Trẻ sơ sinh vặn mình, gồng mình là biểu hiện mà nhiều bé gặp phải. Có mẹ thì lo lắng thái quá, có mẹ lại chủ quan dẫn đến những rắc rối cho con. Vậy đây là biểu hiện bình thường hay bất thường khi thấy con vặn mình, khi nào mẹ cần chú ý và tìm cách xử lý? Mẹ đừng bỏ lỡ những thông tin hữu ích ngay dưới đây nhé!
Trẻ sơ sinh vặn mình là biểu hiện sinh lý bình thường
Theo Tiến sĩ Joseph Backer tại Trung tâm Nhi khoa Boston, thông thường, trẻ khi mới sinh được vài tuần cho đến vài tháng sẽ có biểu hiện uốn cong mình, vặn mình. Đây là biểu hiện hết sức tự nhiên và bình thường ở trẻ, bởi lúc này trẻ chưa quen với cuộc sống hoàn toàn mới bên ngoài tử cung của mẹ. Khi bé mới ra đời, hệ thần kinh của bé chưa hoàn thiện, đồng thời do nằm nhiều nên các cơ của bé sẽ bị mỏi, chính vì vậy, biểu hiện vặn mình sẽ giúp bé giải tỏa được căng thẳng ở các cơ.
Do bé phản ứng với tác động của môi trường
Những yếu tố bên ngoài từ môi trường dù là vấn đề nhỏ nhất cũng có thể gây tác động đến bé yêu của mẹ. Ví dụ như không gian ngủ của con không được thông thoáng và ấm áp, quá nóng hoặc lạnh, quá nhiều ánh sáng hoặc quá ồn ào. Những yếu tố này tưởng chừng đơn giản so với người lớn chúng ta nhưng với các bé khi hệ thần kinh còn non nớt, tình trạng này sẽ khiến bé hay giật mình, vặn mình. Chính vì vậy, khi thấy con có biểu hiện vặn mình, mẹ hãy ưu tiên kiểm tra những điều kiện này trước tiên nhé.
Do bé bị đói
Từ khi sinh đến 15 ngày đầu, trẻ sơ sinh bú sữa tăng từ 30ml đến 60ml. Từ ngày 16 đến trở đi, bé có thể tăng lượng sữa dần đến 100ml hoặc hơn và khoảng 2-3 tiếng bú một lần, cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, nhu cầu bú sữa giữa các bé có thể khác nhau và bé sẽ đòi bú bất cứ lúc nào. Khi đói bé sẽ bắt đầu cựa quậy, vặn mình, uốn người… nếu không được mẹ đáp ứng ngay, bé có thể sẽ rên, rồi khóc rất to. Vậy mẹ hãy để ý lượng sữa con bú và thời gian để cho con ăn đủ bữa nhé.
Bé buồn đi đại tiện
Khi bé buồn đi đại tiện, bé sẽ có biểu hiện vặn mình, đây là phản ứng thông thường của con. Đặc biệt, nếu con bị táo bón, bé sẽ gồng và vặn mình nhiều hơn. Đôi khi, bé còn có thể vặn mình ngay cả khi bé đi tiểu tiện. Các chuyên gia về Nhi khoa tại Đại học bang Carolina cho biết, động tác rặn sẽ giúp hoàn thiện cơ vòng hậu môn và cơ bàng quang của bé.
Việc tã, bỉm của bé bị ướt, bẩn do bé đi vệ sinh ra cũng khiến bé khó chịu và vặn mình. Vì vậy, mẹ hãy kiểm tra quần áo, tã bỉm của con khi trẻ vặn mình nhé.
Một số yếu tố khác
Việc mẹ mặc quần áo hoặc quấn chăn cho con quá chật, khiến con cảm thấy không thoải mái và sẽ vặn mình. Ngoài ra, những tiếng động từ môi trường, ánh sáng đột ngột chiếu vào mắt,… sẽ khiến bé khó chịu và gồng mình, vặn mình.
Đôi khi những yếu tố tự nhiên ở trên tác động và dẫn đến phản xạ vặn mình ở bé. Những yếu tố này dường như vô hại nhưng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Vì vậy, mẹ hãy chú ý để con cảm thấy thoải mái nhất và có giấc ngủ ngon nhé.
Trẻ sơ sinh vặn mình do vấn đề bệnh lý
Trẻ sơ sinh vặn mình do nguyên nhân bệnh lý thường đi kèm với các vấn đề khác về giấc ngủ và sức khỏe như bé bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, kém ăn, ốm sốt,… Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe dẫn đến bé bị vặn mình:
- Bé bị thiếu canxi: Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ bị thiếu canxi dẫn đến hệ cơ xương nhức mỏi, kết hợp với việc bé nằm nhiều sẽ càng mỏi hơn. Chính vì thế bé phản ứng lại bằng cách vặn mình, gồng mình, đôi khi bé còn rên và khóc do sự khó chịu này đem lại. Mẹ có thể nghĩ đến tình trạng vặn mình do thiếu canxi khi có kết hợp một số tình trạng khác như bé chậm mọc răng, bị rụng tóc hình vành khăn, bé chậm lên cân, hay bị đổ mồ hôi trộm. Lúc này, mẹ cần đưa bé đi kiểm tra ở cơ sở y tế chuyên khoa để được bổ sung liều lượng thích hợp, kết hợp với cho bé tắm nắng sớm thường xuyên nhé.
- Bé vặn mình do mắc một số bệnh: Bé bị ốm, sốt, hoặc gặp một số vấn đề về da liễu như bị dị ứng, mẩn đỏ, bị vẩy nến gây ngứa ngáy. Ngoài ra, một số vấn đề xuất hiện ở hệ tiêu hóa như bé bị đầy hơi, đau bụng cũng dễ khiến bé cảm thấy khó chịu. Thông thường khi gặp phải những vấn đề sức khỏe này, bé sẽ kém ăn và quấy khóc. Chính vì vậy, mẹ cần quan sát con để đưa đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho mẹ những thông tin cơ bản nhất về tình trạng trẻ sơ sinh giật mình có nguyên nhân từ đâu. Không phải lúc nào đó cũng là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng mẹ cũng đừng chủ quan, hãy theo sát từng thay đổi của con và tìm hướng xử lý kịp thời nhé!
>>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh hay vặn mình khó ngủ thì ra là vì những lý do dễ bị bỏ qua!