Ngạt mũi thường dẫn đến khó thở, khó chịu và khiến trẻ sơ sinh quấy khóc ban đêm nhiều hơn. Sức khỏe đường hô hấp của bé sẽ không đáng lo ngại nếu mẹ biết chính xác nguyên nhân khiến bé bị ngạt mũi và một số mẹo xử trí hiệu quả nhanh chóng.
Ngạt mũi là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết liên quan đến bệnh lý của đường hô hấp. Đây là một trong số những nguyên nhân làm trẻ sơ sinh quấy khóc về đêm. Bé sẽ rất khó chịu khi đường thở bị cản trở, cảm thấy không bình thường ở mũi. Đặc biệt là bé sơ sinh có hệ miễn dịch rất non nớt, hệ hô hấp cũng chỉ vừa được khởi động sau khi chào đời. Chính vì thế, dù đây mới là một dấu hiệu nhỏ nhưng mẹ tuyệt đối không nên chủ quan với tình trạng này ở bé.
Nguyên nhân gây ngạt mũi khiến trẻ sơ sinh quấy khóc ban đêm
Trẻ sơ sinh dễ bị ngạt mũi vì những nguyên nhân sau:
- Cảm lạnh: Trung tâm điều hòa thân nhiệt của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, nếu nhiệt độ phòng quá lạnh so với mức chịu đựng của bé, bé sẽ nhanh chóng bị cảm lạnh. Đây là nguyên nhân thường gặp gây ngạt mũi ở trẻ. Dấu hiệu ở đây là bé thở khò khè, có thể hắt hơi, chảy nước mũi và đi kèm với đau họng, sốt nhẹ.
- Không khí khô: Trong môi trường hanh khô và lạnh, niêm mạc mũi của trẻ sơ sinh bị kích ứng nhiều hơn bình thường. Nó bắt đầu thích nghi bằng cách tiết ra nhiều chất nhầy hơn để làm ẩm không khí hít vào. Do đó, bé hay có cảm giác khó chịu, đau ở mũi và sau đó là khó thở hơn khi mũi chứa quá nhiều dịch.
- Nhiễm virus cúm: Nguồn vi khuẩn hay virus có thể tới từ một người qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc cũng có thể qua những lần hắt hơi ngay gần bé sơ sinh cũng đủ để khiến bé nhiễm bệnh. Cảm cúm do virus sẽ khiến trẻ sơ sinh quấy khóc ban đêm rất nhiều, ngoài ngạt mũi, khó thở, bé có thể ho và sốt.
Bé sơ sinh rất dễ nhiễm virus gây ngạt mũi, ho
- Dị ứng: Bé sơ sinh rất nhạy cảm, đặc biệt là với những bé có cơ địa dễ bị dị ứng. Bé có thể hắt hơi, thở khò khè, khó thở khi hít phải phấn hoa, bụi bẩn, lông chó hoặc lông mèo,… Thậm chí, nhiều trường hợp bé bị dị ứng có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
Nguyên nhân khiến bé ngạt mũi và quấy khóc rất dễ nhận thấy. Nhờ việc nắm rõ những tác nhân có khả năng khiến bé không khỏe, mẹ sẽ có cách phòng tránh và giúp bé thoát khỏi “cuộc chiến” với chiếc mũi của mình mỗi đêm.
Cách xử trí trẻ sơ sinh quấy khóc ban đêm do ngạt mũi
Trẻ quấy khóc đêm do ngạt mũi sẽ ngoan trở lại, tất nhiên là khi chiếc mũi của bé không còn bị ốm nữa. Với từng nguyên nhân gây bệnh cụ thể, mẹ sẽ có những giải pháp thích hợp và hiệu quả cho bé. Dưới đây là một số cách an toàn mẹ có thể áp dụng khi bé yêu bị ngạt mũi:
Vệ sinh làm thông thoáng mũi
Việc loại bỏ dịch nhầy trong mũi bé có tác dụng loại bỏ mầm bệnh, làm mềm vẩy cứng giúp bé dễ thở. Nước muối sinh lý là dung dịch thích hợp để làm sạch mũi cho bé. Ngoài tác dụng làm sạch, nước muối sinh lý cũng có khả năng kháng khuẩn, diệt được một số loại vi khuẩn có hại.
Mẹ hãy đặt bé nằm nghiêng, kê cao gối để việc làm sạch mũi cho bé dễ dàng hơn. Mẹ nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào một bên lỗ mũi của bé, chờ một vài phút. Sau đó, mẹ nhẹ nhàng dùng dụng cụ hút mũi theo đúng hướng dẫn để hút dịch trong mũi của bé ra ngoài. Thực hiện tương tự với lỗ mũi còn lại và dùng khăn mềm lau sạch mũi cho bé. Mẹ có thể vệ sinh mũi cho bé 3-5 lần mỗi ngày.
Làm ẩm không khí trong phòng ngủ
Để hạn chế sự khô hanh của thời tiết, mẹ có thể làm tăng độ ẩm bằng cách đặt một máy làm ẩm trong phòng ngủ của bé. Như vậy, niêm mạc mũi của bé sẽ không bị khô dẫn đến vấn đề về hô hấp. Đảm bảo bé đủ ấm để tình trạng ngạt mũi của bé trở nên nghiêm trọng hơn.
Massage cho bé bằng tinh dầu
Một số loại tinh dầu có tác dụng rất tốt cho đường hô hấp của bé. Mẹ có thể dùng tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế, dầu khuynh diệp,… massage ngực cho bé dễ thở. Tuy nhiên, da của bé rất dễ bị kích ứng, vì thế mẹ không thể dùng tinh dầu nguyên chất để dùng trực tiếp trên da của trẻ. Hãy dùng loại dầu chuyên dụng để massage và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng tinh dầu hỗ trợ hô hấp cho bé.
Tư thế ăn, ngủ thích hợp
Bé bị ngạt mũi sẽ dễ thở hơn nếu ngủ với tư thế đầu cao hơn thân. Ngay cả khi mẹ cho bé bú sữa, mẹ cũng nên chú ý tư thế bế bé. Khi bị ngạt mũi, bé ăn sẽ rất dễ bị sặc, nôn trớ nếu mẹ không bế đầu của bé cao hơn thân mình của bé. Dòng sữa mẹ ấm nóng cũng cải thiện tốt tình trạng ngạt mũi, khó thở của bé vào ban đêm.
Sử dụng thuốc điều trị
Có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh quấy khóc đêm khó ngủ hay ngủ ít hơn, ăn kém hơn do ngạt mũi khó chịu. Nếu như những cách kể trên không đem lại kết quả khả quan thì mẹ hãy tìm đến sự giúp đỡ từ bác sĩ. Bé có thể được chỉ định dùng một số thuốc điều trị, mẹ hãy cố gắng giúp bé uống thuốc đúng hướng dẫn nhé. Tình trạng của bé sẽ cải thiện nhanh thôi.
Biện pháp phòng chống ngạt mũi ở trẻ sơ sinh
Thường thì mẹ có thể phòng tránh việc nhiễm bệnh đường hô hấp cho bé. Chỉ bằng cách:
- Tăng cường sức đề kháng: Sữa mẹ chứa kháng thể giúp bé có hệ miễn dịch tốt. Đặc biệt là lớp sữa non được tiết ra ngay trong 72 giờ sau sinh. Bé bú mẹ đúng giờ, đủ lượng sữa cần thiết và ngủ đủ giấc sẽ khỏe mạnh và ít khi ốm vặt. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng của mẹ sẽ góp phần cho bé có sức khỏe tốt nhất.
- Tạo môi trường thích hợp: Chỗ ngủ của trẻ sơ sinh cần thoáng khí, sạch sẽ, có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Nhất là không để bé tiếp xúc với người đang bị cảm cúm, nhiễm virus hay vi khuẩn gây bệnh.
- Giữ ấm cho bé: Khi thời tiết lạnh, mẹ cần mặc đồ đủ ấm cho bé để tránh cho bé bị cảm lạnh. Với những ngày trời nóng, mẹ cũng không nên dùng điều hòa hay quạt quay trực tiếp vào bé. Quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi với chất liệu cotton sẽ thích hợp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Ngạt mũi dễ làm trẻ sơ sinh quấy khóc ban đêm. Nhưng khi mẹ biết cách phòng tránh, xử trí thích hợp thì bé sẽ ít khi mắc phải tình trạng này và nếu có mắc phải cũng sẽ dễ dàng khỏe lại mà không quấy khóc đêm khiến mẹ mệt mỏi.
>>> Xem thêm: Tâm sự của nữ diễn viên người Mỹ có con quấy khóc đêm