Việc chăm sóc trẻ sơ sinh chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với những người lần đầu làm mẹ, khi phải đối diện với các vấn đề khó khăn, mẹ luôn lo lắng, mệt mỏi vì không biết làm thế nào để tốt nhất cho con. Trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày là một trong những vấn đề rất nhiều mẹ gặp phải, vậy làm thế nào để giải quyết dứt điểm tình trạng này? Mẹ hãy tham khảo ngay thông tin được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày
Trẻ sơ sinh thường không ngủ theo một lịch trình nhất định, hầu hết trẻ sẽ dành toàn bộ thời gian cho việc ngủ và chỉ thức dậy khi cần đáp ứng một số nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có một số trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ như quấy khóc đêm, “ngủ ngày cày đêm”, hay ngủ ít, khó ngủ, trằn trọc,…
Đối với trường hợp trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày, nguyên nhân có thể xuất phát từ những yếu tố sau đây:
Do trẻ chưa quen với điều kiện sống bên ngoài: Khi vừa chuyển từ môi trường bên trong tử cung của mẹ ra bên ngoài, rất nhiều trẻ sơ sinh sẽ gặp vấn đề về giấc ngủ do bé chưa thích nghi kịp. Mặt khác, hệ thần kinh của trẻ lúc này còn yếu, cấu trúc vỏ não chưa hoàn thiện nên bé rất dễ bị căng thẳng, kích thích quá mức dẫn đến quấy khóc, khó ngủ.
Trẻ chưa phân biệt được ngày – đêm: Với những trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tuần tuổi, bé chưa thể phân biệt được sáng, tối hay ngày đêm, vì vậy sẽ có sự lẫn lộn, bé sẽ thức ngủ tùy vào nhu cầu cá nhân, đây cũng chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày.
Do thói quen sinh hoạt của người lớn: Nhịp sinh học của trẻ sơ sinh sẽ khác hoàn toàn với người lớn, do vậy nếu trong gia đình có nhiều thế hệ, mọi người có lịch trình sinh hoạt khác nhau cũng sẽ gây ảnh hưởng đến giờ giấc thức ngủ của bé.
Ngoài ra, trẻ khóc đêm ngủ ngày cũng có thể do bé đang gặp vấn đề về một số bệnh lý hay thiếu một số dưỡng chất quan trọng như canxi, kẽm, vitamin,…Với những trẻ khóc đêm, mẹ cũng nên kiểm tra lại yếu tố về vệ sinh và môi trường ngủ của bé. Trong trường hợp nếu thấy bé xuất hiện một số dấu hiệu bất thường đi kèm như ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, chậm tăng cân, biếng bú,…thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau
Giải pháp rèn trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày hiệu quả
Giúp bé phân biệt được ngày, đêm
Từ 6 đến 8 tuần tuổi, trẻ sơ sinh đã bắt đầu có thể nhận biết được sự khác biệt, vì vậy ngay từ lúc này mẹ nên dạy cho trẻ cách phân biệt được ngày, đêm. Vào ban ngày, cho trẻ tắm nắng vào buổi sớm, tiếp xúc với môi trường bên ngoài hoặc để phòng ngủ của bé nhiều ánh sáng hơn, tăng cường vận động cho con đồng thời để bé cảm nhận được những âm thanh bên ngoài, tuy nhiên nên hạn chế những tiếng ồn lớn để con không bị giật mình.
Ban đêm, nên giữ tuyệt đối im lặng, để đèn ánh sáng dịu và thực hiện cho bé đi ngủ vào một giờ cố định để trẻ quen dần, nếu thấy trẻ khóc đêm, mẹ có thể cho trẻ nghe một số âm thanh êm dịu như nhạc không lời, nhạc cổ điển,..để giúp con thư giãn, an dịu tinh thần tốt hơn.
Tạo lập giờ giấc sinh hoạt hợp lý
Trẻ sơ sinh thường có các giấc ngủ ngắn ban ngày và một giấc ngủ dài ban đêm, tuy nhiên mỗi đứa trẻ sẽ có lịch trình giấc ngủ khác nhau. Đối với trường hợp những trẻ khóc đêm ngủ ngày mẹ cần thiết lập giờ giấc sinh hoạt cho bé, ban ngày nên phân chia thời gian các giấc ngủ ngắn hợp lý, khoảng cách giữa mỗi giấc ngủ phù hợp để không ảnh hưởng đến giấc ngủ dài ban đêm.
Thay đổi thói quen sinh hoạt của người lớn
Lịch trình sinh hoạt của người lớn và trẻ nhỏ rất khác biệt, vì vậy bố mẹ nên lưu ý để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của con, vào thời điểm cho bé đi ngủ nên hạn chế âm thanh bên ngoài như tiếng tivi, radio,…và các sinh hoạt thường ngày, tránh gây ra tiếng ồn lớn hay tiếng động mạnh làm bé giật mình.
Bổ sung các dưỡng chất cần thiết
Nếu thấy con quấy khóc, khó ngủ mẹ cũng nên lưu ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ Nhi khoa. Nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày của mẹ để đảm bảo nguồn sữa tốt nhất cho con.
Áp dụng các phương pháp luyện ngủ khoa học
Ngoài các biện pháp nêu trên, với những trẻ từ 5 đến 6 tháng tuổi, mẹ có thể áp dụng một số phương pháp luyện ngủ khoa học được các chuyên gia Nhi khoa hàng đầu thế giới đưa ra như phương pháp Ferber (để trẻ tự khóc) hay phương pháp Easy để giúp con tạo lập thói quen tự ngủ mà không cần đến sự hỗ trợ của mẹ.
Hi vọng với những thông tin vừa chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức hữu ích trong việc giải quyết vấn đề trẻ sơ sinh khóc đêm ngủ ngày hiệu quả nhất.