Nhiều mẹ lo lắng vì trẻ sơ sinh hay bị giật mình, tỉnh dậy quấy khóc kể cả đang trong giấc ngủ ban ngày hay ban đêm. Điều này trái với quy luật của trẻ sơ sinh là thời gian ngủ chiếm phần lớn trong ngày. Vậy có phải trẻ sơ sinh mà ngủ hay giật mình sẽ dẫn đến nguy cơ chậm phát triển như nhiều mẹ lo lắng, tình trạng này ảnh hưởng như thế nào đến bé. Bài viết dưới đây sẽ phân tích kỹ hơn cho các mẹ nhé!
Trẻ sơ sinh hay bị giật mình dẫn đến những hệ lụy gì?
Theo các chuyên gia Nhi khoa, trẻ sơ sinh cần ngủ 17-20h mỗi ngày. Tuy nhiên, giấc ngủ của bé thường không kéo dài và bé thường thức giấc sau khi ngủ khoảng 2-3 tiếng. Nguyên nhân thông thường nhất là do bé đói, muốn bú sữa, bởi lúc này dạ dày của trẻ còn nhỏ nên lượng sữa bé bú mỗi lần ít. Tuy nhiên những vấn đề về ngoại cảnh như môi trường, tã bỉm ướt hay bé giật mình cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bé.
Với những em bé ngủ hay giật mình nhưng vẫn bú mẹ đủ bữa và tăng cân đều thì mẹ không cần phải lo lắng quá. Thông thường, giai đoạn này của bé sẽ qua đi khi hệ thần kinh được phát triển và ổn định hơn.
Tuy nhiên, nếu bé hay giật mình thường xuyên dẫn đến mất ngủ, ngủ không sâu giấc, đang ngủ giật mình thức dậy quấy khóc, bé bú ít hơn và chậm tăng cân thì lại là vấn đề cha mẹ cần quan tâm. Bởi tình trạng trẻ sơ sinh hay bị giật mình có thể dẫn đến những vấn đề sau ở bé.
- Theo các chuyên gia về Nhi khoa, việc trẻ hay bị giật mình và tỉnh dậy quấy khóc thường xuyên sẽ khiến trẻ chậm tăng cân, chậm lớn, dễ bị rối loạn cảm xúc, gây ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ.
- Trẻ bị giật mình liên tục sẽ bị giảm khả năng tiếp nhận thông tin. Theo Tiến sĩ Magret Ward, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe Nhi khoa tại Paris, não bộ của bé sơ sinh rất dễ bị tổn thương bởi trong những ngày tháng mới chào đời, não của bé chưa được phát triển hoàn toàn, dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài. Việc não bộ bị tổn thương như vậy sẽ khiến khả năng học hỏi và tiếp thu của bé sẽ bị ức chế và chậm hơn các bé cùng trang lứa.
- Việc bé giật mình và ngủ không đủ giấc cũng khiến hormone tăng trưởng bị giảm sút đột ngột, hệ miễn dịch của bé vì thế mà cũng bị ức chế, bé dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, hệ tiêu hóa cũng bé cũng bị ảnh hưởng cũng sẽ khiến bé không hấp thu đầy đủ được chất dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
- Giật mình khóc giữa đêm khiến trẻ dễ có nguy cơ đột tử. Nguyên nhân là do nếu bé khóc liên tục dễ bị ức chế hô hấp, có hội chứng ngưng thở và vì thế mà nguy cơ đột tử tăng cao. Chính vì vậy, có những giấc ngủ trọn vẹn những năm tháng đầu đời sẽ giúp bé phát triển toàn diện và có sức khỏe tốt nhất trong những năm tháng đầu tiên trong đời.
Khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh hay bị giật mình
Rất khó để xác định chính xác nguyên nhân trẻ ngủ giật mình, tuy nhiên, mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để hạn chế tình trạng này của con.
Mẹ làm gì để bé không giật mình quấy khóc?
- Cung cấp đầy đủ vitamin D và canxi cho trẻ. Việc thiếu canxi sẽ khiến bé dễ bị nhức mỏi xương khớp, mỏi cơ, từ đó bé dễ bị giật mình khi ngủ. Việc bổ sung này có thể bằng cách bổ sung trực tiếp theo kê đơn của bác sĩ, kết hợp với việc tắm nắng. Mẹ nên cho bé tắm nắng vào buổi sớm, khoảng 7-8h30, không nên tắm nắng quá muộn.
- Mẹ nên cho bé bú đầy đủ, đủ lượng, đủ bữa. Tốt nhất là nên cho bé bú sữa mẹ thay vì sữa công thức, trừ trường hợp bất khả kháng. Điều này sẽ giúp bé có đầy đủ dưỡng chất để phát triển và đảm bảo hệ tiêu hóa được hoạt động tốt nhất.
- Cần phải điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng ở phòng ngủ của bé. Không nhất thiết phải để phòng tối quá, còn nhiệt độ nên duy trì khoảng 26-28 độ C. Ngoài ra, phòng ngủ của bé nên tránh nơi nhiều tiếng ồn, tránh gây kích thích thần kinh của bé.
- Khi trẻ bị giật mình do gặp phải cơn ác mộng, hay la khóc, các mẹ có thể trấn an bé bằng cách vỗ nhè nhẹ vào bé. Chú ý là mẹ chỉ nên vỗ nhẹ thôi và nên vỗ vào bên tay hoặc mông, không vỗ vào phần bụng, ngực của bé nhé. Mẹ theo dõi thời gian con đã ngủ và cho bé bú theo cữ của bé, không nên để bé vì đói quá mà tỉnh giấc.
- Nếu bé giật mình tỉnh giấc kèm theo tiếng thở khò khè, thở như ngạt mũi, thì mẹ nên đưa bé đi khám xem có vấn đề về phế quản và phổi không.
- Mẹ có thể ru bé để trấn an nếu bé giật mình tỉnh giấc. Ngoài ra, mẹ có thể cuộn bé trong chăn để bé cảm thấy an toàn và hạn chế bé bị giật mình.
- Khi bé bị giật mình nhiều ngày liên tiếp mà mẹ không có cách nào khắc phục hoặc đã điều chỉnh mà trẻ không đỡ, đồng thời con ăn ngủ kém, chậm phát triển, mẹ nên đưa bé tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp mẹ có những thông tin cần thiết về tình trạng trẻ sơ sinh hay bị giật mình. Mẹ hãy chú ý đến những phản xạ này của con và có giải pháp khắc phục kịp thời nhất nhé.
>>> Xem thêm: Khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình nhờ cách quấn tã