Trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi có thể là tình trạng khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Nhưng mẹ hãy tìm hiểu bài viết dưới đây để biết bé hay vặn mình đánh hơi có phải thực sự đáng lo ngại của chứng rối loạn tiêu hóa hay không nhé!
Có nhiều trẻ hay vặn mình, đánh hơi nhưng lại không có dấu hiệu đau bụng hay đi ngoài, khiến cha mẹ lo lắng. Không biết bé đang gặp vấn đề gì? Bé có bị rối loạn tiêu hóa không hay đây là một biểu hiện bệnh lý khác? Làm thế nào để bé thôi vặn mình đánh hơi nhiều nữa? Với hệ tiêu hóa non nớt của bé, hàng ngàn câu hỏi liên tục hiện ra trong tâm trí của các bậc phụ huynh. Gác lại những suy nghĩ chưa có lời giải, cha mẹ cần có thêm thông tin về biểu hiện vặn mình và đánh hơi của bé.
Trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi có đang gặp vấn đề tiêu hóa?
Điều đầu tiên cha mẹ cần biết, đó là trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi có thể được coi là bình thường nếu trong một ngày, tình trạng đánh hơi diễn ra khoảng 10 đến 23 lần. Những bé nằm trong độ tuổi từ 2 tuần – 4 tháng tuổi sẽ thường gặp phải tình trạng này nhiều hơn so với những trẻ đã lớn. Các nguyên nhân có thể kể đến bao gồm:
- Bé bú nhiều lớp sữa đầu: Trong lớp sữa đầu của mẹ chứa lượng lớn lactose, nếu mẹ rất khẩn trương cho bé bú mà không vắt bỏ lớp sữa đầu, hoặc đổi bên bầu vú còn lại từ sớm thì bé sẽ bú nhiều lượng chất này dẫn tới khó tiêu. Bé sẽ đánh hơi nhiều hơn bình thường.
- Bé nuốt nhiều không khí: Khi bú, nếu bé nuốt sữa nhanh hoặc quấy khóc nhiều sẽ làm cho không khí đi vào đường tiêu hóa, gây nên chứng đầy hơi. Từ đó, bé cần phải loại bỏ bớt sự khó chịu do khí trong bụng bằng cách đánh hơi.
Cho bé bú không đúng kỹ thuật sẽ làm bé nuốt nhiều không khí gây vặn mình đánh hơi
- Cho bé ăn dặm quá sớm: Hệ tiêu hóa của bé còn non nớt và chưa hoàn thiện như người lớn. Nếu bé được cho ăn dặm quá sớm, trước thời điểm 4-6 tháng tuổi sẽ khiến hệ tiêu hóa của bé gặp trục trặc. Việc bé khó chịu ở bụng và vặn mình đánh hơi là điều dễ xảy ra.
- Bé chịu nhiều kích thích: Các tác động từ môi trường xung quanh như tiếng động lớn, ồn ào, ánh sáng quá gay gắt, chỗ ngủ không thoải mái,… cũng là một trong những nguyên nhân làm hệ tiêu hóa của bé hoạt động kém trơn tru.
- Thức ăn của mẹ không thích hợp với bé: Trẻ sơ sinh dung nạp chất dinh dưỡng chủ yếu từ nguồn sữa mẹ. Do đó, nếu mẹ ăn những thực phẩm khó tiêu thì hệ tiêu hóa của bé cũng bị ảnh hưởng thông qua dòng sữa mẹ. Bé có thể bị xì hơi khi mẹ ăn hành tây, cải bắp, súp lơ, măng tây, trứng, sữa, bánh mì,…), khoai tây, cà chua, trà, ca phê,…
Trừ khi bé hay vặn mình và đánh hơi quá nhiều kèm theo một số triệu chứng bất thường như nôn trớ, ợ hơi, quấy khóc khó ngủ, bị sốt, có vẻ bé đang bị đau,… thì mẹ cần tới sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa nhi. Nếu không thì hiện tượng bé đánh hơi, vặn mình không biểu thị cho tình trạng rối loạn tiêu hóa nào ở trẻ, đó là những biểu hiện không đáng lo ngại. Thế nhưng, mẹ vẫn nên làm giảm sự khó chịu về đường tiêu hóa cho bé khi hệ thống này đang trong quá trình hoàn thiện.
>>> Xem thêm: Mẹ thông thái xử lý nhanh khi trẻ sơ sinh vặn mình bị lồi rốn
Làm gì để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi?
Dưới đây là một số cách khắc phục hiệu quả tình trạng này mẹ có thể tham khảo:
- Massage bụng cho bé: Đây là cách thức an toàn và hiệu quả nhất với trường hợp bé vặn mình đánh hơi. Chỉ bằng động tác đơn giản là đặt tay mẹ lên vùng bụng của bé, xoa nhẹ nhàng theo chiều chuyển động của kim đồng hồ. Bé sẽ cảm thấy dễ chịu, bớt đầy tức bụng.
- Vỗ ợ hơi cho bé: Khi cho bé bú, dù là bú mẹ hay bú bình, mẹ đều nên vỗ ợ hơi cho bé. Mẹ hãy vỗ nhẹ cho bé ợ hơi cứ mỗi lần bé bú hết khoảng 100ml. Nếu bé bú mẹ, sau mỗi lần bé dứt bú, mẹ cũng nên vỗ lưng giúp bé loại bỏ khí dư thừa trong đường tiêu hóa.
- Tập động tác đạp xe: Mẹ có thể đặt bé nằm ngửa, nắm 2 bên chân bé chuyển động giống như khi đạp xe đạp. Động tác này có thể hỗ trợ bé ợ hơi, giảm xì hơi, vặn mình.
- Thay bình sữa: Khi cho bé bú bình, mẹ nên lựa chọn những bình sữa có lỗ chảy không quá to, cũng không quá nhỏ. Điều này giúp hạn chế không khí vào đường tiêu hóa của bé khi bú. Mẹ cũng cần kiểm tra bình sữa của bé sau một thời gian sử dụng để thay thế kịp thời khi thiết kế bình đã không còn được như ban đầu.
- Chú ý đến sữa công thức: Không phải công thức sữa nào cũng thích hợp cho bé. Có nhiều loại sữa chứa protein khó tiêu và khiến bé đánh hơi nhiều, vì thế mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu có ý định đổi sữa cho bé.
- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ: Nếu như mẹ thường xuyên ăn những thức ăn khó tiêu, có thể dẫn tới đầy bụng cho trẻ thì nên chú ý hạn chế tần suất của những thực phẩm đó. Thực tế thì mẹ không cần thiết phải ngừng hẳn, nhằm đảm bảo sự đa dạng trong chế độ ăn của mẹ và có đủ đưỡng chất trong nguồn sữa cho bé.
Ngoài ra, mẹ cần phải đặc biệt lưu ý không nên tự mua thuốc hay men tiêu hóa cho bé uống khi chưa biết rõ tình trạng bé gặp phải. Các sản phẩm hỗ trợ hay điều trị cần có sự tư vấn của thầy thuốc. Bên cạnh đó, các mẹo chữa trị bé hay vặn mình đánh hơi khi chưa có cơ sở khoa học rõ ràng, mẹ cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng. Bé sơ sinh rất nhạy cảm, nếu không có kỹ năng và kiến thức chăm sóc tốt, bé khó tránh khỏi tổn thương không đáng có.
Hi vọng bài viết này giúp mẹ có những thông tin và giải pháp hữu ích trong việc xử trí trẻ sơ sinh hay vặn mình đánh hơi. Chúc mẹ chăm bé khỏe mạnh và phát triển thật tốt!
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày mẹ phải làm sao?