Chúng ta thường nghĩ trẻ sơ sinh khó ngủ và hay giật mình là điều khó tránh khỏi. Nhưng trên thực tế, nhiều việc làm của mẹ cũng khiến tình trạng này xảy đến. Nếu hiểu và biết cách tránh xa những sai lầm này, em bé của mẹ sẽ có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Nhu cầu giấc ngủ của trẻ sơ sinh mẹ nên biết
Theo GS.TS Robert William thuộc Bệnh viện Nhi đồng bang California, nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn của bé. Mặc dù trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, nhưng giấc ngủ của các bé lại thường ngắn bởi bé phải thức dậy để ăn khi đói. Khi bé lớn lên, tổng thời gian ngủ trong ngày giảm dần, nhưng thời gian ngủ ban đêm lại tăng lên.
Thông thường, trẻ sơ sinh ngủ khoảng tám đến chín giờ vào ban ngày và khoảng tám giờ vào ban đêm, nhưng có thể không ngủ quá hai giờ trong một giấc. Hầu hết các bé sẽ không thể ngủ xuyên đêm và thức dậy giữa đêm ít nhất 2-3 lần để bú sữa cho đến khoảng 3 tháng tuổi, hoặc cho đến khi cân nặng của bé đạt 6-7 kg. Khoảng hai phần ba trẻ sơ sinh có thể ngủ xuyên đêm khi được 6 tháng tuổi.
Cũng theo GS Robert, các bé có chu kỳ ngủ khác với người lớn. Khi bé ngủ sẽ trải qua 5 giai đoạn tất cả, bao gồm: ru ngủ, giai đoạn ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và giai đoạn ngủ mơ (REM), các giai đoạn này diễn ra theo thứ tự và tạo thành một chu kỳ của giấc ngủ, chu kỳ này sẽ được lặp đi lặp lại trong suốt một khoảng thời gian kể từ khi bé nhắm mắt ngủ cho đến khi thức giấc.
Trên thực tế, có rất nhiều bé gặp phải tình trạng khó ngủ, ngủ hay bị giật mình. Chính vì vậy, hiểu được nhu cầu ngủ và các giai đoạn giấc ngủ của bé sẽ giúp mẹ tránh gặp phải những sai lầm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.
>>> Xem thêm: Bé khó ngủ thiếu chất gì?
6 sai lầm mẹ hay gặp khiến trẻ sơ sinh ngủ khó ngủ và hay giật mình
Dưới đây là 6 sai lầm điển hình mà các mẹ hay gặp trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, khiến con ngủ không ngon giấc và hay giật mình.
Sai lầm của mẹ khiến con khó ngủ và hay giật mình
Cho con đi ngủ ngay sau khi ăn no
Theo Bác sĩ Vũ Lan Anh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. Hồ Chí Minh, sau khi ăn bé cần phải có thời gian thư giãn, vừa giúp con hết đầy hơi, sữa được tiêu hóa một phần và bé cảm thấy thoải mái nhất.
Chính vì vậy, sau khi cho con ăn xong, mẹ hãy bế con thẳng đứng khoảng 5 đến 10 phút, sau đó vỗ hơi cho bé. Mẹ cũng có thể trò chuyện vui đùa nhẹ nhàng với bé một chút nếu con chưa buồn ngủ để bé cảm thấy được thư giãn tối đa nhé.
Cho con đi ngủ muộn vì nghĩ rằng bé sẽ dễ ngủ hơn
Theo các chuyên gia, nhu cầu ngủ của trẻ sơ sinh là khoảng 11-12 giờ mỗi đêm. Nếu bé ngủ quá muộn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con. Đối với trẻ sơ sinh 3 tháng đầu, thời gian đi ngủ tốt nhất của con là trước 8h tối.
Để bé phụ thuộc vào mẹ quá nhiều
Có nhiều bé có thói quen quấy khóc trước khi ngủ, khiến mẹ phải ôm ấp, bế rong, vỗ về, dỗ dành một hồi lâu bé mới chịu ngủ. Lâu dài, điều này sẽ tạo nên một thói quen xấu, khiến bé liên tục “mè nheo” mẹ, đồng thời khi mẹ đang bế mà đặt con xuống sẽ khiến bé dễ bị giật mình rồi tỉnh giấc, khó quay trở lại giấc ngủ.
Tốt nhất là khi bé 2 tháng tuổi, mẹ nên tập cho con tự ngủ để giúp con có tính tự lập, đồng thời mẹ đỡ vất vả khi cho bé ngủ.
Mẹ bỏ qua các dấu hiệu buồn ngủ của bé
Nhiều mẹ muốn tập luyện cho bé đi ngủ theo giờ giấc cố định nên chỉ đến thời điểm đó mới dỗ cho bé đi ngủ. Trước thời điểm đó, kể cả con có những dấu hiệu như mắt lim dim, dụi mắt, ngáp ngủ, mẹ vẫn bỏ qua.
Mẹ không biết rằng, khi bé không được ngủ lúc cơ thể “phát tín hiệu” buồn ngủ, một loại hormone tên là có vai trò giúp điều hòa nhịp sinh học thức – ngủ của cơ thể giúp bé ngủ ngon và thức dậy tỉnh táo sẽ không tiết ra đầy đủ, do đó bé sẽ khó ngủ, ngủ không ngon và hay giật mình. Thay vào đó, hormone khác là cortisol sẽ được tiết ra nhiều khiến bé mệt mỏi, căng thẳng đầu óc, dần dần khiến cho bé gắt ngủ, khó ngủ.
Quấn chăn/khăn hoặc mặc quần áo cho bé quá chật
Nhiều bà mẹ bỉm sữa áp dụng cách quấn chăn mỏng cho trẻ sơ sinh để bé không bị giật mình khi ngủ, bé có cảm giác thân thuộc như khi trong tử cung mẹ, từ đó bé có giấc ngủ ngon hơn. Điều này là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nếu mẹ quấn cho con quá chật sẽ khiến bé khó chịu và khó ngủ. Ngoài ra, nếu quần áo của bé bị chật hoặc chất liệu không thông thoáng cũng khiến bé trằn trọc, khó đi vào giấc ngủ, ngủ hay giật mình.
Để bé bị phụ thuộc vào nhiều dụng cụ hỗ trợ
Việc cho con nằm võng, ngậm ti giả, ngậm bình sữa,… khi đi ngủ có thể giúp bé ngủ ngon và dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, lâu dần bé sẽ bị phụ thuộc và nếu không được đáp ứng vào những ngày sau sẽ khiến bé khó ngủ và hay giật mình. Chính vì vậy, mẹ hãy để con có giấc ngủ tự lập nhất có thể, đừng để bé phụ thuộc vào những yếu tố kể trên nhé.
Mẹ có đang mắc phải sai lầm nào trong việc chăm sóc giấc ngủ cho con không? Hãy chia sẻ với webmebe để trao đổi kinh nghiệm với những mẹ bỉm sữa khác nhé!
>>> Xem thêm: Đầy bụng: Nguyên nhân làm trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ và cách xử trí