Chắc hẳn, khi chăm sóc con nhỏ mẹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đền như con quấy khóc, khó ngủ, biếng bú,…trong đó, vặn mình cũng là hiện tượng khiến không ít bố mẹ lo lắng bởi luôn thấy con khó chịu, trằn trọc. Vậy trẻ sơ sinh bị vặn mình có sao không? Mẹ hãy cùng tìm hiểu một số thông tin được webmebe tổng hợp và chia sẻ dưới đây nhé.
Trẻ sơ sinh bị vặn mình có thực sự đáng lo?
Thông thường, ở những tháng đầu sau khi sinh hầu hết trẻ đều có hiện tượng vặn mình, gồng mình hay rướn mình. Theo lý giải của các chuyên gia Nhi khoa, tình trạng vặn mình xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, có thể do trẻ chưa quen với điều kiện, môi trường sống bên ngoài tử cung của mẹ hoặc cũng có thể do lớp lông măng trên cơ thể bé chưa được làm sạch khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu và vặn mình chính là biểu hiện cụ thể nhất.
Vậy, trẻ sơ sinh bị vặn mình là do những nguyên nhân nào? Dưới đây là một số lý do phổ biến nhất:
- Trong trường hợp nếu trẻ sơ sinh vặn mình nhưng vẫn ăn uống, sinh hoạt, ngủ tốt và lên cân đều thì mẹ không cần quá lo lắng bởi đây là hiện tượng sinh lý bình thường, bé sẽ tự hết sau 3 tháng tuổi.
- Mẹ nên kiểm tra tã/bỉm và quần áo của trẻ, nếu tã/bỉm bị ướt hoặc bẩn sẽ làm trẻ bứt rứt, khó chịu, tốt nhất mẹ nên thay tã cho bé 4 tiếng/lần. Mặt khác, mặc quần áo quá chật cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ khó chịu, vặn mình để cảm thấy thoải mái hơn.
- Nhiệt độ phòng ngủ không phù hợp hay môi trường ngủ nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ cũng tác động trực tiếp đến trẻ, khiến con ngủ không sâu giấc, hay vặn mình, khó chịu, cáu gắt.
- Vặn mình ở trẻ sơ sinh cũng có thể là do bé bị đói và đây là “tín hiệu” để bé thông báo với mẹ rằng con cần được nạp thêm năng lượng.
Hầu hết, trẻ sơ sinh bị vặn mình do sinh lý và bị tác động bởi yếu tố khách quan thì mẹ không cần quá lo lắng, chỉ cần theo dõi biểu hiện và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con thì bé sẽ khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ vặn mình kèm theo các dấu hiệu bất thường như ra mồ hôi trộm, người mệt mỏi, quấy khóc về đêm, rụng tóc vành khăn,…thì có thể do bé đang thiếu một số dưỡng chất quan trọng như canxi. Lúc này, mẹ cần cho bé đi khám để biết được cụ thể tình hình, tránh để lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con.
Mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân trẻ sơ sinh bị vặn mình để có giải pháp phù hợp nhất
Một số lưu ý khi thấy trẻ sơ sinh bị vặn mình mẹ cần nắm rõ
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu thấy trẻ sơ sinh vặn mình, mẹ tuyệt đối không nên áp dụng các mẹo lạ để chữa cho con. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp dân gian được các mẹ mách nhau cách thực hiện. Tuy nhiên, những biện pháp này chưa được kiểm định và không có căn cứ khoa học nên mẹ cần thận trọng và tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thực hiện cho con.
Khi thấy trẻ bị vặn mình, mẹ nên tham khảo lời khuyên của chuyên gia, cho bé đi khám sức khỏe để biết được cụ thể nguyên nhân, từ đó mới có thể đưa ra giải pháp phù hợp nhất. Ngoài ra, khả năng điều hòa thân nhiệt ở trẻ sơ sinh rất yếu vì vậy để đảm bảo trẻ không bị vặn mình, mẹ nên chú ý đến nhiệt độ, không gian phòng ngủ, tránh để bé nhiễm lạnh hoặc quá nóng.
Thường xuyên kiểm tra tã/bỉm là việc làm quan trọng mẹ cần thực hiện thường xuyên để đảm bảo con luôn được khô thoáng, sạch sẽ, thoải mái nhất. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên lựa chọn những bộ quần áo rộng rãi, dễ thấm hút mồ hôi để mặc cho trẻ trước khi đi ngủ.
Trẻ sơ sinh bị vặn mình có thể không đáng lo ngại nhưng gây ra nhiều phiền toái, khó chịu khiến con ngủ không sâu giấc, trằn trọc, mất ngủ. Nếu kéo dài thường xuyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và sức khỏe của trẻ, do vậy mẹ cần chú ý theo dõi để có giải pháp kịp thời. Hi vọng với những thông tin vừa chia sẻ mẹ đã có thêm kiến thức trong việc chăm sóc trẻ bị vặn mình.