Nguyên nhân nào gây đầy bụng khiến trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ?
Hầu hết, cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc tìm cách chăm sóc tốt nhất để tạo điều kiện cho con phát triển toàn diện, đặc biệt là với trẻ sơ sinh. Trẻ bị đầy bụng và trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ có thể là hai vấn đề khác nhau khiến cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp thì bé quấy khóc khó ngủ liên quan đến tình trạng bé bị đầy bụng. Để giải quyết được vấn đề quấy khóc khó ngủ của bé thì điều đương nhiên là cha mẹ cần làm giảm sự đầy tức bụng của bé.
Đầy bụng là một biểu hiện hoạt động của hệ tiêu hóa, thường gặp ở trẻ sơ sinh trong 3 tháng đầu đời. Bé đầy bụng hay co chân lên, cong lưng sau đó duỗi chân ra. Đây không phải là một bệnh lý cần can thiệp điều trị bằng thuốc. Do đó, cha mẹ có thể tìm hiểu và có cách xử trí hợp lý để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của bé.
Tình trạng quấy khóc khó ngủ vì đầy bụng rất hay gặp ở trẻ sơ sinh
Nhưng bé bị đầy bụng là do đâu? Nguyên nhân chính gây hơi, khó tiêu cho bé bao gồm:
- Không tiêu hóa được Lactose: Lactose trong sữa mẹ hoặc sữa công thức có thể là thành phần gây đầy hơi, khó tiêu cho bé. Lactose là một chất dinh dưỡng tốt, nhưng với hệ tiêu hóa còn non nớt chưa có khả năng tiêu hóa hết lactose khi bé ăn quá no, chúng dễ bị lên men quá mức tại ruột non. Đó là nguyên nhân sinh ra nhiều khí gây khó chịu bụng ở trẻ sơ sinh. Với những trẻ lớn hơn thì chế độ ăn dặm có chứa loại thực phẩm với hàm lượng tinh bột cao cũng dễ khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu.
- Mẹ cho bé bú không đúng cách: Cách mẹ cho bé bú sữa cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé. Nếu mẹ cho bé bú lớp sữa đầu chứa nhiều lactose và vội vã đổi bên cho bé bú tiếp lớp sữa đầu của bầu ngực còn lại sẽ khiến bé dễ bị đầy hơi vì khó tiêu hóa hết lactose. Thêm vào đó, trong quá trình bú mẹ, bé khóc hoặc nuốt phải quá nhiều không khí do tư thế bú mẹ chưa chuẩn xác cũng sẽ khiến bé bị đầy hơi.
- Chế độ dinh dưỡng của mẹ: Bé còn bú mẹ sẽ chịu tác động trực tiếp bởi những thực phẩm mà mẹ đã ăn. Có một số thực phẩm mẹ ăn có thể gây đầy bụng nhiều hơn cho bé, đó là: Rau xanh (các loại đậu, bắp cải, súp lơ,…), yến mạch, mận, bơ, đào, lê, những loại quả có múi (bưởi, cam, chanh,…).
“Giải cứu” trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ vì đầy tức bụng
Tương ứng với những nguyên nhân gây đầy bụng thì mẹ có thể cải thiện tình trạng trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ, giúp bé cảm thấy thoải mái hơn bằng nhiều cách:
- Vỗ ợ hơi cho bé: Bé dễ dàng nuốt phải không khí kể cả khi được bú mẹ hay bú bình. Do đó, mẹ hãy học cách vỗ ợ hơi để giảm lượng khí trong đường tiêu hóa của bé. Mẹ hãy bế bé lên, để đầu của bé tựa vào vai mẹ, sau đó mẹ vỗ nhẹ vào lưng bé một vài phút. Vỗ ợ hơi sẽ giúp bé đẩy hết lượng khí thừa trong bụng ra ngoài. Điều này cũng có hiệu quả rất tốt với những bé thường hay bị trớ, ọc sữa hay trào ngược dạ dày.
- Thực hiện động tác đạp xe và massage bụng cho bé: Mẹ cũng có thể làm giảm đầy hơi cho bé bằng cách cầm hai chân bé lên và di chuyển theo cử động đạp xe đạp. Massage bụng cũng giúp kích thích nhu động ruột đào thải hơi thừa, giúp bé thấy dễ chịu hơn.
Thực hiện động tác đạp xe đạp là một cách giúp bé đào thải khí thừa hiệu quả
- Chú ý tư thế bú của bé: Mẹ cần đảm bảo phần đầu của bé cao hơn phần thân khi bú. Bé bú đúng cách sẽ hạn chế trông thấy tình trạng đầy hơi, khó chịu bụng của bé. Với bé bú bình, nếu mẹ đã cho bé bú đúng cách mà bé vẫn nuốt phải nhiều khí dư thừa thì mẹ hãy kiểm tra lại bình sữa. Đảm bảo chất lượng của bình sữa và mẹ có thể thay một bình sữa mới cho bé nếu đây chính là vấn đề khiến bé bị đầy bụng.
- Kiểm tra lại chế độ ăn của mẹ: Nếu bé bị đầy hơi mà mẹ vẫn chưa xác định được nguyên nhân nằm ở đâu thì mẹ hãy kiểm tra lại chế độ ăn của mình. Nếu như bé thường xuyên đầy bụng, khó tiêu mỗi khi mẹ ăn một loại thực phẩm nào đó, việc cần làm lúc này là mẹ nên hạn chế bớt những thực phẩm đó lại. Tuy nhiên, không nên loại bỏ hoàn toàn những thực phẩm này. Bởi vì mẹ và bé cũng cần đảm bảo sự đa dạng trong chế độ ăn để tránh bị thiếu chất.
Với những thông tin trên, mẹ có thể bớt lo lắng nếu trẻ sơ sinh quấy khóc khó ngủ vì đầy bụng. Những phương pháp này được các mẹ bỉm sữa áp dụng phổ biến và có hiệu quả cao. Nếu bé của mẹ bị đầy bụng, hãy thử tìm nguyên nhân và đừng quên sử dụng những tuyệt chiêu này mẹ nhé!
>>> Xem thêm: 4 nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc cha mẹ nên biết