Bé con của bạn khó ngủ? Dù bạn làm gì, đừng rơi vào những mẹo chỉ có tác dụng giúp bé ngủ ngon và bớt quấy khóc ngay lúc này mà có thể sẽ gây bất lợi cho giấc ngủ của bé về sau. Mẹ hãy tìm hiểu một số cách thức để cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh ít ngủ hay quấy khóc một cách khoa học được đề cập ngay trong bài viết sau.
Có lẽ đã rất nhiều lần cha mẹ bắt gặp tình huống bé sơ sinh quấy khóc đêm không chịu ngủ, ngủ chập chờn. Bé thức giấc nhiều lần giữa đêm hoặc tỉnh giấc từ tờ mờ sáng và trở thành chiếc đồng hồ báo thức không cho cha mẹ chợp mắt thêm phút nào.
Trẻ sơ sinh cần được ngủ đủ và sâu giấc, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ xấu đối với sự phát triển. Bé có thể bị chậm lớn, kém thông minh, giảm khả năng học hỏi, rối loạn giấc ngủ. Thêm vào đó, cha mẹ cũng không thể ngủ ngon, không có đủ sức khỏe để làm việc và chăm sóc bé.
Nếu bạn luyện ngủ cho bé thì khả năng bé ngủ và thức giấc sẽ vừa khớp với lịch sinh hoạt của cả nhà. Hãy cố gắng thiết lập một thời gian biểu hợp lý và kiên trì thực hiện. Ngay cả khi bé đã có ý thức và ý muốn của riêng mình, có thể đây là một quá trình khó khăn, nhưng việc hình thành nên thói quen tốt cho giấc ngủ cho bé không bao giờ là quá muộn.
Trẻ sơ sinh ít ngủ hay quấy khóc cần có tâm lý thoải mái
Cho dù ngủ trưa hay ngủ tối, điều quan trọng để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có giấc ngủ tích cực tốt nhất là bạn nên giúp bé có một thói quen thư giãn và làm dịu để chuẩn bị đi ngủ. Tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ít hay quấy khóc sẽ được cải thiện dần theo thời gian.
Thư giãn tinh thần trước khi đi ngủ
Bạn thực sự sẽ ngạc nhiên khi trẻ đi ngủ dễ dàng hơn nhiều nếu nói chuyện nhẹ nhàng với bé. Một cách để làm điều này là đọc vài cuốn sách, massage cho bé với một chút tinh dầu, hát một bài hát ru và tắt đèn. Trước khi đặt bé vào chỗ ngủ, bạn có thể cho bé tắm, thay đồ, nhưng tuyệt đối không chơi đùa quá nhiều với bé.
Chỗ ngủ thoải mái
Không gian ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bé. Bạn cần chú ý đến nhiệt độ phòng bé ngủ, không nên nóng hay lạnh quá để tránh làm bé khó chịu và có thể mắc một số bệnh đường hô hấp. Luôn đảm bảo chỗ ngủ của bé sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng. Nếu là ban ngày thì có thể để ánh sáng tự nhiên và không quá ồn ào.
Còn ban đêm, hãy tắt bớt đèn hoặc sử dụng loại đèn ngủ có ánh sáng dịu nhẹ nhất, đồng thời hạn chế tối đa tiếng động xung quanh nơi bé ngủ. Bạn cũng đừng quên kiểm tra tã, bỉm của bé thường xuyên để bé không cảm thấy khó chịu và tỉnh giấc vì dính ướt.
Bé được ăn đủ no
Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều và thường chỉ tỉnh giấc để ăn. Do đó, bạn có thể thiết lập thời gian ngủ vào một số thời điểm nhất định trong ngày của bé dựa trên đặc điểm về nhu cầu ăn. Bé thường thức giấc sau 2-3 tiếng, mẹ nên cho bé ăn no ngay thời điểm này. Duy trì chu kỳ ăn-chơi-ngủ sẽ giúp bé vừa đủ no, không bị đầy hơi, khó tiêu, cũng ít khi phải thức giấc nhiều lần vì đói. Nhờ đó, ngăn chặn được tình trạng trẻ ít ngủ hay quấy khóc.
Dạy trẻ sơ sinh ít ngủ hay quấy khóc cách ngủ khoa học
Ngoài tạo một tâm lý thoải mái nhất để ngủ ngon và đủ giấc, bạn cũng cần giúp trẻ sơ sinh ít ngủ hay quấy khóc học một số thói quen tốt cho giấc ngủ.
Cho bé đi ngủ sớm và đúng giờ
Nếu bạn vẫn nghĩ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ càng thức lâu sẽ càng buồn ngủ và ngủ lâu hơn thì hãy loại bỏ suy nghĩ này từ bây giờ. Sự thật thì đây là một nhầm lẫn tai hại, bé sẽ quá mệt và quấy khóc khó ngủ, dễ thức dậy nhiều lần hơn chứ không hề ngủ ngoan như cha mẹ tưởng.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần ngủ từ 10-12 giờ mỗi đêm. Các bé cũng có nhu cầu ngủ khác nhau, tuy nhiên dù ngủ trong bao lâu và bé có thể thức dậy ăn đêm lúc mấy giờ, thời gian tốt nhất để bắt đầu giấc ngủ tối là 8-9 giờ. Vì 10 giờ tối là khoảng thời gian bé cần ngủ sâu giấc, tạo điều kiện cho hormone tăng trưởng tiết ra để hoàn thành chức năng giúp cơ thể bé phát triển. Để giúp bé dễ đi vào giấc ngủ, bạn cũng có thể quấn khăn cho bé.
Nhưng bé quấy khóc và không chịu ngủ thì sao? Hãy học cách luyện ngủ cho bé.
Thiết lập giấc ngủ tốt
Ngoài một lịch trình cho giấc ngủ phù hợp cho bé và cả nhà thì việc thiết lập giấc ngủ với bé sơ sinh chính là dạy bé cách ngủ độc lập. Bé học cách tự kiểm soát sẽ biết cách tự xoa dịu bản thân cả khi giật mình thức giấc giữa đêm. bé có thể nín khóc nhanh chóng và tự mình đi vào giấc ngủ dễ dàng mà không cần đến sự giúp đỡ từ cha mẹ.
Ngay khi bé xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi buồn ngủ, bạn hãy đặt bé vào chỗ ngủ cố định. Để bé tự ngủ và rời khỏi bé trong khoảng 5-10 phút. Nếu bạn nghe thấy tiếng bé khóc, đừng vội vã đến ngay với bé, hãy bình tĩnh. Vài phút sau khi nghe thấy tiếng bé khóc, bạn đến kiểm tra bé có gặp vấn đề gì với chỗ ngủ hay không, nếu không, bạn có thể vỗ về để bé biết bạn vẫn luôn ở gần bé. Lặp lại điều này cho đến khi bé ngủ.
Những phương pháp áp dụng với trẻ sơ sinh ít ngủ hay quấy khóc đòi hỏi tính kiên nhẫn và nhất quán của bạn. Hãy đặt mục tiêu và cùng với bé nỗ lực từng chút một để đạt được một lịch trình ăn-chơi-ngủ hợp lý với những thói quen tốt. Có thể mất 1-2 tháng cho sự thay đổi, nhưng kết quả cuối cùng sẽ luôn là một em bé ngoan, phát triển tốt nhờ những giấc ngủ ngon.
>>> Xem thêm: Mẹo chữa giật mình cho trẻ sơ sinh