Với những bé mới sinh, giấc ngủ ban ngày cũng quan trọng không thua kém gì ban đêm. Chính vì thế, việc trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày khiến cho cha mẹ không khỏi lo lắng. Vậy làm sao để khắc phục tình trạng này, hãy xem chia sẻ của các mẹ bỉm sữa nhé.
Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu vào ban ngày?
Độ dài các giấc ngủ của mỗi bé có thể là không giống nhau, nhưng việc có những giấc ngủ ngắn là không thể thiếu ở trẻ sơ sinh. Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển, các bé sẽ có thời điểm và thời gian ngủ ngày không giống nhau.
Trung bình các giấc ngủ ngắn ban ngày của trẻ sơ sinh kéo dài khoảng 2 tiếng và mỗi giấc ban đêm kéo dài từ 3 – 5 tiếng. Trong những ngày tháng đầu tiên trong đời, chu kỳ thức – ngủ của bé chưa rõ rệt, do đó, mẹ nên để bé ngủ theo nhu cầu, không cần thiết phải điều chỉnh giờ ngủ hay thời gian ngủ của bé theo ý mẹ.
Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia về Nhi khoa tại Thụy Điển chứng minh rằng, những trẻ sơ sinh ngủ đủ thời gian trong một ngày sẽ phát triển tốt hơn những trẻ ngủ ít, ngủ không sâu giấc cả về thể chất lẫn trí tuệ. Những trẻ thiếu ngủ sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn và dễ bị mắc các bệnh về hô hấp, dễ bị ốm hơn những trẻ ngủ đủ.
Dưới đây là bảng thời gian chuẩn cho trẻ theo từng giai đoạn:
Độ tuổi của trẻ | Thời gian ngủ ban ngày | Thời gian ngủ ban đêm |
1 tuần | 8 giờ | 8 giờ |
1 tháng | 7 giờ | 8 giờ |
3 tháng | 5 giờ | 10 giờ |
6 tháng | 3 giờ 15 phút | 11 giờ |
9 tháng | 3 giờ | 11 giờ |
1 tuổi | 2 giờ 15 phút | 11 giờ 30 phút |
Tất nhiên không phải bé nào cũng có giờ ngủ cố định như trên, nhưng nếu thời gian ngủ của bé một ngày ít hơn tiêu chuẩn quá nhiều thì mẹ nên tìm cách khắc phục sớm để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Mẹ phải làm gì khi trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày?
Nếu bé nhà mẹ đang gặp phải tình trạng ngủ ít vào ban ngày, kể cả ban đêm bé ngủ rất tốt, mẹ cũng cần phải lưu ý và tìm cách giúp con có giấc ngủ ban ngày chất lượng. Một số cách mẹ có thể tham khảo dưới đây gồm:
Bé ngủ ít vào ban ngày mẹ nên làm gì?
Giúp con có môi trường ngủ thoải mái
Không gian ngủ của con cần đủ tối, không quá nóng hay lạnh và phải thoáng đãng, không ẩm thấp để con có thể ngủ được ngon nhất. Khi thời tiết trở lạnh mẹ nên giữ ấm cho con bằng cách mặc cho con đủ ấm, điều chỉnh điều hòa, quạt sưởi nếu cần thiết. Phòng ngủ của con cũng không nên quá nhiều ánh sáng khiến con bị chói mắt, bé khó chịu và khó ngủ hơn.
Đặc biệt, khi bé đang ngủ, cha mẹ hay những người xung quanh phải tuyệt đối giữ yên lặng, đi lại hay làm việc cần nhẹ nhàng, tránh gây ra các tiếng động ảnh hưởng đến giấc ngủ của con. Điều này sẽ khiến con khó đi vào giấc ngủ và thời gian ngủ được ít hơn do bị đánh thức giữa chừng.
Cho con đi ngủ ngay khi con có dấu hiệu buồn ngủ
Khi bé có các dấu hiệu như liên tục dụi mắt, quấy khóc, ngáp ngủ, mắt lờ đờ, díu vào tức là bé của mẹ đang buồn ngủ. Lúc này mẹ hãy đặt con nằm xuống giường/cũi rồi hãy nhẹ nhàng vỗ về ru bé ngủ. Không nên cố chơi với bé hay bế bé ở ngoài phòng ngủ bởi bé sẽ khó chịu, quấy khóc, thậm chí khiến bé khó ngủ hơn. Mẹ cũng không nên cho con đi ngủ sớm quá bởi con sẽ khó chịu và quấy khóc, càng khó ngủ hơn khi đến giờ.
Để bé ngủ một cách tự lập
Việc mẹ thường xuyên ôm ấp con sẽ khiến bé có thói quen đòi được mẹ bế trên tay thì mới có thể ngủ ngon được. Khi mẹ đặt xuống là bé sẽ giật mình và cảm giác bất ngủ, giấc ngủ sẽ không được trọn vẹn. Chính vì vậy, mẹ nên thay đổi thói quen này. Trước khi đến giờ ngủ của con, mẹ có thể ôm ấp bé khoảng 15 đến 20 phút, nhưng ngay khi con thiu thiu ngủ, mẹ nên nhẹ nhàng đặt bé nằm xuống. Có thể thời gian đầu bé chưa quen sẽ giật mình, rồi quấy khóc đòi mẹ bế lên nhưng mẹ nên cố gắng duy trì thói quen này, sau dần con sẽ quen và có thể tự giác ngủ mà không cần mẹ phải bế ẵm nữa.
Mẹ nên tránh đung đưa hoặc cho bé bú dỗ ngủ (thậm chí đây có thể là những cách duy nhất để bé chịu ngủ). Nếu bé có xu hướng chỉ ngủ khi được mẹ bế đu đưa hoặc ngậm ti mẹ hay ti bình sữa thì bạn nên thử thay đổi một chút, hay chuyển sang việc đọc hoặc hát ru khi bé nằm ngủ trong cũi (hoặc giường).
Nên cho bé ngủ ở một nơi cố định
Nên cho bé ngủ trưa ở chỗ thường ngủ vào buổi tối. Làm như vậy sẽ giúp bé liên kết vị trí đó với việc đi ngủ. Nếu biết bé sắp phải ngủ trưa ở nơi khác, mẹ nhớ đem theo đồ chơi hoặc bất cứ thứ gì có thể liên kết bé với việc đi ngủ. Điều này sẽ giúp cơ thể trẻ duy trì chu kỳ ngủ dù bạn có ở đâu đi nữa.
Quấn chăn/ khăn mỏng cho bé
Việc quấn khăn/chăn mỏng sẽ giúp bé có cảm giác an toàn, không bị giật mình. Hơn nữa, nếu không may có âm thanh tác động từ môi trường, bé có phản xạ giật mình cũng sẽ được giữ chân tay lại không bị vung lên, hạn chế tối đa được ảnh hưởng do động tác giật mình đem lại. Một số mẹ cũng có cách làm là đặt một chiếc gối mỏng, nhẹ lên phần bụng và chân con cũng sẽ giúp bé hạn chế được phản xạ giật mình.
Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho bé
Ngoài ra, việc bé ngủ ít, ngủ không ngon cũng có thể do thiếu một số dưỡng chất như các nguyên tố vi lượng magie, kẽm, sắt, canxi,… Vì vậy, mẹ hãy ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm để con được cung cấp lượng chất đầy đủ qua nguồn sữa mẹ.
Mẹ hãy thực hiện theo những cách ở trên để khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh ngủ ít vào ban ngày. Nếu bé vẫn không cải thiện sau 1, 2 tuần thực hiện, mẹ hãy đưa con tới gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để giúp con có giấc ngủ ngon sớm nhé.
>>> Xem thêm: 6 cách chữa cho trẻ hay vặn mình khó ngủ