Trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình không phải là tình trạng hiếm gặp. Thông thường đây chỉ là một trong những hoạt động bình thường của trẻ, nhưng đôi khi nó lại là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó của trẻ. Vậy khi nào trẻ sơ sinh vặn mình là bình thường, khi nào là bất thường, mẹ hãy cùng tham khảo nhé!
Trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình là hiện tượng bình thường
Bé sơ sinh vặn mình thường là biểu hiện sinh lý bình thường khi con dưới 2 tháng tuổi. Sau khi vặn mình bé sẽ trở về trạng thái bình thường. Ngoài ra, bé vẫn sẽ có các biểu hiện bình thường, không quấy khóc hay tỏ ra khó chịu, bé không nôn ói và cân nặng vẫn phát triển đều đặn. Các dấu hiệu cho thấy trẻ ngủ vặn mình là hiện tượng sinh lý bình thường bao gồm:
- Trẻ sơ sinh vặn mình và đỏ mặt trong một vài phút rồi tự khỏi. Bé vẫn ngủ đủ giấc, bú sữa tốt, đủ cữ và lên cân đều đặn. Đây là hiện tượng vặn mình phổ biến ở trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi, mẹ không cần phải quá lo lắng.
- Tã bỉm bị ướt khiến cho bé cảm thấy khó chịu: Khi bỉm của con ở trong trạng thái “quá tải” do đã lâu chưa được thay, chứa nhiều nước tiểu sẽ khiến con cảm thấy bứt rứt, khó chịu, nằm trằn trọc vặn mình và ngủ không ngon giấc. Chính vì thế, trong suốt giấc ngủ của con, mẹ nên kiểm tra tã bỉm của bé thường xuyên. Tốt nhất mẹ nên thay bỉm cho con ít nhất 3 đến 4 giờ 1 lần, trừ trường hợp bé đi ngoài thì mẹ cần phải thay ngay lập tức.
- Nếu không gian nơi bé nằm ngủ hàng ngày không được thoáng đãng, khô ráo, tránh ánh sáng và tiếng ồn thì việc trẻ vặn mình khi ngủ có thể có nguyên nhân từ đây. Mẹ thử kiểm tra và điều chỉnh lại môi trường ngủ của con, nếu bé cải thiện được tình trạng vặn mình quấy khóc khi ngủ thì chứng tỏ đây chỉ là một vấn đề bình thường của con do tác động của môi trường, không hề đáng lo ngại nhé.
- Khi bé bị đói khi đi ngủ sẽ khiến bé có cảm giác bứt rứt và vặn mình lúc ngủ. Đối với trẻ sơ sinh, do dạ dày của con còn nhỏ, bé phải được ăn nhiều cữ khác nhau, do đó, nếu bé đã ngủ mà vẫn đói, bé sẽ khó chịu và vặn mình. Vì vậy, mẹ hãy cho bé bú đủ cữ và đủ no trước khi ngủ để con có giấc ngủ trọn vẹn hơn nhé.
Trẻ sơ sinh vặn mình là biểu hiện bất thường
Một số dấu hiệu cho thấy biểu hiện vặn mình của bé không đơn thuần là hiện tượng bình thường mà tiềm ẩn nhiều vấn đề:
- Khi bé vặn mình kèm theo các biểu hiện như đổ mồ hôi trộm, bị rụng tóc vành khăn, trẻ quấy khóc nhiều về đêm. Đây có thể là một biểu hiện cho thấy trẻ đang bị thiếu hụt lượng canxi. Khi bé thiếu canxi, các cơ và xương của bé sẽ cảm thấy khó chịu, nhức mỏi, do đó, bé sẽ có động tác vặn mình trong khi ngủ để giãn các cơ và cảm thấy dễ chịu hơn.
- Tình trạng bé hay rướn mình, vặn mình và quấy khóc không ngừng, đôi khi dẫn tới tím cả tái mặt mày trong một thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cả về tinh thần và thể chất của trẻ sau này. Thậm chí, một số bé còn chậm phát triển chiều cao, chậm mọc răng, biến dạng xương vì thiếu canxi. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm và bổ sung canxi theo chỉ định phù hợp của bác sĩ cho trẻ.
Giải pháp cho mẹ khi trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình
Mẹo giúp bé hết vặn mình mẹ nên áp dụng
Nếu con ngủ hay vặn mình kèm theo các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như hay quấy khóc, đổ mồ hôi trộm, răng mọc chậm, bị rụng tóc,… thì mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các vấn đề tiềm ẩn. Tuy nhiên, nếu tình trạng vặn mình ở trẻ chỉ là các dấu hiệu bình thường, không đáng lo ngại về sức khỏe hay không phải do thiếu canxi thì mẹ có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Mẹ cho bé tắm nắng thường xuyên để tăng hấp thụ vitamin D. Tuy nhiên, thời gian cho con tắm nắng cần phải lưu ý thích hợp nhất là trong khoảng từ 7-9h vào buổi sáng vào mùa hè. Nếu vào mùa thu, đông, mẹ có thể tắm nắng cho con vào khoảng 3 – 4 giờ chiều.
- Với trẻ uống sữa công thức, mẹ có thể yên tâm vì đa phần các hãng sữa đã xây dựng công thức đầy đủ dưỡng chất. Còn đối với những trẻ bú mẹ, mẹ cần bổ sung lượng thực phẩm dồi dào trong thực đơn của mình, đảm bảo chứa hàm lượng canxi đầy đủ như hải sản, các loại ngũ cốc, sữa, sữa chua, pho mai,….
- Nhiệt độ phòng nơi bé ngủ cần được duy trì ở nhiệt độ trung bình khoảng 27 đến 28 độ C. Vào mùa hè khi trẻ nằm máy lạnh, mẹ nên đặt 1 chậu nước nhỏ trong phòng của bé hoặc quạt hơi nước để tránh làm khô niêm mạc họng, mũi của bé.
- Đảm bảo bé được thoải mái nhất khi đi ngủ, không bị khó chịu bằng cách kiểm tra tã, quần của bé một thường xuyên.
Như vậy, mẹ có thể thấy là không phải lúc nào trẻ sơ sinh vặn mình cũng là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan bởi trẻ vặn mình sẽ bị thức giấc giữa chừng. Chính vì thế, mẹ hãy áp dụng những mẹo mà bài viết gợi ý để giúp con có được giấc ngủ ngon, chất lượng nhất nhé.
>>> Xem thêm: Những sự thật về vấn đề bé sơ sinh ngủ không sâu giấc