Vặn mình ở trẻ sơ sinh thực chất là một biểu hiện sinh lý bình thường xảy ra ở hầu hết các trẻ trong 3 tháng đầu đời. Tuy nhiên, một giấc ngủ đêm với nhiều lần trằn trọc của trẻ cũng khiến mẹ thao thức và bất an theo. Dưới đây là 6 cách chữa vặn mình ở trẻ sơ sinh hiệu quả mà mẹ có thể áp dụng.
Với một số trường hợp, vặn mình ở trẻ sơ sinh cũng là dấu hiệu đáng lo ngại khi nó đi kèm với những biểu hiện bất thường như: rụng tóc vành khăn, ra mồ hôi trộm, quấy khóc nhiều vào ban đêm,… Lúc này mẹ cần đưa trẻ đến các bác sĩ Nhi khoa để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời vì có thể trẻ bị thiếu kẽm hoặc thiếu canxi.
Còn với trường hợp trẻ vặn mình chỉ là biểu hiện sinh lý bình thường thì mẹ có thể tham khảo một số cách trị vặn mình ở trẻ sơ sinh dưới đây:
Dùng tã hoặc quần áo thoải mái giúp giảm thiểu vặn mình ở trẻ sơ sinh
Sử dụng tã/ quần áo có chất liệu nhẹ, thoáng
Một lý do phổ biến khiến trẻ sơ sinh dễ vặn mình ban đêm chính là do sự khó chịu vì các tác động từ điều kiện xung quanh. Để giảm thiểu tình trạng này, mẹ nên kiểm tra lại các vật dụng như:
- Tã: chọn tã có chất liệu nhẹ, thoáng và thấm hút tốt để đem lại sự thoải mái cho trẻ.
- Quần áo rộng và đủ ấm.
- Nhiệt độ phòng luôn ổn định từ 27-30 độ C, không quá nóng hoặc quá lạnh.
- Chăn, ga, gối, đệm phải luôn sạch để bé không bị ngứa ngáy, khó chịu.
Ở bên để vỗ về, an ủi trẻ một cách nhẹ nhàng
Khi trẻ vặn mình, giật mình cũng là lúc trẻ cảm thấy bất an và cần một cảm giác an toàn. Lúc này mẹ hãy để trẻ cảm nhận sự an tâm khi có mẹ ở bên bằng cách ôm và nhẹ nhàng âu yếm trẻ. Điều này sẽ đem lại cảm giác dễ chịu và thoải mái để trẻ tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Nên nhớ, cố gắng đừng căng thẳng hay bất an khi thấy trẻ vặn mình, vì trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi mọi cảm xúc từ mẹ.
Thường xuyên tắm nắng cho trẻ
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị thiếu hụt vitamin D và canxi, phổ biến nhất là ở trẻ sinh non. Trường hợp bị thiếu canxi, trẻ không chỉ vặn mình mà còn là quấy khóc, gồng mình đến đỏ mặt hay rụng tóc vành khăn, ra mồ hôi trộm và thường xuyên giật mình ban đêm. Do đó, hãy để cơ thể trẻ được hấp thụ vitamin D bằng cách tắm nắng thường xuyên.
Tắm nắng thường xuyên rất tốt cho trẻ sơ sinh vì tia UVB có trong ánh nắng giúp bổ sung vitamin D, có lợi cho việc chuyển hóa và hấp thụ canxi của cơ thể
Thời gian tắm nắng thích hợp là trước 9 giờ sáng và sau 5 giờ chiều, vào mùa đông mẹ có thể cho bé tắm nắng sau 3 giờ chiều. Việc hấp thụ nhiều vitamin D sẽ giúp tăng khả năng chuyển hóa canxi cho cơ thể.
Thực đơn đầy đủ chất dinh dưỡng – không kiêng khem
Mẹ cho rằng: Vặn mình ở trẻ sơ sinh là không liên quan đến sữa mẹ? Nhưng thực tế đó lại là một nhận đình hoàn toàn sai lầm. Bởi nguồn dinh dưỡng duy nhất mà trẻ sơ sinh có được hoàn toàn là từ sữa mẹ (trừ những bé bú sữa ngoài hay sữa công thức).
Do đó, một chế độ ăn nghèo nàn, không có đủ lượng canxi cần thiết cũng sẽ gây ra tình trạng thiếu canxi và hay vặn mình ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, mẹ cần bổ sung những thực phẩm giàu canxi như: rau cải ngọt, rau dền, cá chạch, vừng, đậu phụ, đậu cô ve,.. Một thực đơn đa dạng và đầy đủ chất dinh dưỡng chắc chắn sẽ giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh cùng những giấc ngủ chất lượng.
Để ý đến cảm xúc của trẻ
Đa số trẻ sơ sinh đều thường xuyên vặn mình. Nếu điều này xảy ra vào ban ngày thì cũng có nghĩa là trẻ chỉ đang thư giãn các khớp xương vì bị bồng bế hay nằm lâu một chỗ. Đây là biểu hiện bình thường nên mẹ không cần lo lắng. Chứng vặn mình này sẽ biến mất sau 3 tháng, khi các khớp xương và chân tay của trẻ đã cứng rắn và cử động linh hoạt hơn.
Mẹ hãy chú ý các biểu hiện trên gương mặt và cơ thể của trẻ để nắm bắt vấn đề mà trẻ đang gặp phải
Tuy nhiên, vặn mình ở trẻ sơ sinh cũng có thể là biểu hiện của sự khó chịu như: tã ướt, bé đau hay khó chịu vì bị côn trùng đốt,… Tốt nhất mẹ nên chú ý đến biểu hiện trên gương mặt và cơ thể của trẻ để kịp thời phát hiện và xử lý.
Không nghe mách “mẹo lạ” về cách trị vặn mình ở trẻ sơ sinh
Nhiều trường hợp thường sử dụng các phương pháp dân gian để trị vặn mình ở trẻ sơ sinh như xông hơi, chườm khăn nóng hay đắp lá. Tuy nhiên, mẹ cần nhớ da của trẻ sơ sinh rất mong manh và nhạy cảm, bất kỳ sự tác động nào cũng dễ gây tổn thương và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Vậy nên, nếu quá hoang mang và lo lắng cho tình trạng vặn mình của con, tốt nhất mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám chữa bệnh một cách khoa học và an toàn.
Một cơ thể khỏe mạnh cùng một giấc ngủ sâu ở trẻ sơ sinh là điều mà mọi mẹ bỉm đều mong muốn. Do đó, khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu lạ nào trong giấc ngủ, kể cả việc vặn mình thì mẹ không thể an tâm. Trên đây là 6 cách trị vặn mình ở trẻ sơ sinh mà mẹ có thể áp dụng để bé yêu có một giấc ngủ lành mạnh hơn. Nếu nghi ngờ trẻ vặn mình do thiếu canxi, mẹ hãy liên hệ ngay cho bác sĩ để được giúp đỡ. Chúc bé luôn khỏe mạnh và phát triển tốt!