Trẻ sơ sinh bị giật mình liên tục có phải là điều bình thường không và có nguyên nhân từ đâu? Đây là những băn khoăn của rất nhiều cha mẹ. Bởi tình trạng trẻ giật mình ảnh hưởng không nhỏ tới giấc ngủ và sự phát triển của bé.
Trẻ sơ sinh bị giật mình liên tục có nguy hiểm không?
Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng – Giảng viên cao cấp tại Đại học Y Hà Nội, giật mình là phản xạ thường thấy ở trẻ sơ sinh. Mọi bé khi sinh ra đều có phản xạ này, nó xảy đến tự nhiên với bé như 8 phản xạ còn lại như bú sữa, tìm ti mẹ, lẫy, ngồi, đi,… Phản xạ giật mình có thể xuất hiện ở trẻ từng giai đoạn khác nhau nhưng gần như là có biểu hiện tương tự nhau ở các bé. Khi bé giật mình, bé sẽ vung tay qua một bên, lòng bàn tay hướng lên trên và ngón cái gập lại, trong khi các ngón tay khác thì xòe ra. Chân và ngón chân của trẻ cũng được đẩy ra và nhìn có vẻ rất căng ra. Thông thường, trẻ sơ sinh hay bị giật mình sẽ không khóc. Nhưng nhiều bé bị giật mình khi ngủ sẽ thức dậy, do ngủ chưa được tròn giấc nên bé sẽ cáu gắt và quấy khóc.
Phản xạ giật mình ở trẻ sơ sinh cho thấy hệ thần kinh của bé đang phát triển rất bình thường, do đó có được phản ứng mạnh mẽ với những tác động của môi trường xung quanh. Khi trẻ càng lớn, hệ thần kinh hoàn thiện hơn, trẻ sẽ dần kiểm soát được các cơ của mình nên hiển nhiên sẽ bớt giật mình hơn. Thông thường, với những bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi sẽ hay bị giật mình vài lần trong đêm rồi thức đòi ti mẹ, đó là tình trạng hoàn toàn bình thường.
Mặc dù bản chất việc bé hay giật mình không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng theo các chuyên gia về Nhi khoa, việc trẻ hay bị giật mình và tỉnh dậy quấy khóc thường xuyên sẽ khiến trẻ chậm tăng cân, dễ bị rối loạn về giấc ngủ và cảm xúc, gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều bé bị giật mình do bé đang gặp phải vấn đề gì đó về sức khỏe, chính vì vậy mẹ cần phải theo dõi con sát sao để khắc phục kịp thời và đưa con tới bác sĩ nhé.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị giật mình liên tục là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân là tác nhân gây nên tình trạng giật mình ở trẻ sơ sinh. Mẹ có thể tham khảo một số nguyên nhân dưới đây.
Nguyên nhân nào khiến bé ngủ hay giật mình
Bé nghe phải một tiếng động mạnh
Mẹ có thể thấy là ngay với cả bản thân mình khi đã là người lớn thì nhiều khi gặp phải những tiếng động mạnh cũng giật mình. Chính vì vậy, với cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh, não bộ của bé sơ sinh còn non nớt, điều này khiến bé càng dễ nhạy cảm với những tiếng động xung quanh, làm cho bé bị giật mình.
Tuy nhiên, khi nói đến hiện tượng giật mình và cấu trúc não bộ, thì các mẹ cũng nên lưu ý là đôi khi giật mình không chỉ là hiện tượng bình thường. Nếu mẹ thấy bé bị giật mình liên tục kết hợp với các biểu hiện lạ với thường ngày, hãy đưa bé tới bác sĩ để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Bé bị hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản
Tình trạng trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản rất hay gặp, bởi khi còn non nớt, hệ tiêu hóa của bé chưa được hoàn thiện, nhu động ruột chưa hoạt động tối đa. Nếu bé đang nằm mà không may bị trào ngược cũng sẽ khiến cho bé bị giật mình. Và nếu bé thường xuyên bị trào ngược, bé càng bị giật mình nhiều hơn.
Nếu các mẹ phát hiện ra bé nhà mình hay bị giật mình khi ngủ vì nguyên nhân này thì cần sớm giải quyết cho bé bằng cách không nên cho con ăn quá no, sau khi ăn nên vỗ hơi và bế con thẳng đứng. Nếu cần thiết, mẹ cần đưa con tới khám ở cơ sở y tế chuyên khoa nếu không trẻ sẽ có nguy cơ bị viêm đường hô hấp kèm theo.
Bé bị thiếu một số nguyên tố vi lượng
Khi bé nhà mẹ bị thiếu một số chất dinh dưỡng và nguyên tố vi lượng như kẽm, magie, đặc biệt là canxi, bé sẽ rất dễ bị giật mình. Nguyên nhân là việc thiếu canxi sẽ khiến bé có cảm giác nhức mỏi chân tay, mỏi cơ, khớp. Điều này đặc biệt trầm trọng hơn khi con ngủ, chính vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng giật mình.
Nếu bé nhà mẹ bị giật mình liên tục, hãy bổ sung cho con đầy đủ các chất dinh dưỡng bằng cách đưa con đi khám bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ. Đồng thời, mẹ có thể cho con tắm nắng vào buổi sáng sớm (khoảng 7-9h sáng) để con có thể hấp thụ được lượng vitamin D dồi dào nhất, rất tốt cho sự phát triển xương của con.
Bé hay giật mình khi bị ốm
Khi trẻ sơ sinh mắc các bệnh lý như bị sốt do nhiễm virus, vi khuẩn, viêm đau họng, viêm tai giữa, nhiễm giun sán,… bé cũng dễ bị giật mình. Tuy nhiên, mẹ cần phân biệt tình trạng trẻ bị giật mình do người mệt mỏi vì bị ốm, với hiện tượng co giật ở trẻ, nhất là khi con bị sốt. Biểu hiện co giật do sốt ở bé rất nguy hiểm và mẹ cần đưa bé tới cơ sở y tế để được hạ sốt một cách tốt nhất.
Mẹ có thể thấy, trong quá trình nuôi con khôn lớn, mẹ có thể gặp phải rất nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề nào cũng đều có nguyên nhân và từ đó tìm được cách giải quyết. Mẹ chỉ cần quan sát mọi thay đổi của con dù là nhỏ nhất và đừng lo lắng quá nhé!
>>> Xem thêm: Tất tần tật những gì mẹ cần biết về trẻ sơ sinh hay giật mình