Trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt với một loạt hành động “kỳ kỳ” khiến nhiều cha mẹ lo lắng, không biết con có đang gặp phải vấn gì về sức khỏe hay không. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu hơn về phản xạ này và giải pháp giúp bé giảm giật mình.
Bản chất của trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt là gì?
Phản xạ giật mình là một trong 9 phản xạ tự nhiên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phản xạ này xảy ra khi bé đang ngủ và đột ngột giơ tay chân lên, co người, sau đó thu lại trạng thái ban đầu. Nhiều trẻ sau khi giật mình sẽ khóc thét vì sợ hãi.
Phản xạ giật mình ở trẻ sơ sinh hình thành để giúp bé thoát khỏi trạng thái “nguy hiểm” do bé tự hình thành. Bởi khi giật mình, bé có cảm giác như đang bị rơi, ngã, hoặc nghe được một âm thanh rất lớn. Nó cũng giống như bạn khi nghe được một âm thanh đột ngột hoặc có cảm giác như rơi ra khỏi một chiếc máy bay. Điều đó thực sự kinh hoàng phải không. Mặc dù đây chỉ là một trạng thái giả định, tuy nhiên nó cũng tác động lớn để bé và khiến bé có phản xạ giật mình hoảng hốt.
Phản xạ giật mình của trẻ sẽ diễn ra theo 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Cánh tay của trẻ vung lên, trẻ hít khí vào lồng ngực và bắt đầu khóc. Đây là giai đoạn mà trẻ có cảm giác như bị té ngã. Một số nhà khoa học trên thế giới cho rằng em bé của bạn đang mở cánh tay lên để cha mẹ nắm được và giúp bé thoát khỏi trạng thái này.
- Giai đoạn 2: Đây là giai đoạn bé thu người và cả cánh tay lại. Nghiên cứu tương tự cũng có một giải thuyết cho giai đoạn này. Với nhiều bé, việc thu cánh tay lại là hầu như bé đã ở trạng thái an toàn, tuy nhiên, nhiều bé thì sẽ tỉnh giấc và hoảng sợ sau đó khóc thét lên.
>>> Xem thêm: 4 sai lầm lớn khiến bé ngủ không ngon giấc hay giật mình
Phản xạ giật mình quan trọng với bé như thế nào?
Tình trạng trẻ giật mình giữa đêm và hoảng hốt kêu khóc khiến cha mẹ không khỏi lo lắng. Bên cạnh đó, việc trẻ ngủ giật mình và thức giấc giữa đêm còn khiến cả nhà thức giấc vì tiếng khóc của trẻ và phải thay nhau ru bé ngủ trở lại.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Điển về việc thiếu phản xạ giật mình ở trẻ có ý nghĩa như thế nào đối với những tổn thương ở não bộ và hệ thần kinh của trẻ. Điều này là hết sức quan trọng vì phản xạ giật mình ở trẻ là một chỉ số rất quan trọng để đánh giá một hệ thần kinh khỏe mạnh. Thông thường các bác sĩ sẽ có một số thao tác để đánh giá phản xạ này của trẻ ở lần khám tiếp theo nếu ở lần khám trước không ghi nhận được phản xạ này ở trẻ.
Một cách mà các bác sĩ ở Thụy Điển sử dụng để đánh giá phản xạ giật mình ở trẻ bao gồm: Bác sĩ sẽ cho trẻ ngồi dậy, đỡ một tay ở sau gáy của trẻ, sau đó thả tay ra đột ngột. Theo phản xạ, bé sẽ giơ tay ra trước và bác sĩ sẽ đỡ bé trở lại. Nếu bé có động tác này tức là phản xạ giật mình ở bé đã xuất hiện. Một cách đơn giản hơn, cha mẹ có thể cung cấp các đoạn camera ghi hình ở nhà lúc bé ngủ, họ sẽ lọc ra các đoạn phim và theo dõi khi ngủ bé có thường xuyên giật mình hay không.
Mẹ có thể giúp trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt bằng cách nào?
Một số gợi ý cho mẹ để giúp bé khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh hay giật mình hoảng hốt bao gồm:
Mẹ giúp bé hết giật mình, ngủ ngon hơn
- Quấn tã/khăn cho bé: Việc quấn tã sẽ giúp giảm tối đa tình trạng trẻ sơ sinh ngủ hay bị giật mình. Bởi khi quấn tã, bé sẽ có cảm giác an toàn như khi ở trong tử cung của mẹ. Đồng thời, quấn tã sẽ giúp giảm các động tác thái quá của trẻ khi bị giật mình, bé sẽ giảm cảm giác chơi vơi và hoảng hôt. Tuy nhiên, mẹ lưu ý là không nên quấn quá chặt sẽ khiến con bị bí hơi và khó ngủ nhé. Mẹ nên dùng loại vải quấn có độ thoáng khí, mềm mại nhất có thể.
- Chọn bộ đồ vừa với trẻ: Việc mặc quần áo quá chật sẽ khiến con có cảm giác khó chịu, còn quần áo quá rộng sẽ khiến con có cảm giác chênh vênh, không an toàn. Ngoài ra, chất liệu mềm mịn của bộ đồ bé mặc cũng sẽ giúp bé có cảm giác thoải mái, an toàn, tránh bị giật mình hơn.
- Mẹ thường xuyên quan sát giấc ngủ của con: Để đảm bảo con có giấc ngủ độc lập, mẹ có thể cho con ngủ riêng. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên thường xuyên theo dõi giấc ngủ của con bằng nhìn trực tiếp hoặc xem qua camera. Mỗi khi bé bị giật mình hoảng hốt mẹ nên trấn an và vỗ về bé, tránh để bé khóc thét lên sẽ khiến bé tỉnh giấc và cảm giác sợ hãi sẽ đeo đuổi theo bé.
- Di chuyển bé một cách nhẹ nhàng: Mẹ có thể quan sát thấy là con thường giật mình nhiều nhất là khi mẹ đang bế con trên tay, bé đã ngủ và đặt con xuống giường. Bởi khi đặt xuống bé sẽ có cảm giác chênh vênh dẫn đến phản xạ giật mình. Để khắc phục điều này, một là mẹ hãy để con nằm xuống giường từ khi bé còn tỉnh táo, hai là khi bé đã ngủ thì hãy đặt con một cách từ từ, vẫn ôm ấp con và nhấc từng cánh tay ra khỏi người con, không nên đặt bé xuống một cách đột ngột.
Như vậy có thể thấy, tình trạng trẻ sơ sinh ngủ giật mình hoảng hốt và thức giấc cũng không phải là vấn đề quá lo lắng và mẹ có thể dễ dàng khắc phục cho con bằng những gợi ý ở trên nhé.
>>> Xem thêm: Cách quấn tã đơn giản áp dụng với em bé ngủ hay giật mình