sinh non có màu vàng là do lượng sắc tố bilirubin trong máu cao
Với trẻ sinh non, tình trạng vàng da có thể xuất hiện từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 và có thể duy trì trong vòng 2 tháng mới biến mất. Vàng da sẽ bắt đầu ở mặt, sau đó lan dần xuống cổ và ngực của trẻ. Nếu bị nặng có thể lan xuống cả bàn tay, bàn chân.
>>> Xem thêm: Những “nguyên tắc vàng” khi chăm sóc trẻ sinh non
Trẻ sinh non bị vàng da có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp, trẻ sinh non bị vàng da đều không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, trường hợp lượng bilirubin trong máu quá cao thì bệnh vàng da có khả năng sẽ gây tổn hại đến hệ thần kinh của trẻ đến mãi về sau. Nó có thể gây tổn thương thính giác dẫn đến điếc hoặc trẻ sẽ bị chậm phát triển, bại liệt. Nhưng mẹ cũng đừng quá lo lắng vì số phần trăm trẻ sinh non mắc phải những chứng bệnh nguy hiểm này là khá ít.
Khi nào mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện thấy xuất hiện màu vàng ở những bộ phận sau của trẻ: lòng trắng mắt, vụng bụng hoặc cánh tay, cẳng chân. Mẹ cũng nên cảnh giác và xem xét đến việc cho trẻ đi gặp bác sĩ khi thấy con thường xuyên khó tỉnh giấc, quấy khóc nhiều, chán ăn hay là tình trạng vàng da kéo dài quá 3 tuần.
Hãy đưa trẻ đi khám ngay khi thấy màu vàng xuất hiện trên một số bộ phận của cơ thể
Cách trị dứt điểm trẻ sinh non bị vàng da
1. Phương pháp quang trị liệu
Thường thì chứng vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi nhưng nếu cần điều trị thì phương pháp quang trị liệu chính là cách vừa đơn giản, an toàn lại hiệu quả nhất. Mẹ hãy cho bé nằm trên giường hoặc trong nôi, không quấn khăn/ tã, dùng vải che mắt bé lại và chiếu ánh sáng xanh “bili lights” vào người bé. Loại ánh sáng này sẽ giúp chuyển hóa lượng bilirubin để dễ dàng vận chuyển trong máu được đào thải qua đường nước tiểu.
2. Phương pháp thay máu
Tuy nhiên, dù gia đình đã tích cực chiếu đèn nhưng vàng da ở trẻ vẫn không có chút cải thiện thì hãy đưa bé vào bệnh viện để được thay máu. Việc thay máu sẽ giúp thay thế lượng máu có nồng độ bilirubin cao sang lượng máu có nồng độ bilirubin bình thường, từ đó sẽ khắc phục được tình trạng vàng da.
Việc thay máu sẽ giúp thay thế lượng máu có nồng độ bilirubin cao sang lượng máu có nồng độ bilirubin bình thường
3. Cho trẻ bú đủ sữa
Một phương pháp hữu hiệu mà mẹ có thể làm để làm giảm tình trạng trẻ sinh non bị vàng da là chắc chắn rằng trẻ được cung cấp đủ lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Điều này sẽ giúp trẻ đi ngoài thường xuyên, đào thải bilirubin ra một cách nhanh chóng. Tất nhiên, nếu còn bất kì lo ngại nào về chứng bệnh vàng da của trẻ sinh non hoặc trẻ sơ sinh thì mẹ hãy liên hệ với bác sĩ ngay để nhận được những tư vấn cụ thể, nhằm chắc chắn rằng mẹ đang thực hiện đúng cách.
Chăm sóc trẻ sơ sinh không bao giờ là điều đơn giản, chăm trẻ sinh non có vấn đề về sức khỏe lại càng khó khăn hơn. Hi vọng với bài viết trên sẽ giúp ích cho mẹ trong việc điều trị trẻ sinh non bị vàng da. Chúc bé yêu luôn khỏe mạnh và phát triển tốt!
>>> Xem thêm: Trẻ sinh non bú bao nhiêu là đủ nhu cầu?