Trẻ sơ sinh khi mới chào đời chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa ngày và đêm. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ngày ngủ đêm thức khiến mẹ vô cùng mệt mỏi khi chăm con. Vậy làm thế nào để khắc phục được tình trạng này, mẹ hãy lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia dưới đây nhé.
Lý do nào khiến trẻ sơ sinh ngày ngủ đêm thức?
Theo các chuyên gia Nhi khoa, việc trẻ sơ sinh chưa thể đi vào quỹ đạo ngủ như người lớn bởi bé chưa quen với chu kỳ giấc ngủ. Đây là một điều hoàn toàn bình thường và mẹ phải chuẩn bị tâm lý để đối diện khi đón con ra đời. Hiện tượng trẻ sơ sinh “ngủ ngày cày đêm” không có gì lạ, mẹ nào cũng sẽ phải trải qua giai đoạn thức đêm trông con. Tuy nhiên, sau khi sinh, đối với những người lần đầu làm mẹ, việc thức giấc nhiều vào ban đêm có thể khiến mẹ mệt mỏi, lo lắng, do vậy, mẹ hãy chủ động nhờ sự trợ giúp của các thành viên khác trong gia đình.
Theo nghiên cứu của GS.TS Anna Leng tại Trung tâm chăm sóc giấc ngủ Nhi khoa Canada, thì sự nhầm lẫn giữa ban đêm và ban ngày xảy ra vì trẻ sơ sinh chưa phát triển theo đúng nhịp điệu sinh học bình thường. Nói về vấn đề trẻ hay ngủ ngày thức đêm, cô giải thích: “Hoạt động của mỗi cơ thể được điều khiển bằng một đồng hồ sinh học, nó tạo ra cơ chế để giúp cho con người tỉnh táo vào ban ngày và có cảm giác mệt, cần nghỉ ngơi vào ban đêm. Ngủ là một cách để cơ thể lấy lại nguồn năng lượng đã bị mất đi sau một ngày dài hoạt động. Nhiều cha mẹ làm các cách khác nhau để giúp con điều chỉnh được nhịp sinh học này ngày từ khi ở trong bụng mẹ. Tuy nhiên, môi trường trong bụng mẹ lại quá yên tĩnh khiến bé chưa thể phân biệt được. Do đó, khi ra ngoài, bé cần có thời gian để thích nghi và thiết lập lại đồng hồ sinh học của mình”.
Marry Carey, một bác sĩ Nhi khoa tại Boston đã nói rằng, trong 6-8 tuần đầu tiên ngay sau khi chào đời, hoặc thậm chí lâu hơn thế, trẻ sơ sinh vẫn chưa phân biệt được ngày đêm, vẫn ăn-thức-ngủ theo đúng nhu cầu của mình mà không có sự điều chỉnh nào đó. Hơn nữa, việc hormone oxytocin được tiết ra nhiều hơn vào ban đêm cũng khiến cho mẹ tiết nhiều sữa hơn, kết hợp với việc dạ dày của trẻ còn nhỏ, con cần phải thức dậy để ăn sẽ khiến mẹ phải cho bé bú đêm. Nhiều bé sẽ tiếp tục ngủ sau khi ăn no, nhưng nhiều bé thì lại tỉnh táo và quấy khóc khiến mẹ vô cùng mệt mỏi.
>>> Xem thêm: Cộng đồng mạng truyền tai nhau mẹo chữa trẻ thức đêm
Cách giúp bé hết tình trạng “ngủ ngày cày đêm”
Có rất nhiều điều mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc con để giúp con thoát khỏi tình trạng ngủ ngày cày đêm. Dưới đây là một số biện pháp được các chuyên gia khuyến cáo, mẹ có thể áp dụng cho bé nhà mình nhé.
Mặc quần áo thoải mái cho con khi đi ngủ
Ban đêm nên mặc cho trẻ những bộ quần áo thoải mái, để trẻ dễ chịu và giấc ngủ đến dễ dàng hơn. Nếu vào mùa lạnh, mẹ có thể mặc quần áo vừa phải cho con và đắp thêm một chiếc chăn mỏng lên trên.
Cho bé thức giấc vào một giờ nhất định trong ngày
Mẹ nên cho con thức dậy vào một giờ cố định trong ngày kể cả tối hôm trước bé có thức muộn hơn bình thường, điều này sẽ tạo thói quen cho con và khiến bé không ngủ quá nhiều vào ban ngày, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của con.
Để đèn ngủ là ánh sáng mờ
Mẹ không nên bật điện sáng lúc con ngủ, cũng không nên tắt hết đèn vì nhiều bé thức dậy giữa đêm có thể sợ hãi. Ngoài ra, loại ánh sáng xanh như ánh sáng từ loại đèn tiết kiệm điện, điện thoại, tivi…. cũng không nên bật. Ánh sáng màu xanh là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp sinh học và ức chế khả năng tiết melatonin của cơ thể. Do đó, nếu thực sự cần bật đèn, mẹ nên lựa chọn ánh sáng vàng, sẽ tốt hơn cho trẻ nhỏ và cũng nên chọn loại đèn không quá sáng khi bé ngủ.
Giúp con tỉnh táo vào ban ngày
Tăng cường cho bé nhiều hoạt động vận động vào ban ngày. Thay vì để bé thoải mái say giấc vào, mẹ có thể đánh thức bé dậy, chơi với bé rồi cho bé ăn ngay từ tháng đầu tiên hay vài tháng sau đó, dù cho bé đang ngủ rất ngon. Bé vẫn cần bú thêm vào ban đêm nhưng mẹ có thể kéo dài thời gian giữa các cữ bú sau mỗi 3 – 4 tiếng.
Giúp bé nhận thức được sự khác biệt giữa ngày và đêm
Vào ban ngày, khi muốn đánh thức bé dậy, mẹ nên tạo điểm nhấn khác biệt như thay đổi về ánh sáng (từ tối qua sáng) trong phòng bằng cách mở hết các rèm cửa rồi cho thêm một chút nhạc sôi động, sau đó chơi với bé, mẹ cũng nên chuyển điện thoại qua chế độ đổ chuông, bật một số thiết bị âm thanh sống động trong nhà có thể phát ra tiếng động như máy hút bụi, máy rửa chén, máy giặt,…
Tạo phòng ngủ lý tưởng cho con
Đối với bé sơ sinh, phòng ngủ có thể được coi là “địa bàn hoạt động” chính của con. Bé dành phần lớn thời gian để ngủ, ăn và nằm chơi tại đây. Do đó, mẹ cần giữ cho phòng luôn được thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng nhưng cần có rèm che. Hạn chế tối đa thiết bị điện tử trong phòng ngủ của con.
Giường cũi cần an toàn và thân thiện đối với trẻ. Đối với trẻ sơ sinh, nên dùng túi ngủ cho bé thay vì dùng những chiếc chăn quấn hờ. Nếu trẻ nằm giường thì cần bố trí thanh chắn an toàn để trẻ không ngã khỏi giường.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên lưu ý nhiệt độ phòng ngủ lý tưởng cho bé là khoảng 27 – 28 độ C. Nếu trời nóng, mẹ có thể bật quạt cây hoặc quạt trần phe phẩy. Quạt ngoài tác dụng làm mát, còn giúp tạo tiếng ồn trắng giúp trẻ ngủ sâu giấc.n
Nếu mẹ đang cảm thấy lo lắng cho con và vô cùng mệt mỏi vì phải thường xuyên thức đêm chăm con, hãy thử áp dụng những cách mà bài viết gợi ý để chấm dứt tình trạng bé ngủ ngày thức đêm nhé. Chúc mẹ thành công!
>>> Xem thêm: Trẻ 4 tháng tuổi ngủ không sâu giấc: Hậu quả và cách khắc phục